Đây là những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại buổi Tọa đàm “Tự chủ đại học - nhìn từ chính sách, pháp luật” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Tự chủ là nhu cầu cấp thiết hiện nay
Thảo luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trên thế giới, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ rất cao. Có thể nói các trường đại học vừa là nơi giảng dạy đào tạo, vừa là nơi nghiên cứu khoa học và sáng tạo ra tri thức mới. Điều đó yêu cầu một môi trường tạo điều kiện cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức mới tốt nhất. Đây là đòi hỏi tự thân các trường đại học để vươn lên tự chủ.
Với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, do bối cảnh về đặc điểm quản lý kinh tế - xã hội, chúng ta có giai đoạn dài bao cấp. Đến nay cần có nguồn nhân lực cao hơn để hội nhập với thế giới, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cơ sở giáo dục phải năng động, sáng tạo, hội nhập với thế giới. Đây là đòi hỏi bức thiết phải tự chủ.
Cũng như thí điểm về tự chủ đại học đang được triển khai và thể chế hóa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tự chủ về chuyên môn, tài chính tài sản, nhân sự tổ chức là những điều hết sức cần thiết để cho các cơ sở giáo dục đại học thực sự đủ chủ động, linh hoạt để thực hiện mục tiêu sứ mạng của mình về đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học tốt nhất, làm cho toàn bộ hệ thống tốt lên, các trường năng động, cạnh tranh với nhau, vươn ra khu vực, thế giới và nguồn lực của giáo dục đại học sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
“Tôi tin sẽ có nhiều trường tự chủ thành công. Thực tế đã có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp hạng khu vực và thế giới” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc viện dẫn, đồng thời nhấn mạnh: Tự chủ là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Phân cấp, phân quyền từ cơ quan quản lý
Còn TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm, sửa đổi Luật Giáo dục đại học hiện hành là tạo hành lang pháp lý để các trường tự chủ một cách cao nhất. Từ đó, thúc đẩy sự năng động, chủ động sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để các trường phát triển.
Cơ quan soạn thảo đưa ra một số quan điểm sửa đổi mang tính cởi trói, tháo gỡ những vướng mắc ở các luật khác vào trong Luật này. Sau Luật này, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Quốc hội phải nghiên cứu để đề xuất sửa các luật chuyên ngành khác, qua đó mới có thể tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.
Cho rằng điểm rất đáng chú ý đó là phân cấp, phân quyền từ cơ quan quản lý, TS Phạm Tất Thắng trao đổi: Những việc trước đây mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở giáo dục đại học thông qua cơ chế giao quyền cho Hội đồng trường. Đây là điểm mới và được đánh giá cao. TS Phạm Tất Thắng cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ cao, để Luật này sớm được thông qua và đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc |
Cần sự nhất quán, đồng bộ trong nhiều quy định
Dưới góc nhìn của nhà quản lý cơ sở giáo dục đã được giao tự chủ, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội - cho rằng, việc tạo môi trường pháp lý bình đẳng là điều cần thiết cho tất cả các lĩnh vực và lĩnh vực giáo dục cũng không phải ngoại lệ.
Các quy định trước đây hầu như có sự phân định rất rõ ràng về cơ sở giáo dục công, giáo dục tư. Nhưng ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này quy định, đối với các cơ sở đào tạo dù trường công hay trường tư đều có một tiêu chí, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới những tiêu chí về chuyên môn học thuật.
“Có thể khẳng định rằng, từ câu chuyện chúng ta tuyển sinh, mở ngành... xoay quanh vấn đề có đảm bảo được tiêu chí về mặt chất lượng hay không? Tiêu chí đó đưa ra để kiểm định, soi chiếu, đánh giá như nhau chứ không có sự phân biệt. Đó là điểm rất mới và sẽ tạo cơ hội cho trường tư thục phát triển tốt, phát huy được hết tiềm năng, nguồn lực của ngành trong giáo dục đại học. Đồng thời thúc đẩy được xã hội hóa về giáo dục.
Đó cũng như một sự sàng lọc tự nhiên. Và những cơ sở giáo dục không đáp ứng được các yêu cầu để đảm bảo chất lượng sẽ phải tự đào thải trong cuộc cạnh tranh hết sức lành mạnh và bình đẳng này. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, ngày càng khắt khe của thị trường năng động, đáp ứng được các kỳ vọng xã hội” - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung trao đổi.
Và để thực hiện được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, cần sự đồng bộ, nhất quán trong rất nhiều quy định, đặc biệt là các quy định của Luật chuyên ngành liên quan như: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ... Sau khi sửa đổi Luật, chúng ta phải có bước tiếp theo là rà soát và sửa đổi các quy định liên quan của các Luật chuyên ngành và có những quy định liên quan thì mới thật sự tạo được hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ để thực hiện trên thực tế.