(GD&TĐ)-Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng bởi nó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo mà còn giúp sinh viên có năng lực suy nghĩ làm việc độc lập, sáng tạo, bản lĩnh trong công tác nghề nghiệp.
Bài 1: Vẫn còn căn bệnh hình thức
Sinh viên khoa Sư phạm kỹ thuật (ĐHSP Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn |
Bắt đầu từ người quản lý
Là người qua nhiều năm làm công tác quản lý cũng như tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên NCKH đạt giải thưởng, PGS.TS.Vũ Minh Đức – Trường ĐH Xây dựng cho rằng, để thực hiện tốt công tác NCKH của sinh viên, trước hết cần có nhận thức và chỉ đạo sâu sát trong việc xây dựng phong trào và kế hoạch thực hiện.
Việc chỉ đạo sát sao thể hiện qua việc lập kế hoạch thực hiện, thời gian, tiến độ, tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đơn vị trong việc đăng ký đề tài, thời gian thực hiện, kiểm tra, tổ chức nghiệm thu, tổng hợp, đánh giá, tổng kết. Việc NCKH của sinh viên, theo PGS.TS.Vũ Minh Đức cần được nhìn nhận và đánh giá một cách rộng mở hơn, từ việc nắm vững lý luận của những vấn đề lý thuyết trong tính toán, thiết kế, quá trình công nghệ,… cho đến cả những ý tưởng có lập luận khoa học, đến việc tổ chức thực hiện.
Nhận định mức độ đầu tư của nhà trường cho hoạt động khoa học của sinh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, TS.Mai Ngọc Anh, Học viện tài chính - giáo viên hướng dẫn sinh viên NCKH đạt giải nhất năm 2005 và giải nhì năm 2009 đề xuất, nhà trường cần khuyến khích việc đa dạng hóa các hoạt động NCKH của sinh viên dưới nhiều cấp độ và hình thức; lượng hóa kết quả tham gia NCKH của sinh viên để gắn với đánh giá kết quả học tập; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và hỗ trợ cho các giáo viên hướng dẫn sinh viên NCKH một cách thỏa đáng. Cuối cùng, điều hết sức quan trọng đó là đầu tư và phân bổ kinh phí thỏa đáng cho hoạt động sinh viên NCKH.
Còn theo giảng viên Lê Thị Bình – Trường ĐH Nông lâm – TPHCM, mỗi nhà trường cần soạn thảo và ban hành quy định về NCKH của sinh viên; không thể coi NCKH của sinh viên là hoạt động phong trào; cần mở rộng thêm nguồn kinh phí từ sự hợp tác với các doanh nghiệp, những người ứng dụng sản phẩm khoa; có chế độ khen thưởng với sinh viên, giáo viên hướng dẫn; đối với những đề tài mang tính khả thi cao có thể khuyến khích, cấp kinh phí thêm cho sinh viên tiếp tục nghiên cứu hoặc triển khai áp dụng sản xuất thử nghiệm. Giảng viên Lê Thị Bình cũng đề xuất đưa môn học phương pháp NCKH vào chương trình đào tạo cho tất cả các ngành và là môn học bắt buộc được giảng dạy vào năm thứ hai.
Nâng cao chất lượng đề tài
Chất lượng các đề tài NCKH được thể hiện ở nội dung thực hiện của mỗi đề tài, theo PGS.TS.Vũ Minh Đức cần phải đạt được những yêu cầu nhất định của NCKH. Đó là cách đặt vấn đề: tiếp cận vấn đề nghiên cứu (phải nêu bật được các vấn đề mới sáng tạo), mục tiêu và các nội dung nghiên cứu; cách giải quyết vấn đề: các phương pháp tiến hành nghiên cứu, các bước và biện pháp thực hiện các nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu, biện pháp thực hiện các nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu, đánh giá nhận xét phát hiện về các vấn đề nghiên cứu. Cuối cùng là các kết luận rút ra từ những vấn đề nghiên cứu; ý nghĩa của đề tài nghiên cứu về mặt khoa học, về thực tiễn, môi trường, về kinh tế xã hội, về công tác đào tạo…
TS.Phan Huy Dũng – Trường ĐH Vinh lại đặt vấn đề, chính những cái mới trong nội dung giảng dạy của giảng viên sẽ đóng vai trò kích thích rất tích cực đối với sinh viên, khiến nhu cầu tìm tòi cái mới cũng phát triển. Tuy chưa thể đòi hỏi nhiều ở sinh viên những phát hiện khoa học có tính đột phá nhưng hoàn toàn có thể và cần đòi hỏi ở sinh viên ý thức sáng tạo khi đối diện với các vấn đề học tập. Ý thức sáng tạo cần được thể hiện trong mọi hình thức trả bài, từ bài kiểm tra thông thường đến các bài tập lớn và khóa luận tốt nghiệp.
Đối với TS.Trần Anh Vũ, Học viện An ninh nhân dân, chất lượng NCKH của sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào người hướng dẫn. Một sinh viên NCKH sẽ thành công cao hơn nếu người giáo viên hướng dẫn chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời những vướng mắc của sinh viên trong NCKH như tìm kiếm ý tưởng, chọn tên đề tài, xây dựng đề cương, kế hoạch nghiên cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin, tài liệu.
Ngoài ra, người giáo viên cũng cần giúp sinh viên của mình vượt qua những trở ngại về tâm lý trong quá trình thực hiện đề tài; hướng dẫn sinh viên nắm vững và vận dụng có hiệu quả quy trình và các phương pháp NCKH, nắm được yêu cầu của từng loại hình nghiên cứu cũng như biết phân loại sinh viên để giao nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp.
Ngoài những vấn đề trên, nhiều giảng viên cũng cho rằng, vấn đề tổ chức, đánh giá kết quả đề tài NCKH của sinh viên một cách thỏa đáng cũng rất quan trọng. Để làm được điều này, việc tổ chức chấm, đánh giá từ cơ sở cho đến cấp cao hơn cần cải tiến, nhất là việc gửi báo cáo đến các đơn vị đánh giá cần phải xem xét phù hợp và đúng với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, trung thực, cũng như tính bản quyền bí quyết của các nghiên cứu.
Hiếu Nguyễn