Đủ điều kiện thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH

GD&TĐ - Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (sáng 6/11), nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật và tán thành thông qua Luật về GDĐH tại kỳ họp này nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của các trường đại học ở Việt Nam.

Luật GD đại học sửa đổi được xây dựng chặt chẽ, khoa học và là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng toàn hệ thống
Luật GD đại học sửa đổi được xây dựng chặt chẽ, khoa học và là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng toàn hệ thống

Dự thảo Luật cơ bản gỡ được nút thắt trong GDĐH

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày: Cho đến nay, hầu hết các nội dung giữa hai Dự thảo Luật Giáo dục ĐH và Luật Giáo dục cơ bản đã thống nhất, không có xung đột, mâu thuẫn.

Việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (sau đây gọi là dự thảo Luật) tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở giáo dục ĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH một cách thực chất.

Nhất trí với bản báo cáo giải trình, tiếp thu một cách khá cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật đã giải quyết được những vấn đề lớn, giải quyết cơ bản những bất cập, tháo được những nút thắt trong giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, dự thảo Luật đã hoàn thiện được hành lang pháp lý về quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình xã hội một cách minh bạch. Đổi mới cơ chế tài chính đảm bảo sự thông thoáng, hiệu quả và phù hợp với từng loại hình của giáo dục ĐH, khắc phục được tình trạng lãng phí, dàn trải trong đầu tư công. Đã sửa đổi, bổ sung những quy định về hoạt động đào tạo như những chương trình, hình thức, thời gian đào tạo và văn bản theo hướng tiếp cận với những chuẩn đào tạo trong khu vực và trong hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi những quy định về ĐH tư thục theo hướng phân loại nguồn gốc của chủ sở hữu vốn và theo tính chất hoạt động. Trên cơ sở đó đưa ra những mô hình cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị để phù hợp với từng loại hình, những cơ sở giáo dục ĐH. Đã bổ sung những quy định rất rõ ràng về quản lý Nhà nước cũng như quản trị các cơ sở giáo dục ĐH để đảm bảo việc mở rộng và phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời, sửa đổi quy định về các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng tạo cơ hội cho các trường tự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp; sửa đổi khá căn bản, chi tiết về Hội đồng trường và coi đây là một tổ chức quản trị có quyền lực thực sự…

“Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH lần này đã hướng tới sự ổn định của hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH và có các chuẩn theo hướng mở rộng hơn; vừa giữ được sự ổn định của hệ thống nhưng cũng là cơ hội mở ra cho các trường ĐH phát triển theo nhiều mô hình khác nhau miễn là nâng cao chất lượng... Tôi cho rằng, đây cũng là một bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục tĩnh, khép kín trở thành hệ thống giáo dục động và mở, tạo điều kiện một cách linh hoạt cho hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH đa dạng hơn, tự lựa chọn cho mình mô hình để phát triển...” - đại biểu Triệu Thế Hùng nhận định.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng): Dự thảo Luật Giáo dục đại học tháo gỡ được những nút thắt trong GD ĐH Việt Nam hiện nay. Ảnh:Lâm Hiển
  • Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng): Dự thảo Luật Giáo dục đại học tháo gỡ được những nút thắt trong GD ĐH Việt Nam hiện nay. Ảnh:Lâm Hiển

Nhất trí với việc xem xét, thông qua dự án Luật

Tán thành với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung được thể hiện trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) đồng thời nhất trí với việc xem xét, thông qua dự án Luật trong kỳ họp này, vì qua nghiên cứu cho thấy dự thảo Luật đã hoàn chỉnh các nội dung; thống nhất, không có sự khác biệt, xung đột, mâu thuẫn với Luật Giáo dục.

Hơn nữa, theo đại biểu Huỳnh Thành Đạt, hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH, nhất là các cơ sở giáo dục ĐH đang rất mong Luật này sớm được ban hành. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là sự thể chế hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Đảng, theo hướng phát huy có hiệu quả hơn nữa quyền Tự chủ ĐH với 3 trụ cột là: Tự chủ về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài sản và tài chính, trên nền tảng các điều kiện đảm bảo chất lượng gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cũng tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH tại kỳ họp này. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh thêm việc đề cao tính minh bạch của Luật và cho rằng: Luật có thể được viết dài nhưng quy định rõ ràng, công khai các quy định của pháp luật, còn hơn là viết ngắn nhưng không thực hiện được mà phải chờ nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi được kỳ vọng là đòn bẩy để cả hệ thống phát triển theo yêu cầu đổi mới
  • Luật Giáo dục đại học sửa đổi được kỳ vọng là đòn bẩy để cả hệ thống phát triển theo yêu cầu đổi mới

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với một số luật mới ban hành. Về cơ bản, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhận thấy dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục ĐH trong thời gian tới, đủ điều kiện để Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp này.

Có ý kiến tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn TP Cần Thơ) nhận định dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung rất nghiêm túc các ý kiến góp ý của đại biểu phát biểu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất rõ các nội dung mà đại biểu có ý kiến. Trong dự thảo Luật, các vấn đề đại biểu quan tâm là hệ thống giáo dục và quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đã được quy định với nhiều nội dung mới, rõ ràng, chi tiết, hợp lý hơn. Các nội dung quan trọng về tự chủ ĐH như về học thuật chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản được quy định cụ thể thông qua nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường cùng với các điều kiện kèm theo để thực hiện quyền tự chủ.

“Dự thảo Luật lần này ra đời chắc chắn sẽ cởi trói rất nhiều cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tự chủ để phát triển theo xu hướng hội nhập của thế giới. Bên cạnh dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cũng được kèm theo. Vì thế, khi dự thảo Luật thông qua sẽ sớm đi vào thực tế. Tôi cho rằng, dự thảo Luật lần này đủ các điều kiện để thông qua mà không cần phải chờ đến Luật Giáo dục” – đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu quan điểm.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các đại biểu đã quan tâm với trách nhiệm cao nhất để chăm lo đến sự nghiệp GD-ĐT, cũng như quan tâm đến xây dựng xã hội học tập của nước ta. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, thẳng thắn và góp ý được rất nhiều nội dung giúp cho quá trình ghi luật cũng như tổ chức thực hiện sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ