Nỗ lực nâng tỷ lệ người dân tộc biết chữ
Tại tỉnh An Giang, công tác xóa mù chữ đã và đang là một trong những trọng tâm quan trọng nhằm nâng cao trình độ dân trí, tiến tới cải thiện chất lượng sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Việc tổ chức các lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, nâng tỷ lệ người dân tộc biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tuổi. Từ đó góp phần tạo cơ hội cho người dân nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tháng 8 vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung đối với công tác xóa mù chữ dành cho cán bộ quản lý và giáo viên các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh.
Tham dự hội nghị có 62 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên và người tham gia công tác xóa mù chữ đến từ 16 xã, thị trấn của 5 huyện, thị xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm Thoại Sơn, An Phú, Tri Tôn, Tân Châu, Tịnh Biên.
Hội nghị triển khai các nội dung quan trọng trong thực hiện công tác xóa mù chữ, Quy định về đánh giá học viên Chương trình xóa mù chữ; về hồ sơ sổ sách chuyên môn như Kế hoạch dạy học chương trình xóa mù chữ; Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi đầu bài, Học bạ, Bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục, Danh sách học viên được công nhận biết chữ theo các mức độ (đối với các lớp xóa mù chữ ở cuối giai đoạn 1 và 2).
Được biết, những năm gần đây, thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, An Giang đã thu được những kết quả tích cực trong nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đó, ngày 27/10/2022, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 2620/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình tỉnh An Giang giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Theo đó mục tiêu của Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được tỉnh đặt ra là củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú.
Đồng thời đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.
An Giang đã mở được 21 lớp xóa mù chữ. Ảnh: Trọng Nhân. |
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.
Nhiều kết quả tích cực
Đối tượng tham gia công tác xóa mù chữ bao gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, trụ trì, sư, tăng, ni tại các chùa, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các đối tượng khác) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về nội dung thực hiện, tỉnh An Giang cũng xác định cần xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xoá mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xoá mù chữ, dạy học xoá mù chữ. Bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ và Hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.
Thực hiện Tiểu dự án 1, đến nay, An Giang đã mở được 21 lớp xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với 429 học viên dự học. Theo kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, An Giang có 5 huyện, thị xã triển khai thực hiện, gồm: Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tân Châu. Dự kiến số lớp và số học viên sẽ tiếp tục tăng sau khi các địa phương tăng cường công tác phối hợp vận động bà con ra lớp.
Thầy Trần Phước Giàu, Giáo viên Trường Tiểu học B Nhơn Hội (huyện An Phú) chia sẻ, học viên tham gia học tập rất tích cực. Số lượng học viên tham gia học ngày càng tăng, vì có sự lan toả tích cực trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động mở lớp xóa mù chữ của địa phương. Các học viên tranh thủ đi học đúng giờ, hợp tác cùng giáo viên rất hiệu quả.
“Tuy ban đầu có bỡ ngỡ khi giao tiếp, nhưng về sau càng quen dần, tình cảm thầy trò thêm gắn bó. Khi bận việc phải nghỉ học, học viên đều điện thoại hoặc gửi tin nhắn zalo để xin phép. Ban Giáo cả người Chăm rất quan tâm hỗ trợ học viên và giáo viên. Học viên luôn tích cực hỗ trợ nhau trong học tập, cố gắng hăng say trong luyện viết, luyện đọc và tính toán, không ngại khó”, thầy Giàu cho hay.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, An Giang chi hỗ trợ 500.000 đồng/người/kỳ học, theo Nghị Quyết kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh Khóa X.