Dạy thêm - học thêm: Điều tiết bằng giải pháp căn cơ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện được kỳ vọng là giải pháp giúp quản lý hiệu quả và loại bỏ những biến tướng...

Nâng cao đời sống giáo viên mới có thể dẹp bỏ dạy thêm học thêm. Ảnh: Thế Đại
Nâng cao đời sống giáo viên mới có thể dẹp bỏ dạy thêm học thêm. Ảnh: Thế Đại

Tuy nhiên, về lâu dài, cần cải cách thi cử, nâng chất lượng giáo dục trong nhà trường, nâng cao đời sống giáo viên mới có thể dẹp bỏ vấn nạn này.

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Không cấm mà cần quản lý phù hợp

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của học sinh, phụ huynh, giáo viên. Với học sinh, mục đích của hoạt động này là nâng cao chất lượng học tập, đáp ứng yêu cầu qua các kỳ thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT; việc kiểm tra, đánh giá… theo từng giai đoạn thời gian cụ thể.

Ông Trần Tuấn Khanh.

Ông Trần Tuấn Khanh.

Cha mẹ học sinh cho con em học thêm để bằng bạn, bè; ước nguyện vào trường công lập chất lượng, trường đại học, với ngành nghề được cho là “hot” trong xã hội. Đâu đó còn một số phụ huynh cho con học thêm theo hiệu ứng đám đông. Chẳng hạn, một lớp 35 học sinh thì 20 phụ huynh cho con học thêm, như vậy 15 người còn lại không yên tâm nếu để con tự học và rèn luyện.

Với giáo viên, dạy thêm nhằm giúp cho học sinh đủ kiến thức, tự tin để tham gia các kỳ thi diện rộng, kỳ thi học sinh giỏi…; kiếm thêm thu nhập trong thời gian trống.

Như vậy, dạy thêm, học thêm không thể cấm hoàn toàn, mà phải quản lý phù hợp, đúng nghĩa theo công sức lao động mà người dạy bỏ ra, đáp ứng yêu cầu của học sinh và phụ huynh. Hiện, hình thức dạy thêm chủ yếu gồm: Dạy thêm trong nhà trường; tại cơ sở tổ chức có đăng ký kinh doanh; nhà riêng của mỗi giáo viên.

Ở hình thức thứ nhất, việc dạy thêm hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm - học thêm; chịu sự quản lý, giám sát của hiệu trưởng, cấp phòng hoặc sở GD&ĐT.

Hình thức thứ hai là dạy thêm tại cơ sở có tổ chức kinh doanh dạy thêm, học thêm. Hình thức này, ngoài yếu tố lợi nhuận còn phải tính đến vấn đề như: Nội dung chương trình, điều kiện tổ chức dạy học, ánh sáng, không gian phòng học…

Nếu không có các điều kiện, quy định cụ thể sẽ dẫn đến biến tướng, ảnh hưởng không tốt với xã hội. Hiện còn phát sinh thêm dạy thêm trực tuyến với số lượng, phạm vi lớn. Tôi cho rằng, đưa hoạt động dạy thêm - học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp quản lý tốt hơn hình thức này.

Đối với dạy thêm tại nhà riêng, nếu số lượng học sinh ít, không phải học sinh mình đang dạy chính khóa, giáo viên có thể đăng ký với hiệu trưởng nhà trường nơi đang dạy là được. Trường hợp dạy thêm đông học sinh, giáo viên phải tham gia tổ chức cơ sở dạy thêm.

Tôi xin nhắc lại quan điểm đồng tình với phương án đưa hoạt động dạy thêm - học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Điều này giúp quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm phù hợp và chặt chẽ hơn; tránh các biến tướng không tốt đối với xã hội. Cùng đó, cần quy định xử phạt thích hợp để giảm thiểu vi phạm về dạy thêm - học thêm.

ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng: Ủng hộ đưa vào ngành nghề “kinh doanh” có điều kiện

ThS Nguyễn Vinh San.

ThS Nguyễn Vinh San.

Tôi không ủng hộ việc cho trẻ học thêm quá nhiều, đặc biệt các môn văn hóa đã học trên lớp. Tuy nhiên, hoạt động dạy thêm - học thêm là nhu cầu thực sự của phụ huynh, học sinh, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.

Trong đó, chủ đạo là: Học nâng cao để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp, xét tuyển đại học hoặc học phụ đạo đối với học sinh học yếu. Thêm vào đó là tâm lý phụ huynh mong muốn con mình có kết quả học tập tốt hơn. Hoạt động dạy thêm - học thêm có từ lâu và ngày càng phát triển dù ngành Giáo dục có nhiều biện pháp hạn chế.

Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào thực tế: Phải quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm thay vì cấm. Chính vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT khi đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề “kinh doanh” có điều kiện. Vấn đề đặt ra là những tổ chức, cá nhân nào được phép “kinh doanh” ngành nghề này và quản lý hoạt động như thế nào?

Từ trải nghiệm của phụ huynh có con đang học phổ thông, tôi có một số đề xuất:

Đầu tiên, về đối tượng được phép tổ chức hoạt động dạy thêm. Trường phổ thông chỉ được dạy thêm cho 2 đối tượng là bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu. Nhà trường phải có chương trình/nội dung cụ thể trình các cấp phê duyệt trước khi tổ chức dạy thêm. Thời gian dạy thêm phải phù hợp với các hoạt động giáo dục, đào tạo khác của nhà trường; không được phép cắt xén thời gian của các hoạt động chính khóa.

Công khai nội dung dạy thêm, thông báo, tổ chức lớp, thu chi. Bố trí giáo viên dạy thêm, hoặc ký duyệt đồng ý cho giáo viên tham gia dạy thêm tại các trung tâm bên ngoài. Trường phổ thông nên tổ chức các lớp năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhiều hơn môn học trong chương trình đào tạo, từ đó có cơ sở để tăng thu nhập cho thầy cô.

Học nâng cao để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp, xét tuyển đại học hoặc học phụ đạo đối với học sinh học yếu. Ảnh: Thế Đại

Học nâng cao để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp, xét tuyển đại học hoặc học phụ đạo đối với học sinh học yếu. Ảnh: Thế Đại

Thứ hai, về đối tượng được phép dạy thêm: Giáo viên tham gia dạy thêm cần có đủ điều kiện đứng lớp (bằng cấp, nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nhà giáo…). Đối với giáo viên đang công tác tại cơ sở giáo dục phải có sự đồng ý của nhà trường dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Quy định số giờ được phép dạy thêm trong tuần đối với mỗi giáo viên để đảm bảo tái phục hồi sức lao động và có thời gian chuẩn bị bài giảng.

Thứ ba, quản lý giám sát tính công bằng, minh bạch của dạy thêm - học thêm với việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để được tổ chức dạy thêm; nếu trường học hoặc trung tâm dạy thêm vi phạm các tiêu chuẩn này sẽ thu hồi giấy phép tổ chức dạy thêm. Xây dựng quy định về dạy thêm mà giáo viên tham gia phải tuân thủ. Ví dụ: Giáo viên tham gia dạy thêm tại trung tâm phải có hợp đồng với trung tâm và sự đồng ý của nhà trường đang công tác. Giáo viên không được thiên vị học sinh đang dạy tại trường có tham gia lớp học hoặc trung tâm dạy thêm nơi giáo viên đăng ký giảng dạy.

Bà Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Tăng lương cho nhà giáo

Bà Hồ Thị Minh.

Bà Hồ Thị Minh.

Xét về mặt thị trường, dạy thêm - học thêm là việc bình thường và không xấu. Nó trở nên méo mó và mất đi giá trị khi bị chi phối và lạm dụng, biến tướng.

Thực tế, ngành nghề nào cũng phải thỏa mãn quy luật “cung - cầu” mới tồn tại và phát triển, giáo dục cũng không ngoại lệ. Khách quan mà nói, những giáo viên không dạy ở trường nào nhưng vẫn có học sinh theo học, chứng tỏ họ có năng lực sư phạm. Để tránh tình trạng giáo viên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ép học sinh học thêm, chúng ta cần “tách” thầy, cô giáo ra khỏi việc dạy thêm ở chính lớp họ đang dạy.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, lương và thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên phải xoay xở dạy thêm. Do vậy, để chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan, một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng lương cho nhà giáo. Khi thu nhập của nhà giáo tăng lên, đảm bảo cuộc sống thì họ sẽ không phải suy nghĩ đến chuyện dạy thêm. Thay vào đó, họ chuyên tâm vào bài giảng trên lớp, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên “chạy đua” thành tích hoặc có tư tưởng so sánh con mình với “con người ta”. Tư tưởng này chính là nguyên nhân khiến việc dạy thêm - học thêm quẩn quanh không hồi kết.

Thực tế, việc “cấm túc” dạy thêm rất khó khả thi. Từ trước đến nay, có nhiều văn bản quy định về dạy thêm, học thêm nhưng chưa thể dẹp bỏ vấn nạn này vì nhu cầu từ phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn có. Theo tôi, thay vì “cấm triệt để”, Nhà nước hãy tổ chức, quản lý việc dạy thêm - học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh theo hướng “Học thật, chất lượng thật”.

Ông Nguyễn Văn Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe

Ông Nguyễn Văn Huy.

Ông Nguyễn Văn Huy.

Thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc trong nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là trẻ tiểu học.

Mặc dù Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT quy định cụ thể các trường hợp không được dạy thêm. Song, trên thực tế việc dạy thêm - học thêm bị biến tướng, trở thành vấn nạn, gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Những lớp học thêm bên ngoài nhà trường do giáo viên “lách luật” và gợi ý địa chỉ cho phụ huynh luôn “rộng cửa” đón học sinh chính khóa của mình.

Bài học trên lớp thì lửng lơ, nửa chừng sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm; bài kiểm tra đúng dạng, đề chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm khiến phụ huynh bức xúc. Cùng đó là tiền bạc, thời gian, công sức đưa, đón con… khiến nhiều gia đình “quay cuồng” chạy theo lịch học thêm của con em mình.

Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên thì dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Tôi cho rằng, điều đó chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở ngành nghề khác có thể làm ngoài giờ để tăng thu nhập, thì giáo viên dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Cán cân cung - cầu trong giáo dục là cơ hội để giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức, rèn luyện thêm để nâng cao năng lực, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, học sinh giỏi…, các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến.

Việc học thêm nếu xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án. Vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là, quy định và tổ chức việc dạy thêm - học thêm như thế nào để lành mạnh và đúng quỹ đạo, những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín. Với những lớp học thêm tai tiếng vì “găm bài”, gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý nghiêm khắc, quyết liệt và đủ sức răn đe.

Để trả lại sự trong sạch môi trường dạy thêm - học thêm, tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý hoạt động này. Làm sao phải thật sự hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên.

Bên cạnh đó, cần quan tâm và siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử. Mặt khác, “cởi trói” áp lực học hành đang đè nặng lên tâm trí, cảm xúc phụ huynh và học sinh. Tôi cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Xây dựng và công khai kênh thông tin tiếp nhận phản ánh tiêu cực trong hoạt động dạy thêm để có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời, công khai kết quả xử lý; thu thuế đối với trung tâm và thuế thu nhập cá nhân đối với giáo viên có thu nhập cao. - ThS Nguyễn Vinh San

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.