Chính sách khuyến khích và nỗ lực chuyển mình của hệ thống giáo dục
Đây được xem là hệ quả khách quan theo thông điệp mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo là “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Theo đó, học sinh phổ thông học qua các kênh truyền hình và các ứng dụng Internet, còn sinh viên thì đại đa số sử dụng các ứng dụng trực tuyến khác nhau từ nỗ lực tự thân của các cơ sở giáo dục và sự đồng hành với trách nhiệm xã hội cao của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong và ngoài nước.
Câu chuyện dạy và học theo tiếp cận trực tuyến đối với tất cả các hệ/bậc trong hệ thống giáo dục Việt Nam mới đầu có nhiều bỡ ngỡ từ người dạy, người học, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này về cơ bản tiếp cận dạy và học trực tuyến đã bước đầu giải quyết thành công những khó khăn trong tình huống không tập trung được.
Thành công này đến từ nỗ lực của nhiều bên liên quan; trong đó, có người dạy, người học và cả phụ huynh. Nhà trường đứng bên cạnh với nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng nền tảng công nghệ, hệ thống CNTT sao cho tối ưu việc dạy của giáo viên.
Thực tế, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với xu thế toàn cầu cho hệ thống giáo dục quốc gia ứng phó với đại dịch đang diễn ra hơn 200 quốc gia thế giới.
Đáng nói, trước đây Bộ GD&ĐT đã từng khuyến khích hệ thống giáo dục triển khai dạy và học trực tuyến với giới hạn 30% thời lượng từ năm 2016. Tính đến gần giữa tháng 3/2020, công văn số 795/BGDĐT-GDĐH được ban hành nhằm chi tiết hóa và hướng dẫn việc triển khai về dạy và học trực tuyến cho cả hệ thống giáo dục theo hướng ứng dụng CNTT, nhưng vẫn phải đảm bảo chuẩn chất lượng cơ bản trong quá trình đào tạo.
Tiếp đó, gần cuối tháng 3/2020, công văn 988/BGDĐT-GDĐH được ban hành nhằm khẳng định hệ thống giáo dục sẽ tiến hành đánh giá học phần dạy trực tuyến theo hình thức thi học phần trực tuyến với các quy trình đảm bảo chất lượng hệ thống.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là một bước tiến lớn về chỉ đạo chính sách nhằm giúp hệ thống giáo dục Việt Nam từng bước chuyển từ dạy-học trực tuyến tiến tới dạy-học-thi trực tuyến, dựa trên các hoàn thiện từng bước về tính sẵn sàng, công nghệ và công tác triển khai trong thực tiễn gắn với kỳ vọng đảm bảo chất lượng toàn hệ thống.
Những điều cần hoàn thiện cho một tiếp cận mới
Thực chất, dạy và học trực tuyến đã được nhiều trường trên thế giới áp dụng cho các học phần trong chương trình đào tạo. Đặc biệt, luật giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung (có hiệu lực từ tháng 7/2019) và Nghị định 99 có điều khoản cụ thể khuyến khích giảng dạy trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, với tinh thần áp dụng các công nghệ giáo dục xuyên biên giới, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận của người học ở tất cả các vùng miền trong quá trình tiếp thu tri thức.
Khủng hoảng Covid-19 một lần nữa cho thấy bước tiến xa về luật và các văn bản chính sách khi đã hướng đến công nghệ giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy vậy, những triển khai dạy và học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội vẫn còn tồn tại các vấn đề như tâm lý người học và người dạy chưa sẵn sàng ở mức cao nhất, nền tảng công nghệ có độ phủ chưa cao và chưa đủ mạnh và đồng bộ khi triển khai diện rộng cho cả hệ thống giáo dục. Đặc biệt các đối tượng yếu thế có thể bị tụt lại phía sau khi khả năng tiếp cận trực tuyết bị hạn chế vì nhiều lý do.
Những vấn đề trên cần được chúng ta giải quyết để hướng đến một nền tảng bền vững trên toàn hệ thống giáo dục Việt Nam. Cụ thể là nền tảng về Công nghệ; Sự sẵn sàng về tâm lý cho dạy và học trực tuyến; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.
Các vấn đề chiến lược
Hệ thống giáo dục Châu Á đề cập trong bài viết này đã chuẩn bị chiến lược đầu tư dạy và học online bằng các chiến lược rõ ràng cách đây khoảng 20 năm và đã chuyển sang cấp chiến lược chiều sâu cho đến thời điểm hiện nay.
Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi tiên phong về mặt Luật và các chính sách ban hành, gần đây nhất là các Đề án Hệ tri thức Việt và Đề án chuyển đổi số quốc gia đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ với kỳ vọng nâng cao việc tập trung nguồn lực tri thức và năng lực tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người theo phương châm học tập suốt đời.
Tuy vậy các chiến lược hỗ trợ hệ thống giáo dục có yếu tố CNTT&TT mang tính đột phá và trọng tâm cần phải được định hướng ở cấp quốc gia thì mới kỳ vọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kỹ năng thế kỷ 21 góp phần nâng cao tính sáng tạo và năng suất quốc gia. Do vậy cần phải có một chiến lược hay một cấu phần trong chiến lược tổng thể quốc gia từ các đề án đang vận hành và tập trung vào các nội dung cốt lõi sau đây.
Thứ nhất, cần có các dự án mang tính hệ thống đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT&TT trong các cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là nền tảng kỹ thuật số cho dạy và học trực tuyến, các tài nguyên số phục vụ cho chương trình đào tạo, và cộng đồng học tập trực tuyến tại mỗi cơ sở giáo dục nói riêng và cho cả hệ thống giáo dục nói chung.
Thứ hai, cần có một hành lang pháp lý từ Bộ GDĐT về việc tích hợp CNTT&TT trong chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là xây dựng các kế hoạch phổ cập kiến thức CNTT&TT như một phần của chương trình đào tạo, cung cấp các chương trình/khóa đào tạo CNTT&TT, quy định tỷ trọng thời gian học có ứng dụng CNTT, khuyến khích người dạy ứng dụng CNTT vào chương trình đào tạo, và phát triển sách giáo khoa điện tử phục vụ giáo dục trực tuyến.
Thứ ba, cần có các đề án cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục gắn kết các yếu tố của học trực tuyến vào quá trình đánh giá kết quả học tập của người học; cụ thể, đó là xây dựng các tiêu chuẩn CNTT cơ bản mà người học cần đạt được, và bồi dưỡng người học ứng dụng CNTT trong học tập.
Thứ tư, cần có các chính sách khuyến khích các đơn vị CNTT&TT phối hợp với các cơ sở giáo dục phát triển chuyên môn CNTT cho người dạy; cụ thể, đó là cung cấp các chương trình/khóa đào tạo CNTT cho giáo viên/giảng viên, áp dụng tiếp cận đồng giảng có sự tham gia các nhân sự kỹ thuật CNTT trong đào tạo giáo viên/giảng viên, và thiết lập các tiêu chuẩn CNTT cơ bản cho giáo viên/giảng viên.
Thứ năm, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cơ sở giáo dục và người dạy trong giáo dục trực tuyến; cụ thể, đó là tăng cường sự lãnh đạo của cơ sở giáo dục trong việc dạy-học-thi-quản trị trực tuyến, hỗ trợ các chương trình thí điểm giáo dục trực tuyến, phát triển các khóa đào tạo giúp người dạy làm chủ quá trình dạy và học trực tuyến, thúc đẩy các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, tài trợ các trung tâm nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, và xây dựng các kế hoạch giáo dục trực tuyến tại trường