Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình: Nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước
“Kinh phí hoạt động dành cho thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và công tác xã hội hóa nên còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.
Hoà Bình có hệ thống ao, hồ, sông, suối dày đặc, trong đó lớn nhất là sông Ðà, khiến nguy cơ đuối nước luôn hiện hữu. Hiện phần lớn số học sinh biết bơi do tự phát. Học sinh được bố mẹ cho học bơi (chủ yếu ở khu vực trung tâm) chiếm tỷ lệ thấp. Cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ dạy bơi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Số lượng bể bơi quá ít so với tình hình thực tế, chưa đảm bảo điều kiện tổ chức dạy và phổ cập bơi cho học sinh.
Cụ thể, khối trường tiểu học có 6 bể bơi di động (chiếm tỷ lệ 2,8%); khối trường THCS có 7 bể bơi di động (chiếm tỷ lệ 3,0%); khối trường THPT có 1 bể bơi di động (chiếm tỷ lệ 2,8%). Số lượng giáo viên cơ bản đủ điều kiện để dạy bơi cho học sinh, tuy nhiên nhu cầu học bơi của các em ít, chủ yếu ở những khu trung tâm thị trấn...
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình. |
Do đó, trong nhiều giải pháp, Sở GD&ĐT đặc biệt coi trọng công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước. Sở đã triển khai các chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với đối tượng, điều kiện tại địa phương. Truyền thông trực tiếp về phòng, chống đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền giáo dục các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Về cách thức, triển khai các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại trường học, cộng đồng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em về các nguy cơ đuối nước và biện pháp phòng tránh thông qua đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên làm công tác trẻ em, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ, tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân). Đồng thời, tổ chức các hội thảo bàn giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác này.
Một hoạt động khác được chú trọng là tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu các trường hợp bị đuối nước cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại trường học. Lồng ghép tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Ban hành Chương trình bơi an toàn
Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ. |
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có ba sông lớn chảy qua là sông Đà, sông Lô và sông Hồng (sông Thao); bên cạnh đó, sông Bứa và sông Chảy là 2 phụ lưu lớn nhất của lưu vực sông Hồng và sông Lô. Ngoài các sông chính đã thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn nhiều ao, hồ, đầm lầy, suối, ngòi... gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, tỉnh có 9 trường hợp học sinh bị đuối nước. Nguyên nhân các sự việc thương tâm này do ngoài giờ học ở trường, các em tham gia hoạt động của gia đình hoặc tự ý rủ nhau đi chơi, tắm ở sông, hồ mà không có sự giám sát của người lớn. Kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và kỹ năng cứu đuối của học sinh, trẻ em còn hạn chế...
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030; chỉ đạo chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả chương trình.
Ngăn suối làm bể bơi. Ảnh ITN |
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 21 nhà trường có bể bơi di động để dạy bơi cho học sinh. Trong đó, cấp tiểu học có 13, THCS có 2, THPT có 6 bể bơi. Cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục nói chung còn nhiều hạn chế, chưa trang bị đầy đủ bể bơi cho từng đơn vị để chủ động trong công tác dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh. Đa số các cơ sở giáo dục phải tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh theo cụm trường đồng thời vận dụng khai thác các công trình thể thao trên địa bàn.
Về nhân lực, ngành Giáo dục Phú Thọ có 1.691 giáo viên, nhân viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn (Trong đó, tiểu học có 675, THCS có 879, THPT có 137). Số giáo viên, nhân viên có thể dạy bơi an toàn cho học sinh nói chung còn hạn chế.
Đến năm 2025, Phú Thọ đặt mục tiêu 82,1% tổng số học sinh toàn tỉnh biết kỹ năng bơi lội, an toàn trong môi trường nước. Cùng với nỗ lực của địa phương, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Phát hành tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh; tài liệu chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT An Giang: Xã hội hóa dạy bơi
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT An Giang. |
Điều kiện tổ chức dạy học bơi tại An Giang cũng nhiều khó khăn. Hầu hết các trường không có hồ bơi. Hiện toàn ngành chỉ có khoảng 70 hồ bơi, trong đó có 5 hồ bơi di động. Quá trình tổ chức dạy bơi ở các trường cũng nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, nguồn nước... Về đội ngũ, toàn tỉnh có 1.251 giáo viên phụ trách bộ môn Thể dục, nhưng phần lớn không có chuyên môn bơi lội; một số giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng các khóa bơi lội cứu đuối.
Với sự cố gắng của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội, tình trạng học sinh tử vong do đuối nước hàng năm giảm đáng kể. Một mô hình hay được An Giang áp dụng khá hiệu quả là xã hội hóa dạy bơi cho học sinh ở các trường học. Điển hình triển khai mô hình là thị xã Tân Châu - với điều kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.
Thực hiện mô hình này, Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm TDTT thị xã tập huấn đội ngũ giáo viên thể dục tiểu học, THCS về kỹ thuật bơi; hướng dẫn bơi cho trẻ em về: Kỹ năng chống đuối nước, tồn tại trong nước… Đầu tư xây dựng bể bơi di động ở các trường tiểu học (vật liệu là khung sắt, lưới B40 bao quanh, tấm phủ bạc bằng nhựa mềm) để dễ dàng di chuyển, chí phí thấp.
Kinh phí thực hiện bể bơi từ nguồn tiết kiệm sửa chữa hằng năm của các trường tiểu học, THCS và sự hỗ trợ của UBND thị xã để xây dựng bể bơi. Ngoài ra kinh phí còn được sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh và các nhà mạnh thường quân. Với giải pháp này, từ năm học 2016 - 2017, phong trào phổ cập bơi trên địa bàn thị xã ngày càng lan rộng, phát triển mạnh, được sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh học sinh và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ học sinh được phổ cập bơi ngày càng cao.
Đến năm 2025, An Giang phấn đấu ở những nơi có hồ bơi đạt: Hơn 95% học sinh THCS, hơn 90% học sinh lớp 5, hơn 80% học sinh lớp 4, hơn 50% học sinh các khối tiểu học còn lại... biết bơi. Ở những nơi khác, phấn đấu: Hơn 80% học sinh THCS, hơn 70% học sinh lớp 5, hơn 50% học sinh lớp 4; 30% học sinh khối lớp tiểu học khác biết bơi. Hơn 70% học sinh tiểu học, 80% học sinh THCS có kỹ năng an toàn trong môi trường nước và có kỹ năng tự cứu đuối.
Để đạt mục tiêu trên, ngành Giáo dục đặt ra 4 nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức; Tăng cường công tác lãnh đạo, tổ chức và quản lý; Triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; Kiện toàn và phối hợp phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.
Ông Trần Văn Huân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên, Bắc Giang: Quyết tâm phổ cập bơi cho học sinh
Ông Trần Văn Huân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên, Bắc Giang. |
Dạy bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh hết sức cần thiết, nhất là dịp nghỉ hè. Thông qua học bơi, học sinh không chỉ biết bơi, được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước mà còn tạo môi trường rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất, sự tự tin, trí tuệ cho học sinh.
Phòng GD&ĐT Việt Yên chỉ đạo các trường tổ chức dạy bơi, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh trong năm học, dịp nghỉ hè; đồng thời phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Việt Yên mở các lớp dạy bơi cho học sinh trong hè. Hiện tại trên địa bàn 17 xã, thị trấn huyện Việt Yên có 23 bể bơi để dạy bơi cho học sinh. Trong đó có 4 bể bơi di động, 2 bể bơi kiên cố trong nhà trường; 2 bể bơi di động trên địa bàn; 15 bể bơi cố định tại các địa phương trong huyện. Thực hiện mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh, các trường học chủ động xây dựng kế hoạch dạy bơi trong hè, phối hợp các bể bơi để dạy bơi cho các em.
Triển khai dạy học bơi, thuận lợi của các trường học trên địa huyện là Huyện ủy, UBND huyện, Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo. Hệ thống bể bơi trên địa bàn huyện, tại các địa phương lân cận như thành phố Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa, trên địa bàn thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đáp ứng được nhu cầu học bơi của học sinh từ mẫu giáo đến THCS.
Đội ngũ thầy cô giáo được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu của các trường và bể bơi. Nhận thức của nhân dân về dạy bơi cho học sinh được nâng lên; từ vận động, hỗ trợ mới đi học bơi đã trở thành nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, khó khăn là một số địa phương gần sông, hồ phụ huynh vẫn cho học sinh tự học bơi mà chưa đưa đến bể bơi.
Hè năm 2023, Việt Yên phấn đấu 100% học sinh khi học xong lớp 5 được dạy bơi và biết bơi, có kỹ năng phòng chống đuối nước. Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát số liệu học sinh biết bơi từng khối lớp, xây dựng kế hoạch để phổ cập bơi cho học sinh khi học hết lớp 5.
“Với đặc điểm đầu nguồn sông Mê Kông, có sông Tiền và sông Hậu đi qua, hệ thống kênh, rạch tự nhiên, nằm rải rác khắp nơi nên hàng năm địa phương có học sinh tử vong do đuối nước. Các trường hợp tử vong phần lớn là học sinh tiểu học và ngoài thời gian quản lý của nhà trường. Do gia đình khó khăn phải lao động kiếm sống, thiếu sự quản lý của người lớn; một số phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con học bơi và rèn luyện kỹ năng sống, nhất là phụ huynh ở các vùng nông thôn, khó khăn, miền núi...”.