Theo đại biểu, GD-ĐT là lĩnh vực nhạy cảm và liên quan rộng rãi mọi người, mọi nhà và đến toàn xã hội cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Chính vì thế, giáo dục luôn phải đối diện với những vấn đề mà không thể lường trước được.
“Ngay trong gia đình mình, những va chạm, xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào với con em mình mà cha mẹ không thể kiểm soát được; trong khi đó cả nước có hàng triệu HSSV, giáo viên, Bộ GD&ĐT không thể nối dài cánh tay đến tất cả đơn vị, trường học được. Vì thế tôi rất chia sẻ với ngành Giáo dục” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói, đồng thời bày tỏ sự hài lòng với phần báo cáo, giải trình trước Quốc hội của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong sáng nay (31/5).
Theo đại biểu, điểm ghi nhận đầu tiên là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục những hạn chế của GD-ĐT trong thời gian tới.
Ưu điểm thứ hai là, Bộ trưởng trả lời rõ ràng, thẳng thắn, không né tránh những tiêu cực xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương và nhiều nội dung mà dư luận quan tâm, bức xúc.
Có đại biểu tranh luận xử lý như thế nào đối với học sinh, sinh viên đã mất đi cơ hội trúng tuyển vào đại học chỉ vì những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng, đây là vấn đề không chỉ Bộ GD&ĐT mà sẽ liên quan đến Chính phủ, liên quan đến các ngành khác. Do đó cần có sự bàn bạc thống nhất mới có thể trả lời.
Cho rằng, ngành Giáo dục khó khăn hơn tất cả các lĩnh vực khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ: Thời gian qua, GD đã có những đột biến về chất lượng. Đơn cử như: Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định: 7 trong số 10 hệ thống GD hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống GD của Việt Nam.
Ngoài ra, học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế đều không thua kém các nước trên thế giới, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Có thể nói, thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam trên đấu trường quốc tế rất đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng nhất của ngành GD nước nhà.
“Hay như việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, tôi thấy ngành Giáo dục thật sự có ý thức về nâng chất lượng GD-ĐT. Trong ngành Giáo dục có 10 điểm tốt nhưng chỉ có 1 điểm không tốt cũng bị chú ý vì nhiều người thường hay quan tâm đến điểm không tốt” – đại biểu Phương nói.