Có trẻ trở nên bướng bỉnh, thậm chí không nghe theo lời dặn dò của cha mẹ. Gặp những tình huống đó, phụ huynh cần bình tĩnh xử lý và giải thích để con hiểu nhiệm vụ của mình.
Khi trẻ phớt lờ yêu cầu của cha mẹ
Hai tuần trở lại đây, chị Lam ở Đống Đa (Hà Nội) cảm thấy lo lắng khi cậu con trai lên 8 của mình hay làm ngược lại điều bố mẹ đã nhắc nhở. Thậm chí nhiều khi chị phải “lên giọng” nhưng cu cậu vẫn nấn ná chần chừ để “câu giờ”.
Tối hôm qua cũng vậy, đã 10 giờ đêm rồi, đã hai lần nhắc con đi ngủ nhưng đến 5 phút sau quay ra chị vẫn thấy con tảng lờ ngồi ôm màn hình máy tính. Bực quá, chị phệt cho con hai cái vào mông cu cậu còn quay lại lủng bủng cãi mẹ…
Còn cô bạn làm cùng cơ quan tôi cũng than thở: Mỗi lần mẹ sai làm việc gì thậm chí là đi tắm, cô con gái rượu của chị lại viện các lý do để trì hoãn. Lúc thì “con đang vẽ dở bức tranh”, khi thì “để con xem ti vi một lúc đã”... Nhiều khi để khỏi bực mình, chị lại tự đi làm cho xong việc.
Các bậc phụ huynh khi gặp những tình huống như thế, thì thường thỏa hiệp với con, hai là dùng đòn roi để giải quyết. Xét ra những cách làm như vậy đều chưa thật ổn. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ không thực hiện ngay lời yêu cầu, là do cách cha mẹ đưa ra yêu cầu chưa thực sự thuyết phục.
Hầu hết cha mẹ thường đưa ra yêu cầu với con trẻ nhẹ nhàng vào lần đầu tiên, nếu trẻ không đáp ứng thì sẽ lặp lại yêu cầu bằng cách gia tăng âm lượng, nói to hơn, bực bội hơn, quát mắng trẻ kèm theo những lời đe dọa trừng phạt.
Thực ra, cách đưa ra yêu cầu của cha mẹ càng tích cực, nhẹ nhàng sẽ khiến trẻ dễ dàng vâng lời cha mẹ, hơn là sự cáu gắt, quát mắng. Về lâu dài việc la mắng trẻ khi chúng không vâng lời, có thể khiến cho trẻ trở nên bướng bỉnh, bắt chước cha mẹ nổi giận, la hét khi yêu cầu của chúng không được người khác đáp ứng.
Không làm thay cho trẻ
Theo chuyên gia tư vấn trực đường dây nóng của Trung tâm tư vấn Ánh Sao (Hà Nội) thì, khi mà trẻ có biểu hiện phớt lờ lời nhắc nhở của bố mẹ, phụ huynh cần có thái độ kiên quyết với con. Tuy nhiên, cha mẹ nên lựa chọn cách nói thế nào cho hiệu quả, có thể cho con thêm vài phút để trẻ hoàn thành nốt việc trẻ đang làm.
Đôi khi trẻ không vâng lời, có thể do trẻ đang gặp phải tình huống khó khăn nào đó như căng thẳng thi cử, bất hòa trong gia đình, chuyển trường mới… cha mẹ cần thông cảm và nhẹ nhàng với trẻ hơn. Khi đưa ra yêu cầu cho trẻ, cha mẹ cần dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng, nói thẳng, tránh nói vòng vo khiến trẻ khó hiểu hay hiểu nhầm.
Để tránh việc trẻ giả vờ không nghe thấy cha mẹ nói, cha mẹ nên nói trực tiếp với trẻ, không nói vọng từ khoảng cách xa, sau đó vẫn áp dụng cách thức điềm tĩnh lặp lại yêu cầu với trẻ cùng cảnh báo và thực thi cảnh báo nếu trẻ không vâng lời.
Trong tình huống cha mẹ buộc phải phạt con thì hình phạt đưa ra cần cụ thể, có thể thực hiện được và thực hiện ngay khi trẻ không vâng lời hoặc trong thời gian sớm nhất để gia tăng hiệu quả phạt.
Đối với trẻ lớn hơn, việc cha mẹ giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng khi đưa ra yêu cầu với trẻ là đặc biệt cần thiết. Sự bình tĩnh sẽ giúp cha mẹ giải thích, cho con một cách thuyết phục hơn. Hãy luôn đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ để phân tích, giúp con biết xác định trách nhiệm của mình với công việc của gia đình. Bởi khi trẻ hiểu, thì trẻ sẽ sẵn sàng thực hiện các công việc một cách tự giác.