Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh

GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Sáng 23/12, tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tháng 12 và cả năm 2023.

Đoàn công tác có đại diện Bộ, ngành Trung ương: Bộ KH&ĐT; Bộ NN&PTNT; Bộ TN&MT; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ GD&ĐT; Ngân hàng Nhà nước…

Phía địa phương tỉnh Bạc Liêu có ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND, Sở, ngành tỉnh Sóc Trăng; Trà Vinh.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc.

Kinh tế, xã hội phát triển ổn định

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Năm 2023, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức; song với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong 21 chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, thì có 18 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong đó tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,24%, đứng thứ 5/13 trong vùng ĐBSCL và đứng thứ 24/63 cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,19%. Cùng với đó là rất nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác cũng đạt mức rất khả quan".

Theo ông Phạm Văn Thiều, dù Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển, song vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được sự quan, hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; nhất là sự quan tâm, hỗ trợ của Đoàn công tác thành viên Chính phủ. Trong thời gian qua, Đoàn công tác đã ghi nhận, tổng hợp kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc của tỉnh Bạc Liêu.

Theo thống kê thì Bạc Liêu có 32 kiến nghị đối với tổ công tác, đến nay đã giải quyết được 21/32 kiến nghị, đạt 66%. Có thể cho thấy tổ công tác do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn điều hành đã hoạt động rất hiệu quả, từ đó đã góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: "Tình hình kinh tế - xã hội trong năm phát triển tốt hơn so với cùng kỳ, thực hiện đạt và vượt 23/23 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.

Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng khá. Các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch được thực hiện bảo đảm theo tiến độ, kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh; công tác nắm tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư được quan tâm sâu sát…

Tăng trưởng GRDP năm 2023 tỉnh Trà Vinh ước đạt 8,25% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Công tác giải ngân vốn đầu được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân tạo động lực cho tăng trưởng. Hầu hết doanh thu các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như bán lẻ hàng hóa tăng 15,46%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 12,65%, dịch vụ lữ hành tăng 64,87%, dịch vụ khác tăng 15,85%.

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 83.375 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,75 triệu đồng/người, đạt 107,6% Nghị quyết (tương đương vượt 5,79 triệu đồng)…".

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Huệ - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Tỉnh Sóc Trăng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác Thành viên Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong thời gian qua đã cùng với địa phương theo dõi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ rất nhiều cho tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thế giới và trong cả nước đang phải đối mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 (GRDP) của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 5,77% (xếp thứ 7 so các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và xếp thứ 39 so các tỉnh, thành phố trong cả nước - xếp cùng hạng với tỉnh Long An với mức tăng trưởng 5,77%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,39%; khu vực dịch vụ tăng 8,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,47%".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp tục chủ động, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh năm 2023 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn giữ ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản… có kết quả khả quan.

Tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư trung ương, địa phương; xuất khẩu là điểm sáng tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc; chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, biến đổi khí hậu, sạt lở, quy hoạch, kinh phí…

Đây không chỉ là khó khăn riêng của 3 tỉnh mà là khó khăn chung của cả ĐBSCL… Đoàn công tác ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các địa phương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương quan tâm triển khai Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương quan tâm triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Năm 2024 vẫn còn thách thức, khó khăn, do đó cần phải lường trước những phát sinh; trên tinh thần chủ động, tiếp tục nỗ lực".

Theo Bộ trưởng, trong các kiến nghị các tỉnh vẫn còn ít nội dung kiến nghị về giáo dục. Ngành GD&ĐT năm 2024 rất cần quan tâm chỉ đạo của các tỉnh, đặc biệt là triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đây là năm tiếp tục triển khai đổi mới Chương trình GDPT lớp 5, 9, 12. Đối với 3 khối lớp này yêu cầu khó hơn, với tính chất cuối cấp, phải thi tốt nghiệp theo phương án mới. Do đó các tỉnh tập trung chăm lo các điều kiện, đội ngũ giáo viên để đảm bảo đủ người triển khai Chương trình mới. Đồng thời cơ sở vật chất, phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị rất cần được đầu tư thời điểm 2023 - 2024 rất cần thiết và cấp bách...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ