Hiệu quả từ đề án nhân văn
Giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi tại các trường MN công lập được xem là chủ trương nhân văn của TP và nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục nhằm hỗ trợ cho người lao động, nhất là đội ngũ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để thực hiện đề án, TP đã đầu tư rất lớn về nguồn kinh phí để xây dựng phòng ốc, mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ... để các trường có đủ điều kiện nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng.
Chia sẻ về việc thực hiện đề án nói trên, cô Lý Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Anh Đào (quận Tân Phú) cho biết, đây là năm thứ 5 nhà trường thực hiện giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, đã có rất nhiều hồ sơ của phụ huynh xin cho con theo học, chứng tỏ phụ huynh rất có nhu cầu và họ rất tin tưởng sự chăm sóc của các cô giáo, của nhà trường. Nhiều phụ huynh đưa con tới học ở lớp mầm, chồi đi qua lớp học 6 - 18 tháng tuổi của trường đều dừng lại tấm tắc khen các cô, khen điều kiện phòng ốc, đồ dùng đáp ứng rất tốt việc giữ trẻ trong độ tuổi này.
Theo đó, năm học 2018 - 2019, trường nhận 16 trẻ, với 3 giáo viên chăm sóc. Trong 5 năm thực hiện đề án, trường đã nhận gần 50 trẻ.
Phụ huynh tin tưởng, hài lòng
Chị Huệ Nghi, gửi con là bé Gia An - 6 tháng tuổi tại nhóm lớp 6 - 12 tháng của Trường MN Măng non 1 chia sẻ: Gửi con ở đây, tôi thực sự rất yên tâm, tin tưởng. Về CSVC thì quá tốt, trong lớp rộng thoáng, sạch sẽ lại có đầy đủ nôi rung, ghế ăn dặm, cũi, có cả phòng cho mẹ để vào cho con bú, có khu tắm nắng. Thêm vào đó, giá tiền lại rẻ và đặc biệt, các cô giáo rất tận tụy, kiên nhẫn và yêu trẻ rất nhiều.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thanh Trang, có con là bé Win 8 tháng, đang gửi tại Trường MN Sơn Ca (quận Thủ Đức) cho hay: “Tôi thấy chế độ chăm sóc của các cô rất tuyệt vời, cơ sở vật chất phù hợp, đảm bảo an toàn cho các bé. Mỗi sáng các cô đưa bé ra sân chơi vận động, tắm nắng. Tại sân chơi được thiết kế riêng cho nhóm trẻ này được trang bị đầy đủ dụng cụ, được lót xốp mềm rất an toàn. Nhìn bảng thực đơn 3 bữa của con thì mẹ “hết cơ hội” cho con ăn dặm thêm sau khi tan lớp, về nhà chỉ thêm sữa mà thôi…”.
Để phục vụ cho việc chăm sóc trẻ ở độ tuổi 6 -18 tháng theo đề án, các trường MN đều chọn ra những giáo viên giàu kinh nghiệm và họ đều được tham gia học các lớp bồi dưỡng của Sở, của Phòng tổ chức về chế độ dinh dưỡng, về tâm sinh lý trẻ ở độ tuổi này.
Theo cô giáo Trần Thị Mai Hương (giáo viên Trường MN Hoa Anh Đào) người có kinh nghiệm gần 20 năm trông trẻ chia sẻ: Trẻ ở nhóm tuổi này rất khó để chăm sóc. Ví dụ như uống sữa cô giáo phải cầm bình, hoặc có bé phải đút từng muỗng, pha sữa bột, nấu đồ ăn dặm cho các con phải theo đúng hướng dẫn, rồi có bé ăn cháo hạt, có bé ăn cháo nhuyễn....
Chưa kể, cho các bé uống sữa phải bế, hoặc cho nằm nôi rung, uống xong chưa thể cho nằm ngay mà phải ẵm một lúc vì sợ có bé nôn trớ, đi ngủ cũng phải vỗ về, hát ru, vất vả nữa là khâu vệ sinh của các con. Vì vậy đòi hỏi các giáo viên phải thực sự có kinh nghiệm.
Do việc chăm sóc trẻ ở nhóm tuổi này, nhất là nhóm 6 -12 tháng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo nên nhiều trường MN đã áp dụng cách làm không nhận trẻ đồng loạt cùng một lúc mà phân ra theo tuần, theo tháng.
Tính đến hết năm học 2017 -2018, toàn TP đã có hơn 200 trường MN công lập thực hiện đề án, với hơn 4.000 nhóm lớp và khoảng 2.200 trẻ. Những quận, huyện có khu chế xuất, khu công nghiệp, dân nhập cư đông… đều có số lượng lớn các trường thực hiện đề án như quận Thủ Đức với 11 trường, quận Bình Tân có 15 trường, huyện Bình Chánh có 12 trường… Theo Sở GD&ĐT TPHCM, năm học này, TP tiếp tục nhân rộng đại trà tại 24 quận, huyện để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.