Lớp học không sách vở
“Dạy Lịch sử bằng âm nhạc” - đó là cách dạy đặc biệt của “ông giáo làng” nơi vùng sâu, vùng xa còn lắm khó khăn. Đến với lớp học của cựu chiến binh Văn Đình Thanh (với tên thân mật là ông Năm), trẻ em ở xã Bình Thành và các vùng lân cận không cần đem theo tập sách. Vào lớp học chỉ cần cùng ca hát với ông Năm là có thể hiểu biết thêm nhiều kiến thức lịch sử.
Sau khi xuất ngũ, ông làm nhân viên cho một công ty, sau đó về hưu sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh địa phương từ năm 1993 đến nay. Năm 2000, ông cùng một số cựu chiến binh, cán bộ về hưu mở Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Lớp học lịch sử cho các cháu nhỏ ở địa phương hình thành từ câu lạc bộ này.
Trăn trở trước việc nhiều cháu nhỏ ở địa phương chưa hiểu rõ về lịch sử dân tộc, ông quyết định dành mái hiên nhà diện tích khoảng 10m2 để mở lớp dạy Sử và tiến hành vận động trẻ trong xóm đến sinh hoạt. Để thu hút các cháu nhỏ, ông sáng tạo ra cách dạy Sử bằng âm nhạc với cây đàn mandolin. Ông tập hợp các bài hát lịch sử cách mạng theo từng giai đoạn, sau đó giảng giải về hoàn cảnh theo bài hát đó. Ông còn dạy theo chủ đề, như trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng sẽ chú trọng dạy cho các cháu.
Điều khiến các em nhỏ vui nhất là lớp học có phần đố vui có thưởng. Ông Năm viết những câu hỏi treo lên cây, với nội dung như: 30/4 là ngày gì? Ngày tháng năm sinh của Bác Hồ? Bác Hồ quê ở đâu?... Ngoài ra còn có các bài hát: Nam Bộ kháng chiến, Anh Ba Hưng, Em là chiến sĩ giải phóng quân, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh và nhiều câu hỏi là những vấn đề thời sự, đời sống… Các em xung phong lên bốc thăm và trả lời câu hỏi hoặc hát những bài hát ghi trong thăm. Ai trả lời đúng, hát hay sẽ nhận phần thưởng được trích từ đồng lương hưu của ông.
Dạy Sử, dạy người
Lúc mới mở, chỉ vài em trong xóm đến lớp học của ông Năm, sau đó tiếng lành đồn xa ngày càng có nhiều em tìm đến. Lớp dạy Sử đặc biệt còn vang xa đến các xã lân cận, nhiều phụ huynh không ngại đường xa đưa con đến học với ông Năm. Hằng tuần, đến chiều thứ 7 và Chủ nhật, khuôn viên nhà ông Năm rộn ràng tiếng cười nói, tiếng đàn hát của ông và các học trò. Các em cùng ngồi dưới nền gạch, chăm chú nghe ông giảng giải lịch sử và hào hứng ca hát. Học sinh trong lớp học đặc biệt này có em chỉ 4, 5 tuổi, em lớn nhất cũng mười mấy tuổi…
Cứ như thế, ông Năm dạy thế hệ này đến thế hệ khác, ròng rã 20 năm cần mẫn đem hết tâm huyết của mình để truyền lửa. Lứa học trò này ra trường đến lứa học trò khác vào học, nhiều em đã học thành tài, trở thành quân nhân, giáo viên, công chức… ông Năm vẫn mở rộng vòng tay, đón nhận tất cả học trò nào muốn học.
Đến với lớp học đặc biệt của ông Năm, các em nhỏ rất vui vì tiếng đàn hát, vừa có câu đố hay, được ông Năm chỉ dạy nhiều điều trong cuộc sống. Nhiều em theo học cứ truyền miệng cho các bạn cùng trang lứa nên ngày càng có nhiều em đến học. Ông Năm còn dành đồng lương hưu của mình đầu tư thêm một phòng đọc sách nhỏ bên trong nhà với nhiều đầu sách thiếu nhi, lịch sử, văn hóa, đạo đức. Không chỉ dạy lịch sử, ông Năm còn giáo dục học trò lòng yêu quê hương, đất nước, cách đối nhân xử thế và đạo đức trong gia đình...
Ông Năm cho biết, không chỉ học Sử tại mái hiên nhà, các học trò của ông còn được đi thực tế. Dịp lễ như 30/4, 2/9, 22/12, 19/5, 1/6, Trung thu… ông thường tổ chức cho các cháu vui chơi, sinh hoạt, giao lưu với trường học, đoàn thanh niên, thăm di tích lịch sử địa phương. Mỗi chuyến thực tế của ông và học trò là dịp để giáo dục lịch sử, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống.