Dạy trẻ tính kiên nhẫn từ thói quen tập xếp hàng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh than phiền, bọn trẻ bây giờ thường không có sự kiên nhẫn để chờ đợi. 

Các bé lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Đông – Hà Nội) xếp hàng lấy gối cho giờ ngủ trưa. Ảnh: Website nhà trường.
Các bé lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Đông – Hà Nội) xếp hàng lấy gối cho giờ ngủ trưa. Ảnh: Website nhà trường.

Có trẻ tỏ ra cáu gắt khi mãi chưa đến lượt mình. Có trẻ vì không kiên nhẫn mà bỏ hàng để chen lấn lên phía trên…

Trẻ không thể tự kiên nhẫn

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) - cho biết, sự kiên nhẫn làm cho trẻ trở thành người dễ chịu, không nổi nóng, biết nhường nhịn người khác, đem lại cho đối phương cảm giác thoải mái.

Những đứa trẻ kiên nhẫn luôn biết cách làm hài lòng người khác bằng sự động viên kịp thời như: “Bạn bình tĩnh đi, rồi mẹ bạn sẽ quay lại”; “Em chờ một tí là có cơm ăn”. Hoặc chính bản thân trẻ cũng tự biết xoa dịu bản thân trong những trường hợp khó khăn như chờ đợi đến lượt ở cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đợi mẹ thanh toán tiền khi đi siêu thị.

Trẻ em không tự biết cách kiên nhẫn, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và từng chút một. Trong nhiều nhà trường, giáo viên thường chú trọng dạy trẻ kỹ năng xếp hàng từ khi còn nhỏ.

Theo cô Dung, kĩ năng xếp hàng chờ đến lượt là một trong những kỹ năng quan trọng và rất cần thiết, gắn liền với thực tế cuộc sống hàng ngày mà cô giáo cần phải hướng dẫn trẻ. Đây cũng chính là tiền đề tạo thành thói quen tốt cho trẻ sau này lớn lên ra xã hội trở thành người lịch sự, biết ứng xử văn minh nơi công cộng.

Trẻ thường có xu hướng tranh giành vị trí đứng đầu bởi tâm lí muốn trở thành người quan trọng nhất. Đây là một trong những vấn đề khó khăn mà giáo viên mầm non thường gặp phải khi hướng dẫn trẻ xếp hàng. Cách thức để giải quyết vấn đề này là chỉ định sẵn trẻ đứng đầu để làm mẫu giúp các trẻ khác nắm được cách thức xếp hàng.

Bên cạnh đó, cô nên thay đổi luân phiên và tăng tầm quan trọng của vị trí đứng khác để giảm bớt sự chú ý của trẻ vào vị trí đầu hàng.

Tiếp theo, giáo viên cần để trẻ tự giác xếp hàng. Sử dụng những đặc điểm bên ngoài hay hoạt động của trẻ trong ngày để gợi ý trẻ tự biết xác định vị trí đứng của mình. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng thẻ đeo ghi số thứ tự hoặc tô màu khác nhau làm dấu hiệu để trẻ làm quen với màu sắc và con số.

Việc để trẻ tự giác xếp hàng không chỉ giúp việc hướng dẫn trở nên dễ dàng, mà còn tạo cho trẻ tính tự lập, tư duy nhạy bén và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Hàng ngày ở lớp, trẻ cũng thường xuyên được ôn luyện, củng cố kĩ năng xếp hàng chờ đến lượt thông qua nhiều hoạt động. Ví dụ như xếp hàng rửa tay, xếp hàng lấy cơm, xếp hàng tập thể dục, xếp hàng khi lên xuống cầu thang, xếp hàng khi ra dạo chơi ngoài trời… Trẻ còn được trải nghiệm xếp hàng khi được nhận quà của cô giáo.

“Mặc dù bạn nào cũng háo hức mong đến lượt mình nhưng không vì thế mà các con quên việc phải xếp hàng ngay ngắn theo thứ tự. Các con rất chủ động, kiên nhẫn đợi đến lượt mình được nhận quà, nhường nhịn nhau tránh xô đẩy, chen lấn, bạn lớn hơn nhường bạn bé hơn”, cô Dung chia sẻ.

Cũng theo cô giáo này, nhiều nhà trường đã có những bài học giúp trẻ được quan sát hình ảnh, tình huống các bạn nhỏ đang xếp hàng và cùng nhau thảo luận để đưa ra câu trả lời “đúng hay sai” cho câu hỏi của cô giáo. Cụ thể như các bạn trong bức tranh đang làm gì? Các bạn xếp hàng có đẹp không? Tư thế xếp hàng của các bạn đúng hay chưa đúng? Vì sao? Trẻ học tập các bạn có hành vi đúng, không bắt chước các bạn có hành vi sai trong khi xếp hàng…

Cha mẹ đồng hành

Kiên nhẫn là một trong những phẩm chất quan trọng cần có của con người. Sự kiên nhẫn được coi là nguyên tắc thành công mà tất cả chúng ta đều muốn có được. Tuy nhiên, ngay cả người lớn cũng phải vật lộn với sự kiên nhẫn. Vì vậy, việc rèn luyện cho trẻ từ khi còn nhỏ có thể là điều khó khăn.

Do đó, kĩ năng xếp hàng chờ đến lượt được lặp đi, lặp lại hàng ngày cùng với việc cô giáo, bố mẹ luôn nhắc nhở trẻ nghiêm túc và trật tự khi xếp hàng thì thói quen của trẻ sẽ được hình thành một cách tự nhiên. Thông qua hoạt động giáo dục này, trẻ không chỉ được trang bị kĩ năng xếp hàng, mà còn góp phần hình thành ở trẻ con người có hành vi ứng xử văn hóa trong tương lai.

Hãy dạy trẻ biết chờ đến lượt mỗi khi xếp hàng mua đồ ăn hoặc chờ đến lượt khi chơi ở khu vui chơi. Sự chờ đợi giúp trẻ hiểu rằng mình không thể làm gì khác, mọi thứ đều phải tuân theo quy định. Trẻ không thể chen ngang nếu không muốn nghe những lời phàn nàn và ánh mắt khó chịu từ người khác.

Cha mẹ cũng cần dạy con cách bình tĩnh và chờ đợi những người xung quanh như chờ mẹ đi giày, chờ em bé ăn xong, chờ bố lấy xe… Nếu trẻ không làm được điều này, trẻ sẽ dễ trở thành người thích đòi hỏi, sống ích kỉ và không biết nghĩ cho người khác.

Sự kiên nhẫn của trẻ không thể có được trong ngày một, ngày hai. Đó là cả một quá trình lâu dài với sự kiên trì của cha mẹ. Trẻ cần được thực hành và rèn luyện mỗi ngày để hành động trở thành thói quen, thói quen hình thành phẩm chất.

Mỗi ngày, cha mẹ hãy thử nói “con hãy đợi…” với trẻ mỗi khi chúng yêu cầu một điều gì đó. Thời gian chờ đợi ban đầu có thể là vài phút, sau đó kéo dài thêm tới 10 phút hoặc có thể lâu hơn tùy vào tình hình và khả năng của con.

Đối với trẻ mầm non, cô giáo cần lưu ý phương pháp dạy trẻ xếp hàng. Cô giáo chọn khu vực có không gian rộng, ít đồ đạc để đảm bảo việc xếp hàng không bị gián đoạn. Hướng dẫn trẻ xếp hàng là tạo lập khu vực quy định. Giáo viên đánh dấu mốc bắt đầu giúp trẻ dễ dàng xác định vị trí đứng. Trong quá trình tạo lập hàng, cô giáo nên chú ý khoảng cách đứng giữa mỗi trẻ để tránh tình trạng trẻ đứng chen chúc, xô lấn bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ