back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine

Ở vùng Tây Nam bộ đồng bào Chăm tập trung sinh sống nhiều nhất ở An Giang, là dân tộc với nhiều nét đẹp dân tộc truyền thống.

Qua nhiều thăng trầm của thời gian và sự phát triển của cuộc sống hiện đại nhưng đồng bào Chăm gần như giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, như một bông hoa tỏa ngát hương giữa khu vườn văn hóa đặc sắc. Hiện đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang chiếm khoảng 0,67% dân số toàn tỉnh với trên 15 nghìn người. Họ sống dọc theo sông Hậu và các nhánh lớn của sông Hậu, thuộc địa bàn các xã Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành)...

Theo các nhà khảo cổ, người Chăm vốn thuộc dòng Mã Lai- Đa Đảo, một vùng văn minh hải đảo nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn - Hồi mà hiện nay vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Họ di cư sang miền Nam Trung bộ và Nam bộ từ nhiều thế kỷ trước, mang theo và gìn giữ mọi phong tục tập quán cùng chế độ gia đình mẫu hệ. Căn cứ vào một số thư tịch cổ, tư liệu dân tộc học, các hiện vật còn lưu giữ và văn tự cổ, so sánh về dân tộc học và lịch sử di cho thấy: Người Chăm An Giang có xuất xứ từ Ninh Thuận, Bình Thuận và đều cùng chung một nguồn gốc lịch sử từ lâu đời....

Các làng Chăm được phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hậu và các nhánh sông Hậu với những ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đặc trưng, hàng chục ngôi thánh đường lớn nhỏ, nổi bật với kiểu kiến trúc mái vòm, bốn tháp ở bốn góc, rất giống các thánh đường tại các nước Hồi giáo Trung Đông. Tại mỗi xã, người Chăm An Giang đều có thánh đường riêng. Họ tôn thờ thánh Alah, cầu nguyện mỗi ngày 5 lần. Họ thực hiện nghiêm túc giáo lý, giáo luật của Hồi giáo, thực hiện các bổn phận của tín đồ như hạn chế ăn vào tháng Ramadam. Đặc biệt, họ tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật, không nuôi heo và ăn thịt con vật này. Họ cũng tuyệt đối không uống rượu, kể cả bia. Họ có cùng ngữ hệ với đồng bào Chăm miền Nam Trung bộ, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đây, đời sống kinh tế người Chăm An Giang chủ yếu dựa vào nghề dệt thủ công, làm nông và nghề chài lưới, buôn bán nhỏ hoặc làm nông họ sống khép kín trong không gian các làng, xóm. Theo truyền thống phụ nữ Chăm cũng ít có cơ hội trải nghiệm cuộc sống bên ngoài họ chủ yếu ở nhà làm công việc nội trợ chăm lo gia đình và phụ giúp kinh tế bằng nghề dệt vải. Gần đây, cùng với làn sóng phát triển chung của đất nước, nhiều hộ người Chăm đã lấy kinh doanh, du lịch, thương mại làm mũi nhọn để phát triển kinh tế gia đình. Vì thế nên số hộ giàu có, dư dả trong cộng đồng người Chăm An Giang ngày càng nhiều.

Giáo cả Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết: “Trước đây, nam giới chuyên chài lưới và mua bán nông sản miệt vườn, phụ nữ thì dệt vải, thêu thùa. Nhưng nay, đa số chuyển sang kinh doanh, dịch vụ, chỉ một số ít vẫn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm...” Giáo cả Haji Jacky cho biết.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết: “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng; mới nhất và quy mô nhất hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số"

Theo Giáo cả Haji Jacky, những năm qua, cộng đồng người Chăm ở An Giang nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể nên đời sống vật chất ngày càng phát triển, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, các chức sắc, giáo cả luôn tuyên truyền cho tín đồ về tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành với dân tộc, thực hiện đúng giáo lý của Islam gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Chăm ở An Giang không ngừng được nâng lên, đồng bào Chăm ở địa phương rất chú trọng việc học của con em, bởi số hộ có điều kiện cho con đi học rồi làm việc ở các nơi đã kích thích tinh thần trong cộng đồng, mọi người đều cố gắng vươn lên. Con em đồng bào Chăm, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã tham gia vào hệ thống chính trị tại các địa phương, cùng với người Kinh, Khmer và người Hoa chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.

Vốn nổi tiếng với những nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng bào Chăm đã năng động sáng tạo trong quá trình hội nhập phát triển đưa văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, những điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến An Giang. Những năm gần đây, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước trong triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, thì hoạt động du lịch của các làng Chăm ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, đặc biệt khi được địa phương hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, đã mở ra bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình du lịch đã và đang đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống đồng bào

Trong số các làng Chăm ở An Giang thì làng Chăm Đa Phước (An Phú), làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), là hai làng Chăm có tiềm năng phát triển du lịch nhất. Từ sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở An Giang

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở An Giang

Ông Y Sa ở xã Đa Phước, huyện An Phú bộc bạch: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như: tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri - cơm nị, bánh bò nướng (bánh “năm-pa-răng”)… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào DTTS Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt”

Tại làng Chăm Châu Phong, với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi gần với TP. Châu Sốc, nằm thơ mộng bên dòng Châu Giang các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Tại đây du khách có thể chứng kiến, thử dệt và bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Làng Chăm Châu Phong đã được chính thức công nhận là làng nghề tiểu thủ công truyền thống, đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng. Sản phẩm thổ cẩm bà con làm ra được tiêu thụ khắp đồng bằng sông Cửu Long, theo chân du khách ra tận nước ngoài.

Làng Chăm Châu Phong đã đưa vào hoạt động loại hình du lịch homestay với tiêu đề “Một ngày làm người Chăm”, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại nhà người Chăm. Đây là cơ hội để du khách tìm hiểu sâu hơn đời sống văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm. Nhiều du khách rất hào hứng khi được hòa mình vào đời sống thường nhật của người Chăm…

Đồng bào Chăm quảng bá đặc sản tung lò mò
Đồng bào Chăm quảng bá đặc sản tung lò mò

Ông Mohamad chủ cơ sở dệt ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong cho biết, ông đã có trên 50 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Trước đây, trung bình mỗi tháng cơ sở của ông đón trên dưới khoảng 1.000 khách đông nhất là vào thời điểm lễ hội Vía Bà Chúa Xứ và gần Tết Nguyên đán. Thấy được tiềm năng từ làm du lịch văn hóa, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng bến bãi làm tiểu cảnh tái hiện lại làng Chăm xưa, cho du khách tự tay dệt thổ cẩm, cùng tham gia nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm, hoặc mặc trang phục cưới chụp ảnh,…

Tương tự chị Hứa Thị Hứa Thị Rokya khởi nghiệp với tung lò mò món ăn đặc trưng của đồng bào Chăm, sau khi tạo được tiếng vang trên thị trường, doanh nghiệp của chị kết hợp với địa phương tạo tour du lịch ẩm thực, đến đây du khách sẽ được trải nghiệm và thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào Chăm, cùng trò chuyện và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực. Hiện nay cơ sở của chị Rokya tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5-8 lao động chủ yếu là các phụ nữ Chăm.

Hàng năm các làng Chăm An Giang đã thu hút hàng nghìn khách du lịch nước ngoài từ những nước Hồi giáo chính thống như Ấn Độ, Campuchia và các nước muốn tìm hiểu về Hồi giáo, về cuộc sống của đồng bào Chăm như đời sống sinh hoạt hàng ngày, sinh hoạt tôn giáo, trang phục, dệt, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội.

Kể từ khi làng Chăm bước vào hoạt động du lịch, cộng đồng Chăm nơi đây đã có sự tiến bộ về kinh tế và văn hóa. Khách du lịch đến làng Chăm tham quan thánh đường, hợp tác xã Châu Giang mua sản phẩm dệt thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực giúp tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, nhờ sản phẩm dệt thổ cẩm được khách du lịch ưa chuộng, hợp tác xã ngày càng mở rộng, thu hút nhiều lao động Chăm, vừa cung cấp đủ sản phẩm cho khách du lịch vừa góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Người Chăm có một kho tàng văn hóa phong phú, dù trải qua nhiều thăng trầm song những văn hóa truyền thống tốt đẹp đều được đồng bào duy trì và vun vén để ngày càng phát triển. Nhiều nét đẹp trong văn hóa Chăm còn lưu giữ có thể kể đến như tục choàng khăn Matơra, nghề dệt thổ cẩm, các nghi lễ trong việc cưới hỏi,… những nét văn hóa ấy qua hàng trăm năm hình thành đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi đồng bào Chăm nó là gốc rễ cội nguồn của dân tộc cần giữ gìn và phát huy.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, trong đó có áo dài Chăm truyền thống và chiếc khăn choàng trên đầu. Chiếc khăn ấy được gọi là Matơra. Chiếc khăn trở thành một điểm nhấn độc đáo cho tổng thể, tạo nên vẻ kín đáo cho phụ nữ Chăm mộc mạc, đầy duyên dáng. Cũng như nón lá của người Việt, khăn Matơra là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa, sự dịu dàng, hồn hậu của phụ nữ Chăm bao thế hệ. Với phụ nữ Chăm An Giang, khăn Matơra không đơn thuần là trang phục, nó còn là nét duyên dáng, thể hiện sự nhẹ nhàng, e ấp.

Những cô gái Chăm dịu dàng trong chiếc khăn Matơra

Những cô gái Chăm dịu dàng trong chiếc khăn Matơra

Cùng với nét đẹp dịu dàng khi choàng Matơra, phụ nữ Chăm cũng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Dệt là nghề truyền thống, nên con gái trong làng khi lớn lên đều được cha mẹ truyền cho nghề dệt. Theo thời gian, đến tuổi trưởng thành, những cô gái Chăm trong làng đều thành thạo, nhuần nhuyễn nghề dệt. Đặc biệt, một số chị em trở thành những người thợ chuyên nghiệp của làng và của cả vùng. Trong nhiều phụ nữ Chăm ở ấp Phũm Soài sống bằng nghề dệt, có nhiều chị trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn khá trẻ. Có người tuổi đời chỉ trên 30 nhưng tuổi nghề đã có gần 20 năm gắn bó nghề dệt.

Thổ cẩm của người Chăm An Giang chủ yếu được nhuộm bằng những phẩm màu tự nhiên, sản phẩm có màu đỏ boóc-đô, vàng, xanh thẫm chủ yếu được nhuộm bằng các loại cây, nhựa tự nhiên; loại thổ cẩm màu hồng, xanh dương, tím... được nhuộm bằng các loại hóa chất công nghiệp theo công nghệ nhuộm không phai màu. Đặc biệt, sản phẩm của hợp tác xã Châu Giang để càng lâu vải càng bóng đẹp vì được dệt bằng tơ, nên được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm đã qua thời hưng thịnh nguyên nhân là do sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp về giá cả, mẫu mã, số lượng, thời gian giao hàng cũng như phương thức thanh toán. Vì thế làng nghề ngày càng bị thu hẹp, nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt mà tìm đến những công việc có thu nhập cao hơn.

Là con gái út trong một gia đình có truyền thống về nghề dệt thổ cẩm chị Saphynah (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) sau khi du học nước ngoài chị đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp với nghề truyền thống của dân tộc. Hằng ngày chị vẫn cần mẫn làm nghề và giới thiệu sản phẩm đến bạn bè trong nước và quốc tế về văn hóa của dân tộc Chăm, đồng thời nỗ lực phục dựng nghề dệt. Hiện nay chị tiếp quản cơ sở dệt của gia đình vừa duy trì nghề dệt vừa làm điểm du lịch cho du khách trong ngoài nước tìm đến.

“Văn hóa Chăm có rất nhiều những điều tuyệt vời, nó đã nuôi nấng tâm hồn tuổi từ thuở vừa lọt lòng và may mắn hơn nữa trong quá trình trưởng thành những thế hệ đi trước đã luôn giữ gìn những nét đẹp ấy gần như nguyên vẹn. Để những người trẻ như tôi mỗi khi nói về dân tộc tôi, nói về văn hóa, âm nhạc, ẩm thực, nghi lễ tôi hay bất kì điều gì tôi vẫn luôn nói bằng niềm tự hào và bản thân tôi muốn giới thiệu đến du khách gần xa, tôi muốn ngày càng có nhiều người biết tới người Chăm An Giang.” chị Saphynah trải lòng.

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Chăm là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, gìn giữ cội nguồn dân tộc Chăm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ