Dạy ngoại ngữ không đúng khiến trẻ sợ sệt khi vào lớp 1

"Cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo áp lực, gò bó, gây mệt mỏi về thể lực, tinh thần và đặc biệt là sự chán chường, sợ sệt với các hoạt động học tập khi trẻ vào lớp 1", Vụ phó Giáo dục Mầm non cho hay.

Việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo cho trẻ áp lực, trẻ cảm thấy bị ép buộc, gò bó, không hứng thú. Ảnh: Hải Duyên.
Việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo cho trẻ áp lực, trẻ cảm thấy bị ép buộc, gò bó, không hứng thú. Ảnh: Hải Duyên.

Bà Phan Lan Anh, Vụ phó Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) phân tích, ở lứa tuổi mầm non, hoạt động vui chơi là chủ đạo. 

Vì vậy, khác với giờ dạy học ở tiểu học, mọi hoạt động học cho trẻ mẫu giáo đều được tổ chức chủ yếu dưới hình thức chơi, không có kiểm tra, sát hạch, không có bài tập về nhà, không quá nghiêm ngặt về thời gian và linh hoạt giữa động và tĩnh.

"Việc dạy học ngoại ngữ ở mầm non theo kiểu phổ thông hóa như một số cơ sở giáo dục thực hiện trong thời gian qua không phù hợp với đặc điểm phát triển tâm - sinh lý của trẻ", bà Lan Anh nói.

Theo bà, học ngoại ngữ ở độ tuổi mầm non chỉ dừng ở mức độ cho trẻ làm quen với ngôn ngữ mới, vui sướng khi được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, góp phần phát triển tư duy và tăng khả năng giải quyết vấn đề, nâng cao tính tự tin trong giao tiếp...

Để hoạt động đạt hiệu quả cần đáp ứng các điều kiện về nội dung chương trình, về trình độ, năng lực ngoại ngữ và phương pháp sư phạm của giáo viên hướng dẫn, về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. 

Nội dung chương trình cần phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ (phát triển về thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ), được sở GD&ĐT thẩm định và cho phép sử dụng.

Giáo viên hướng dẫn có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo cho trẻ áp lực, trẻ cảm thấy bị ép buộc, gò bó, không hứng thú. Ảnh: Hải Duyên.

Trước đó, ngày 18/2, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 694 yêu cầu các Sở kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục mầm non dạy ngoại ngữ khi chưa có đủ điều kiện cho phép. 

Nguyên nhân do một số trường tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. 

Giáo viên chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ... gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

"Việc tổ chức làm quen với ngoại ngữ không phù hợp sẽ tạo cho trẻ áp lực, không hứng thú, gây mệt mỏi về thể lực, tinh thần và đặc biệt là sự chán chường, sợ sệt với các hoạt động học tập khi trẻ vào lớp 1", Vụ phó Giáo dục Mầm non nói.

Theo bà Lan Anh, Bộ Giáo dục đã làm việc với một số chuyên gia trong và ngoài nước. 

Tất cả đều không phủ nhận về vai trò của ngoại ngữ và khả năng tiếp cận với ngoại ngữ của trẻ em, nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn thì phải dựa trên căn cứ khoa học về đặc điểm phát triển tâm - sinh lý của trẻ theo từng độ tuổi.

Việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ phải xuất phát từ cảm xúc thực của trẻ chứ không phải ép buộc, được thực hiện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh, truyện kể ngắn phù hợp với đặc điểm nhận thức và kinh nghiệm… nhằm tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm của Bộ GD&ĐT, chỉ nên cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi cơ sở giáo dục có đủ điều kiện cho phép.

Theo GS Thuyết, trẻ có thể học nhiều ngôn ngữ cùng lúc chứ không chỉ một tiếng mẹ đẻ. Để làm được điều đó thì phải có mục tiêu. Hơn nữa học ngoại ngữ phải có điều kiện, môi trường giao tiếp tự nhiên.

"Còn phụ huynh Việt Nam phần lớn muốn con học để biết ngoại ngữ. Trong điều kiện không có môi trường giao tiếp thì cũng giống như leo cột mỡ, chỉ leo lên leo xuống, chi bằng để các cháu lên lớp 3 khi đã vững về tiếng Việt thì mới học thì sẽ tốt hơn, không nhất thiết phải học khi chưa vững tiếng mẹ đẻ như thế", GS Thuyết phân tích.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.