PGS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) nhận định: Từ thực tiễn cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành những mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2020 với nguồn lực như hiện nay.
“Rắn” và “mềm” giúp giảng viên chiến thắng sức ỳ
Điểm “vướng” của nhiều trường khi triển khai Đề án là sức ỳ, thói quen của giảng viên. Thực tế, với rất nhiều lo toan cho công việc ở trường và gia đình, các giảng viên thực sự rất khó để có động lực cũng như sự đầu tư để “bật” lên được về trình độ ngoại ngữ.
Thừa nhận điều này, theo ông Phan Quang Thế, giảng viên trẻ ngày nay có rất nhiều điều quan tâm và vì thế, nhận thức về lợi ích của việc học ngoại ngữ là trách nhiệm của nhà trường; đặc biệt là vai trò tấm gương của người lãnh đạo, những người thành đạt trong khoa học nhờ được học tập ở nước ngoài.
“Giai đoạn đầu, phải có cơ chế cưỡng bức đi học, kiểm tra, giám sát lớp học rất chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc những giảng viên vô tổ chức, kỷ luật.
Đồng thời, có biện pháp động viên, khuyến khích những giảng viên có ý thức trong việc học ngoại ngữ, kể cả khi kết quả thi cuối khóa của họ chưa đạt yêu cầu” - hiệu trưởng Phan Quang Thế cho biết.
Tuy nhiên, ông Phan Quang Thế cũng lưu ý, trong “rắn” vẫn phải có “mềm”, trong “cương” thì vẫn có “nhu”. Giải quyết các vấn đề sao cho hợp lý là năng lực của người lãnh đạo.
Nhà trường có những chính sách động viên, khuyến khích như: Đạt chuẩn tiếng Anh thì ưu tiên là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, ưu tiên xét lương tăng thêm, thưởng 12 triệu đồng cho những giảng viên vượt chuẩn TOEFL- ITP 500 trở lên.
“Ở trường tôi, có 2 cô giáo không nằm trong độ tuổi phải học tiếng Anh vẫn xung phong đi học và 1 cô giáo đã vượt chuẩn tiếng Anh.
Điều quan trọng nhất nhà trường cần làm cho giảng viên thấy rõ: Khi họ biết một ngoại ngữ, vị thế của họ với đồng nghiệp, với sinh viên được nâng lên một tầm cao mới” – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ.
Liên quan đến việc gian nan đạt chuẩn của giảng viên, ông Phan Quang Thế thẳng thắn cho rằng: Chúng ta luôn bị ám ảnh bởi quá trình mà quên đi mục tiêu. Đối với chúng tôi, cái cuối cùng là giảng viên, sinh viên đạt được chuẩn tiếng Anh và sử dụng được tiếng Anh trong chuyên môn, học thuật.
Bởi vậy, chúng tôi không quan tâm nhiều đến những lối mòn mà quá nhiều người thường nhắc đến. Chúng tôi chỉ có đặt hàng đánh giá chất lượng đầu ra, nghiệm thu và thanh toán.
Nếu cho chọn, tôi sẽ chọn người thầy giáo dành cả trái tim cho sự nghiệp mặc dù kiến thức hôm nay của họ có thể còn yếu nhưng một ngày mai họ sẽ giỏi hơn những người mà bây giờ chúng ta nghĩ là giỏi.
Đối với giảng viên cũng như vậy; sau chuẩn tiếng Anh là bài giảng soạn từ sách tiếng Anh nào, bài tập ra bằng tiếng Anh ra sao, đánh giá theo kiểu của Hoa Kỳ như thế nào, sử dụng E-learning có đúng yêu cầu của nhà trường hay không?...
Còn làm như thế nào thì Trưởng khoa, Trưởng bộ môn và giảng viên tự sáng tạo.
Đừng để những chi phí "phụ" làm nhiễu chi phí chính
“Quan trọng là đừng để những chi phí "phụ" làm nhiễu chi phí chính!” - ông Thế nhấn mạnh.
Tài thu vén của người đứng đầu nhà trường vô cùng quan trọng. Đồng ý với quan điểm này, ông Phan Quang Thế dẫn ví dụ về việc nâng chuẩn ngoại ngữ cho giảng viên:
Mặc dù tất cả giảng viên của bộ môn Ngoại ngữ của trường tôi đều đạt TOEFL 550 trở lên, nhưng họ đã bị ảnh hưởng quá sâu một kiểu dạy và học Ngoại ngữ, đó là: Sau khi dạy xong thì người học không biết dùng ngoại ngữ. Nên chúng tôi chỉ giao cho họ không nhiều việc, và chủ yếu là mời giảng viên trẻ, giỏi từ các công ty bên ngoài.
Tưởng đắt nhưng lại là rẻ, vì thời lượng mà giảng viên được mời dạy để cùng đạt tới 1 chuẩn chỉ bằng khoảng 20% so với giảng viên của trường.
Vấn đề bồi dưỡng phương pháp giảng dạy mới cho đội ngũ giảng viên ngoại ngữ là vấn đề hết sức cấp thiết để tiết kiệm chi phí, nhưng cần phải có thời gian.
Điều quan trọng hơn, quá trình dạy và học càng kéo dài thì tâm lý chán nản càng dễ xảy ra và thất bại càng dễ nhìn thấy. Cho nên, nên thuê giảng viên giỏi với chi phí cao gấp nhiều lần.
Như vậy, vấn đề quan trọng không chỉ là “tài” mà còn là “tâm” của người Hiệu trưởng. ông Phan Quang Thế tâm sự: Trong khi các chế độ, chính sách, quy định của nhà nước không thể theo kịp được với cơ sở, thì chúng tôi phải vận dụng điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là “Vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản” để đưa ra những quy định cho cuộc cách mạng của mình.
Mọi việc chúng tôi làm là vì sự nghiệp giáo dục, vì dân, vì nước chứ không có một chút nào cho tư lợi cá nhân; chỉ cần chứng minh được thỏa mãn 6 chữ: “Dân chủ, công bằng, văn minh” là chúng tôi hoàn toàn yên tâm để làm.
Nếu ai cũng cứ ngồi chờ nhà nước hoặc Bộ bảo làm như thế nào thì làm như thế thì cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” sẽ ít ý nghĩa.
Bản thân người lãnh đạo phải không ngừng học hỏi
Điều quan trọng phải thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Người lãnh đạo phải cảm thấy thật sự hạnh phúc khi mình đem lại hạnh phúc và tầm cao trí tuệ cho cán bộ viên chức của mình thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.
Để đạt đạt được những thành công trong việc triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, nhiều lần ông Phan Quang Thế tâm sự, mình phải cố gắng và nỗ lực gấp nhiều lần cán bộ, giảng viên khác trong trường; ngay cả việc trau dồi ngoại ngữ cũng như vậy.
“Quan điểm của tôi, việc gì mình cũng phải lấy tự làm là chính. Và việc học Ngoại ngữ cũng vậy. Sau khi tốt nghiệp ở Úc năm 1997, tôi liên tục dùng tiếng Anh cho đến ngày hôm nay. Và, cái giỏi tiếng Anh của tôi không phải là do học ở Úc mà do sử dụng sau này” - ông Phan Quang Thế nói.
Bên cạnh đó, tự tin vì những việc mình làm là vì sự nghiệp giáo dục, không chút tư lợi cá nhân; tự tin vì mục đích đề ra không phải đem về cho nhà trường bao nhiêu Huân chương mà là sẽ đào tạo được bao nhiêu hiền tài, chứ không phải nhân tài cho đất nước; ngọn lửa này, ông Phan Quang Thế đã truyền được cho mỗi giảng viên của mình.
Ông nói: Nếu đội ngũ giảng viên không biết ngoại ngữ thì sách vở, internet, các nguồn học liệu mở sẽ trở nên vô nghĩa.
Có không ít người nói rằng, thiếu gì phiên dịch, nhưng họ đã nhầm. Bởi ca sĩ chỉ hát hay khi cả tâm hồn của họ hòa được vào hồn của bài hát; những tinh hoa tế giới muốn tiếp thu được cũng phải bằng cảm nhận từ chính những người giảng viên trên ngôn ngữ của thế giới. Và, đó là con đường ngắn nhất để nâng cao trình độ giảng viên, chất lượng đào tạo.
Cũng giống như chúng ta chưa chế tạo được máy bay, ô tô, iphone, nhưng chúng ta vẫn dùng để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước như ở các nước văn minh.
Đổi mới giáo dục đào tạo thực chất là đi học người khác và nếu mù chữ thì sao học được.
Trường chúng tôi sẽ phát triển rất nhanh trong khoảng từ 3 - 5 năm nữa vì giảng viên của chúng tôi không phải chỉ học khoa học kỹ thuật từ tiếng Anh mà còn học được cả văn hóa của thế giới. Và tất nhiên, họ sẽ trở thành những người công dân toàn cầu trong tương lai.
Vị hiệu trưởng này thẳng thắn: Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ như hiện nay chưa tốt là lỗi của Hiệu trưởng trường ĐH chứ đâu phải của Đề án Ngoại ngữ 2020?!
Theo tôi nghĩ, khi một việc gì chưa thành công thì mình phải tự nhìn nhận lại mình trước chứ không nên tìm cách đỗ lỗi cho khách quan như rất nhiều người hiện nay.
Đừng vinh quang thì nhận về mình, nhưng không làm được thì lại đổ lỗi cho người khác, cho khách quan, cho cơ chế…
Tạo lập môi trường ngoại ngữ bền vững
Việc triển khai Đề án chỉ là bước đầu, quan trọng vẫn là cách nhà trường tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững. Khẳng định điều này, ông Phan Quang Thế đồng thời “tiết lộ” con đường đi của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thá Nguyên:
Năm học 2013 - 2014, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên công bố được 22 bài báo trên tạp chí quốc tế và 27 bài báo trên kỷ yếu hội nghị quốc tế.
Việc 89% giảng viên giảng dạy lý thuyết đạt chuẩn Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, TOEFL - ITP 450 trở lên và việc sử dụng giáo trình viết bằng tiếng Anh làm tài liệu giảng dạy là nhân tố quan trọng của kết quả nói trên.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH phải xây dựng được môi trường giáo dục đào tạo tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vế thứ hai thì quá rõ, còn vế thứ nhất thì mỗi nhà trường phải tự định hướng xây dựng theo mô hình tiên tiến của nước nào?
Trường chúng tôi xây dựng theo mô hình của Hoa Kỳ, vì trường chúng tôi có hai Chương trình tiên tiến với Hoa Kỳ.
Có thể nói, chúng tôi đã đi phần lớn chặng đường của việc xây dựng mô hình đào tạo tiên tiến của Hoa Kỳ nhưng kết quả đạt được cũng như chất lượng đào tạo đầu ra cần phải vài 3 năm nữa mới khẳng định được.
Từ một trường ĐH 2 năm trước đây chi có vài giảng viên biết tiếng Anh, đến nay, 89% đã đạt chuẩn tiếng Anh TOEFL 450 trở lên, chứng minh 1 thực tiễn: Chúng ta hoàn toàn có thể phát động được sức mạnh của đội ngũ giảng viên như thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.
Nhưng, không thể chỉ dừng lại ở việc giảng viên đạt chuẩn; điều quan trọng là họ phải dùng được ngoại ngữ vào phục vụ giảng dạy. Để làm được điều này, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên đã đưa chương trình của Mỹ để giảng dạy và giảng dạy bằng tiếng Anh.
“Những ngày đầu vô cùng khó khăn bởi vì số người được đào tạo từ nước ngoài về hoặc có trình độ tiếng Anh TOEFL trên 500 đếm trên đầu ngón tay. Và điều nguy hiểm hơn là sự chống phá quyết liệt của những người có tư tưởng sống lâu lên lão làng hoặc không làm được thì đạp đổ.
Từ Chương trình tiên tiến, nhà trường đã gửi hơn 50 giảng viên sang Hoa Kỳ tập huấn, đi đôi với học thêm tiếng Anh và bản thân tôi cũng chịu chỉ trích rất nhiều từ 2 trường đối tác của Hoa Kỳ. Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi đợi, và bản thân tôi phải chịu không ít "mật, gai" vì sự nghiệp của nhà trường” – ông Phan Quang Thế chia sẻ.
Khi đã đặt ra chuẩn thì phải chỉ đạo để đạt cho bằng được. Lần 1 chưa xong thì làm lần 2, lần 2 chưa xong thì làm lần 3, đến khi được thì thôi. Ở đây, phải vận dụng triệt để lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”!
Từ những hạt giống đó, năm nay, Chương trình tiên tiến của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên lần đầu tiên tuyển được gấp 2,5 lần so với các năm trước đây và Chương trình tiên tiến là cơ sở vô cùng quan trọng cho việc triển khai thành công Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
“Giảng viên chúng tôi đã nhận thức được rằng, sách giáo khoa của Hoa Kỳ có 2 loại: viết cho trò riêng, thầy riêng.
Ngày nay, thành công của mỗi con người là ở chỗ, tự học, tự biết, chứ không phải ở chỗ được người khác dạy là chính như trước kia. Nên, tại sao phải sử dụng sách giáo khoa của Hoa Kỳ cho cả các chương trình đại trà bằng tiếng Việt cũng rất dễ hiểu” – ông Phan Quang Thế bày tỏ.
Và, những động thái quyết liệt nói trên không chỉ đối với giảng viên mà cả với toàn bộ sinh viên trong trường.
Theo ông Phan Quang Thế, hiện tại, nhà trường bắt đầu triển khai việc học ngoại ngữ cho sinh viên trực tuyến trên mạng internet. Hình thức phổ biến học tiếng Anh của sinh viên trong trường hiện nay là học theo nhóm lớn vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều do sinh viên Chương trình tiên tiến làm nòng cốt trong các CLB tiếng Anh với trên 1000 sinh viên tham gia.
Sinh viên cũng phải giải các bài tập ra trực tiếp bằng tiếng Anh. Và đặc biệt với sinh viên năm thứ nhất được học cả 1 học kỳ bằng tiếng Anh với 20 tín chỉ. Trong đó có 10 tín chỉ miễn phí. Với cách làm này, nhà trường thực chất đã tặng cho sinh viên năm nhất hơn 3 tỷ đồng.
Thêm đó, việc xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên cũng rất quan trọng, mà quan trọng nhất là họ nắm được những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ (biết diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Anh và hiểu diễn đạt của người khác ở trình độ trung bình) khi tốt nghiệp để tự học và phát triển vốn tiếng Anh trong quá trình làm việc.
Ưu tiên sử dụng kinh nghiệm của những giảng viên đi học nước ngoài
Trong học ngoại ngữ, có 2 kiểu học: Học sâu về lý thuyết và học để sử dụng.
Học để sử dụng không quá cầu kỳ về ngữ pháp, phát âm mà tập trung vào việc khi trao đổi con người hiểu được nhau qua ngôn ngữ đó.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên về khía cạnh dạy và học ngoại ngữ tại Trường hầu như không có hiệu quả đối với việc triển khai Đề án.
Bởi vì, trong tư tưởng của đội ngũ giảng viên dạy ngoại ngữ bị ảnh hưởng quá nặng của kiểu học thứ nhất và họ luôn muốn sử dụng nó để dạy sinh viên và thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Nên nhà trường ưu tiên sử dụng kinh nghiệm của những giảng viên đi học nước ngoài về để định hướng cho việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường. Điều này cần có sự chỉ đạo hết sức kiên quyết của Ban giám hiệu, nếu không, giảng viên ngoại ngữ sẽ phản ứng và cho rằng “múa rìu qua mắt thợ”.
Kinh nghiệm học từ nước ngoài của các giảng viên còn quan trọng hơn những nghiên cứu khoa học về phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
PGS Phan Quang Thế