Lợi ích kép khi trẻ tự làm quà tặng
Ngay từ khi con học mẫu giáo, trong những dịp lễ đặc biệt như 8/3, 20/11, Noel, Tết… các cô giáo đã hướng dẫn trẻ tự làm những món quà như thiệp, vẽ tranh, cắt dán hoa… để tặng những người thương yêu.
Dù biết rằng, được tự tay làm những món đồ này sẽ giúp trẻ phát triển xúc cảm trí tuệ, tình yêu thương và óc sáng tạo, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ kiên nhẫn và định hướng xuyên suốt cho con. Ngoài ra, một số cha mẹ lại vô tình làm con mất hứng khi không trân trọng hoặc cất giữ những món quà của con.
Sinh con đầu, bao nhiêu thời gian, tâm huyết chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) dành cả để chăm sóc, dạy bảo con. Từng hành động mới của con, hay những thay đổi, trưởng thành nhỏ nhất, chị cũng ghi vào nhật ký và lưu giữ làm kỷ niệm: Từ bức tranh đầu tiên con vẽ, tấm thiệp đầu tiên con tặng mẹ, đến chiếc răng sữa đầu tiên bị rụng…
Tuy nhiên, sau khi sinh đôi hai bé tiếp theo, chị không còn thời gian để chăm chút những việc nhỏ như vậy nữa. Con gái thứ 2 khá tình cảm. Ban đầu, bé cũng thích vẽ, thích làm những đồ chơi nho nhỏ tặng mẹ, nhưng vì quá bận bịu, chị Hoa không mấy để tâm đến những món đồ con làm. Không những thế, đôi khi chị còn để tạm “tặng phẩm” của con lên giá sách hay góc bàn làm việc rồi… lãng quên. Điều này khiến bé cảm thấy tủi thân và dần dà không còn hào hứng với các hoạt động này nữa.
Theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ có thể dạy con để thể hiện tình yêu, lòng biết ơn với những người thân yêu ruột thịt qua hành động, dù nhỏ. Ví dụ, con có thể giúp đỡ người thân trong nhà bất cứ việc gì một cách tự nguyện mà không cần họ phải mở lời nhờ cậy. Với trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học, một mẩu giấy nhỏ vẽ bông hoa, hình trái tim hay vài dòng thể hiện tình cảm… sẽ làm ấm hơn trái tim những người thân.
Chuyên gia trị liệu và tư vấn tâm lý cho trẻ Nguyễn Sơn (Trung tâm Tài năng Việt) cho rằng: Cha mẹ cần dạy trẻ, tình cảm chân thành không phụ thuộc và câu nệ vật chất. Hãy giúp trẻ tự tạo ra món quà với sự hỗ trợ tối đa và bằng cả những lời yêu thương, lời động viên, lời biết ơn…
“Trong tâm trí mọi đứa trẻ đều ẩn chứa tình yêu rất đặc biệt với bố mẹ, vậy nên hãy khơi gợi tình yêu đó hàng ngày. Mỗi trẻ tùy theo tính cách, điều kiện sống sẽ thể hiện tình cảm theo cách riêng của mình. Cha mẹ đừng mong cầu mà hãy trân trọng từng việc nhỏ nhất mà trẻ đã và đang làm” – chuyên gia Nguyễn Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc trẻ biết cách thể hiện tình cảm sẽ mang lại những điều tích cực và lợi ích quan trọng như: Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên tốt hơn, ít mâu thuẫn, xung đột hơn. Nếu con biết thể hiện quan tâm yêu thương cha mẹ bằng những món đồ tự tay và dành tình cảm làm nên, một cái ôm khi bố mẹ đi làm về, hoặc đơn giản là một lời động viên thì cha mẹ nào cũng sẽ vô cùng hạnh phúc.
Quà tặng ý nghĩa là quà giá trị
Thực tế, khi dành quan tâm cho những món đồ handmade, trẻ có thêm cơ hội phát triển cảm xúc trí tuệ, tình yêu thương, tính tiết kiệm và óc sáng tạo. Với việc tặng quà, cha mẹ hãy chú tâm dạy con nuôi dưỡng tình yêu thương bắt đầu từ những món quà tặng phù hợp đối tượng và thiên về ý nghĩa tinh thần.
Với tính chất tỉ mỉ, cầu kỳ, những món handmade cũng góp phần rèn thêm tính kiên nhẫn cho các bậc phụ huynh. Trẻ ở những độ tuổi khác nhau, có thể làm những món quà khác nhau.
Ở lứa tuổi mẫu giáo, cha mẹ có thể hướng dẫn cho bé vẽ tranh, thể hiện những gì con muốn qua chính bức tranh đó. Trong khi con vẽ, bố mẹ có thể gọt chì màu, khen ngợi động viên, hoặc góp ý cho trẻ.
Với trẻ lớn hơn, từ độ tuổi tiểu học, hãy dạy trẻ cách dùng tiền tiết kiệm để mua một món quà nào đó dành tặng cho bạn bè hoặc người thân. Cũng có thể mua các nguyên liệu và tự tay tạo nên những món quà bất ngờ.
Bố mẹ cũng có thể cùng con tìm hiểu giá cả, tính toán xem nên chuẩn bị món quà nào vừa hợp túi tiền lại thể hiện được sự tinh tế, quan tâm đến người được tặng quà. Sau khi chuẩn bị được món quà ưng ý, bố mẹ hãy cùng trẻ chọn giấy gói thật đẹp và cùng trổ tài để tăng thêm ý nghĩa cho món quà. Chắc hẳn trẻ sẽ tự hào khi tay mình có thể “sáng chế” được món quà cho bạn và cũng tự tay mình gói món quà thật đẹp.
Với quà tặng, ý nghĩa đầu tiên là thể hiện tình cảm và sự quan tâm. Với những món quà tự làm, còn ẩn chứa trong đó sự tâm huyết và trân trọng của người tặng.
“Điều quan trọng là thông qua việc chuẩn bị những món quà cho người thương yêu, cha mẹ sẽ giúp con thấy được ý nghĩa của món quà khi tự tay làm hoặc tự mua bằng chính đồng tiền tiết kiệm. Hơn nữa, bạn cũng giúp trẻ hình dung được giá trị của đồng tiền, tránh tiêu xài quá tay, hoang phí vào những món quà đắt đỏ, vượt khả năng”, chị Mai Hoa cho hay.
Bằng sự quan tâm và gần gũi với trẻ thông qua việc dạy trẻ tặng quà, mẹ có thể giúp trẻ hình thành tình thương và sự chia sẻ, hiểu được ý nghĩa thực sự của việc tặng quà và làm điều đó với một thái độ tự nguyện, vui vẻ.