Dạy trẻ biết nhận diện kẻ xấu

GD&TĐ - Thời gian gần đây có một số vụ trẻ bị người lạ bắt cóc, tống tiền, xâm hại tình dục đã diễn ra tại các địa phương. Bởi vậy, để con trẻ tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống mà chúng có thể gặp phải, cha mẹ hãy trang bị cho con cách nhận diện và giao tiếp an toàn với những người lạ.  

Dạy trẻ biết nhận diện kẻ xấu

Những nỗi lo thường nhật

Tâm sự của một người mẹ được chia sẻ trên mạng xã hội cũng là mỗi lo chung của nhiều gia đình hiện có con ở độ tuổi mầm non và tiểu học: Con gái tôi năm nay đang học lớp mẫu giáo lớn. Mặc dù ở nhà người thân trong gia đình thường xuyên nhắc nhở cháu phải cảnh giác không được đi theo những người lạ, song nhiều khi do tính hiếu động cháu quên mất phải xin phép khiến mọi người nhiều phen hoảng hốt.

Tuần trước, khi đón con từ trường về nhà, mẹ thì mải dọn dẹp, cơm nước, con bé theo mấy anh chị trong khu tập thể đi chơi. Không những thế gặp người bán bóng bay thích quá cháu liền chạy theo. Khi được bọn trẻ về mách, tôi vội vàng chạy ra mới kịp tìm con về. Tuy nhiên, cháu vẫn không hiểu mức độ nguy hiểm của việc mình làm vẫn líu lo kể về những quả bóng đầy màu sắc… Một phụ huynh khác cũng bộc bạch con trai chị vốn tính ham ăn nên chị rất lo, nếu có người lạ dỗ dành cho quà bánh hoặc những thứ cháu thích thì cháu có thể nghe theo lời rủ rê của họ.

Trong thế giới hiện đại, nhất là ở những khu dân cư đông đúc, những bất an đối với trẻ đều có thể xuất hiện trong những tình huống bất ngờ. Một người xa lạ có thể là người tốt, nhưng cũng có thể là người xấu, có thể mang đến cho trẻ những nguy hiểm. Cho nên cha mẹ nên dạy cho trẻ biết những dấu hiệu khả nghi của những người không đáng tin cậy. Những kẻ xấu thường có điểm chung là luôn nói lời ngọt ngào, thể hiện thái độ xởi lởi, tìm cách làm quen hỏi han để dụ dỗ trẻ. Hãy cho trẻ biết những người này vì mục đích xấu nên tìm hiểu rất kỹ về gia đình mình. Vì vậy, bất cứ người lạ nào tỏ vẻ quen biết với bố mẹ thì trẻ hãy cảnh giác tránh xa họ. Trẻ nên tìm đến sự trợ giúp từ thầy cô giáo hoặc bạn bè cùng lớp nếu ở gần khu vực cổng trường.

Hướng dẫn trẻ xử trí trước các tình huống

Để trẻ không bị động và biết xử trí linh hoạt trước các tình huống có thể gặp, cha mẹ và thầy cô nên hướng dẫn trẻ cách giải quyết thông qua các kịch bản cụ thể. Ví dụ: “Khi gặp một người nam đứng trong nhà vệ sinh nữ ở trường học, là con gái, các con không nên vào mà cần thông báo với cô giáo chủ nhiệm. Đặc biệt khi đi vệ sinh các con cần đi theo nhóm và không nên đi một mình”. Tuyệt đối không đi theo người lạ, ngay cả khi họ nói là sẽ giúp bé tìm đường về nhà. Cha mẹ cần quy ước cụ thể với con và thường xuyên nhắc lại việc chỉ có bố mẹ mới có thể đón con.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tiểu học Trường ĐHSP Hà Nội cũng đưa ra những lời khuyên về vấn đề này: Khi người lạ nhận là bạn của bố mẹ đến trường đón bé: Phụ huynh cần dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen hay thì bé hãy quay vào trường báo cho cô giáo biết, rồi nhờ cô xác minh sự việc.

Tuy nhiên, làm thế nào để dạy trẻ các kỹ năng này mà không làm cho trẻ thiếu tự tin khi giao tiếp với người lạ? Theo chuyên gia thì khi dạy con những nội dung này, cha mẹ hãy chỉ cho con những ví dụ về người tốt và người xấu quanh mình để trẻ có thể dễ dàng nhận diện. Những người xấu là những người đã có một số hành vi không tốt. Con sẽ hiểu là thế giới gồm có người tốt và người xấu. Con chỉ cần né tránh những người không tốt là đủ rồi. Nếu việc tìm kiếm ví dụ trở nên khó khăn, cha mẹ hoàn toàn có thể vận dụng các ví dụ trong các câu chuyện cổ tích, câu chuyện ngụ ngôn để bé có thể hiểu được. Từ đó, bé có thể thực hiện theo lời dặn dò của cha mẹ trong những trường hợp mà bé đang ở một mình.

Cha mẹ có thể đặt câu hỏi “Khi bị lạc con sẽ làm gì?”, sau khi trẻ trả lời, cha mẹ cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất và động viên trẻ phải ghi nhớ như: Con phải bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ sẽ quay lại đây tìm con. Con cũng có thể tìm sự trợ giúp từ nhân viên bảo vệ hay công an ở gần đó để liên hệ điện thoại tới bố mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ