ĐBQH: Không thể thu hút doanh nghiệp đầu tư bằng nhân công giá rẻ

GD&TĐ - Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) thẳng thắn nêu ý kiến: Phát triển bền vững không thể thu hút doanh nghiệp đầu tư bằng nhân công giá rẻ.

Đại biểu Bùi Văn Phương
Đại biểu Bùi Văn Phương

Liên quan đến khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nêu vấn đề: Các nghị quyết của Đảng đều nói là: Tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội. Vậy mà xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại đẩy giờ làm thêm cao hơn Bộ Luật hiện hành. Đó là điều khó lý giải.

Trước ý kiến cho rằng, nếu không cho làm tăng giờ thì sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, đại biểu Phương nêu quan điểm: Chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường sẽ đào thải những yếu tố kém hiệu quả.

Doanh nghiệp đầu tư mà chỉ nghĩ đến tranh thủ công nhân giá rẻ, không đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước với chủ doanh nghiệp thì sẽ chịu cơ chế đào thải. Theo đó, sẽ có những doanh nghiệp khác hiệu quả hơn. Họ biết tận dụng năng suất lao động, sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chứ không phải tăng trưởng bằng tận dụng kiệt sức người lao động.

Theo đại biểu Phương, chúng ta xây dựng Bộ luật trên tinh thần tiến bộ. Chúng ta vẫn nói như vậy. Việc tăng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như dự thảo Bộ luật đề xuất là không phù hợp với tinh thần này.

“Chúng ta cần tính đến hiệu quả của tất cả yếu tố, trong đó có khoa học công nghệ. Đến lúc phát triển bền vững thì không thể thu hút doanh nghiệp đầu từ bằng nhân công giá rẻ” – đại biểu Phương nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân
 Đại biểu Nguyễn Thị Xuân

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắc Lắk), Bộ luật lao động giữ vị trị quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Điều chỉnh mọi lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động tác động đến doanh nghiệp, tổ chức cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Bà Xuân đề nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội cần phải đánh giá thêm tác động về Dự luật này. Đồng thời, cần phải phối hợp với các đơn vị khác và tuyên truyền tốt.

Theo đại biểu, trên cơ sở đầu tư phát triển lực lượng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất lao động, cũng phải duy trì sức khỏe để tái tạo sức lao động, để chăm sóc gia đình.

Cũng theo bà Xuân, trong thời điểm hiện nay việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế nên có khả năng việc doanh nghiệp lợi dụng để tăng giờ làm thêm, khai thác sức của NLĐ quá mức dẫn đến cạn kiệt sức lao động.

“Tôi nhất trí với phương án 1 là không mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa so với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, việc nâng khống chế thời gian làm thêm theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng cũng cần quy định cụ thể để loại bỏ việc doanh nghiệp dồn thời giờ làm thêm vào một ngày nhất định. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ”- bà Xuân nói và đề nghị Luật bổ sung các biện pháp, chế tài để xử lý các trường hợp, các tổ chức doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định, thỏa thuận luật lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ