Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tiếp nhận
Theo danh sách giới thiệu từ UBND TP Buôn Ma Thuột (cũ), Trường THCS Tân Lợi (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sẽ tiếp nhận 8 học sinh là con em cán bộ, công chức, viên chức từ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (cũ) đến học tập.
“Đến nay, chưa em nào đến làm thủ tục nhập học, nhưng đơn vị đã chuẩn bị chu đáo, trong đó ưu tiên chọn các thầy, cô giáo có nhiều kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm cũng như giảng dạy. Công tác tư vấn tâm lý, động viên tinh thần cũng được xây dựng phương án cụ thể nhằm giúp các em sớm hòa đồng với môi trường mới”, ông Hà Văn Vương - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lợi cho biết.
Năm học 2025 - 2026, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Cẩm Thành, Quảng Ngãi) dự kiến tuyển sinh 8 lớp khối 1 với tổng cộng 280 học sinh theo kế hoạch. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu học tập của con em cán bộ, công chức từ tỉnh Kon Tum chuyển đến công tác, nhà trường mở thêm một lớp riêng với 35 học sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận 100% học sinh tỉnh Kon Tum có nhu cầu theo học.
“Chúng tôi bố trí nhân viên thường trực tại trường để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ nhập học. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì lực lượng trực và hoàn thiện mọi khâu chuẩn bị, sẵn sàng đón các em bất cứ khi nào phụ huynh có nhu cầu. Mong muốn của chúng tôi là tạo điều kiện tốt nhất để trẻ yên tâm học tập, cha mẹ an tâm công tác”, bà Trang chia sẻ.
Để hỗ trợ học sinh từ Kon Tum, Trường THCS Trần Hưng Đạo (Cẩm Thành, Quảng Ngãi) được tỉnh cho phép tuyển sinh thêm một lớp 6 với 40 học sinh. Đối với các khối lớp 7, 8 và 9, trường sẽ linh hoạt sắp xếp, đảm bảo sĩ số không vượt quá 45 học sinh/lớp, tuân thủ quy định của trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
“Nhà trường đã tiếp nhận 8 hồ sơ của học sinh đến từ Kon Tum và đang khẩn trương hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp. Đồng thời, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ điều kiện về phòng học, trang thiết bị và bố trí giáo viên đứng lớp, sẵn sàng đón nhận các em khi có nguyện vọng”, Hiệu trưởng Trần Quốc Bảo cho hay.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, đến nay địa phương tiếp nhận 593 học sinh là con em cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Kon Tum chuyển về học tập tại Quảng Ngãi. Số học sinh này phân bổ ở tất cả bậc học, từ mầm non đến tiểu học, THCS và THPT.
Ông Trần Sỹ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chia sẻ, để đảm bảo quyền lợi học tập liên tục cho các em, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT và trường chủ động nắm bắt nhu cầu, kịp thời bố trí chỗ học thuận tiện gần nơi cư trú.

Tránh quá tải cục bộ
Theo thống kê ban đầu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, có khoảng 1.700 học sinh từ Quảng Nam có nguyện vọng chuyển trường ra Đà Nẵng sau sáp nhập 2 địa phương để tiếp tục học tập. Ông Phạm Đình Kha - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - GDTX, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có thông báo, từ 15/7, bộ phận một cửa sẽ tiếp nhận các trường hợp chuyển trường do bố mẹ chuyển công tác.
Theo khảo sát ban đầu, học sinh từ các trường học ở Quảng Nam (cũ) chuyển trường về Đà Nẵng phân bổ rải rác khắp địa bàn chứ không có tình trạng tập trung vào một số trường học ở khu trung tâm. Học sinh chuyển trường phần lớn ở cấp tiểu học và THCS.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng hướng dẫn các trường tiểu học, THCS trên địa bàn chủ động tiếp nhận học sinh là con của cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Quảng Nam được điều động, luân chuyển hoặc nhận công tác tại Đà Nẵng.
Việc tiếp nhận cần được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và đảm bảo phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường. Ưu tiên bố trí học sinh vào học tại trường gần nơi cư trú hoặc nơi làm việc của phụ huynh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và học tập.
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Hải Châu, Đà Nẵng) vừa giới thiệu một phụ huynh làm việc tại Sở Tài chính có thể tham khảo để chuyển con vào học ở Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, ngay sát trung tâm hành chính.
“Vì khối lớp mà phụ huynh này xin chuyển con vào học, lớp nào sĩ số cũng xấp xỉ 40 - 42 em nên nhà trường không có khả năng tiếp nhận. Sau đó, phụ huynh này được Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ hướng dẫn các giấy tờ, hồ sơ nhập học để ngày 15/7 hoàn tất các thủ tục liên quan”, Hiệu trưởng Trần Thị Lệ thông tin.
Tại Gia Lai, sau sáp nhập đơn vị hành chính, nhu cầu chuyển trường của con em cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Gia Lai (cũ) về Trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai (mới) có xu hướng giảm. Cụ thể, nếu ngày 30/5 có 535 học sinh đăng ký chuyển trường thì đến ngày 19/6, con số này chỉ còn 219 em.
Trước thực tế trên, ngành Giáo dục đã chủ động rà soát, bố trí trường lớp để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn trong năm học mới. Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Bá Công, việc nhiều học sinh tập trung về các trường khu vực trung tâm dễ dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và công tác quản lý.
“Sở GD&ĐT đang rà soát vị trí công tác của phụ huynh để sắp xếp con em học tập tại các trường gần nơi làm việc. Việc này sẽ giúp phụ huynh thuận tiện đưa đón, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác”, ông Công nói.
Hài hòa giữa học sinh cũ và mới
Dù được quan tâm bố trí chỗ học, nhưng với nhiều gia đình, việc sắp xếp cuộc sống sau sáp nhập còn không ít khó khăn. Như trường hợp chị Hồ Thị Thanh Thủy - kế toán Sở GD&ĐT Kon Tum (cũ) về công tác tại Sở GD&ĐT Quảng Ngãi phải tạm gửi ba con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc trong suốt kỳ nghỉ hè để yên tâm nhận công việc mới.
Chị Thủy cùng ba đồng nghiệp thuê nhà gần trung tâm hành chính để ổn định nơi ở. Tuy nhiên, chồng chị đang công tác tại Ngân hàng Vietcombank Kon Tum, cách nơi chị làm việc gần 200km, nên việc đoàn tụ gia đình còn gặp nhiều trở ngại.
“Thời gian đầu, tôi tranh thủ đi về hàng tuần để thăm các con. Nhưng ông bà lớn tuổi, không thể chăm sóc lâu dài. Tôi mong chồng cũng được tạo điều kiện luân chuyển về gần để vợ chồng cùng chăm sóc con cái, ổn định cuộc sống”, chị Thủy bày tỏ.
Cả hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương (tỉnh Kon Tum cũ) được phân công công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi (mới) nên gia đình bước đầu ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, việc học của con út vẫn khiến gia đình trăn trở.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp10 vừa qua, cháu trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Kon Tum cũ). Nay chuyển nơi sinh sống, gia đình đang liên hệ với ngành Giáo dục để làm thủ tục chuyển cháu vào học tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt.
Chia sẻ của ông Hà Văn Vương - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lợi Vương, thay đổi môi trường sống mới, làm quen với bạn bè, thầy cô, trường lớp và những nét văn hóa đặc trưng của Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được trường ưu tiên.
“Trong tuần đầu, thầy cô tập trung làm quen với các em, nắm chắc hồ sơ từ gia đình, sở thích và nguyện vọng. Đồng thời, theo dõi diễn biến tâm lý, những khó khăn trong ngôn ngữ giao tiếp (nếu có), từ đó điều chỉnh kế hoạch giáo dục, dạy học bảo đảm hài hòa giữa học sinh cũ và học sinh mới.
Trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa, thầy cô sẽ lồng ghép giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sự tương đồng giữa Phú Yên và Đắk Lắk để các em thấy rõ cơ hội phát triển sau sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk mới”, ông Vương nói thêm.
Còn theo bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, đến ngày 1/7, số lượng đăng ký có thay đổi so với trước. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học ưu tiên bố trí con em cán bộ, công chức, viên chức từ Phú Yên (cũ) theo cha mẹ lên làm việc tại trung tâm hành chính mới của tỉnh Đắk Lắk.
“Ưu tiên bố trí theo nguyện vọng của gia đình, gần trụ sở nơi cha mẹ các em làm việc hoặc nơi ở. Các trường sau khi tiếp nhận học sinh, xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học phù hợp, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết… giúp các em sớm hòa nhập với môi trường mới”, bà Oanh nói.
“Sau sáp nhập, ngành GD-ĐT cùng với địa phương nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập thuận lợi để học sinh các vùng miền trong tỉnh phát huy tối đa phẩm chất, năng lực; dần rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh”. - Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk