Nhiều người chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy chung cư HH4A Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) vào giữa tháng 9, khiến hàng chục người bị mắc kẹt trên các tầng cao, thì tối 11/10 một đám cháy với những cột khói lớn bao trùm lên tòa nhà CT4A, CT4B khu đô thị Xa La (Hà Đông) khiến không ít người hoảng hốt, náo loạn.
Mới đây nhất, tối 13/10, một vụ hỏa hoạn khác lại xảy ra tại tầng 25 của tòa nhà VP5 Linh Đàm. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại nhiều nhưng những vụ hỏa hoạn cứ thế nối tiếp nhau đã thực sự gióng lên một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Có thể khẳng định nguyên nhân đầu tiên và trước hết là do ý thức của con người. Thực tế cho thấy, rất nhiều cơ quan, công xưởng, nhà máy, trung tâm thương mại, khu chung cư, cơ sở buôn bán…, việc đầu tư các trang thiết bị chữa cháy chỉ là để đối phó với các đoàn kiểm tra hơn là để phòng cháy; lực lượng bảo vệ và nhân viên có nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ vừa mỏng, vừa yếu về chuyên môn, lại hay lơ là, mất cảnh giác.
Do vậy, mỗi khi có cháy, nổ, các lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì đã muộn hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Hay nói một cách khác là do công tác phòng cháy chữa cháy bấy lâu đang chưa được quan tâm đúng mức. Ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội, công tác này vẫn còn một khoảng trống lớn.
Từ sau vụ cháy ở chung cư cao tầng CT4A, CT4B Khu đô thị Xa La (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội), mới đây Sở Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội đã kiểm tra nhanh công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư cho biết:
Thành phố có 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; trong đó, có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy; 21 công trình không đảm bảo về giao thông, tiếp cận phòng cháy, chữa cháy, an toàn về phòng cháy, chữa cháy; 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 51 công trình không đảm bảo ngăn cháy lan…
Còn ý thức của người dân thì sao? Có thể nói dường như hỏi bất cứ người dân nào ai cũng trả lời sợ “giặc lửa”, nhưng đa phần người dân lại không chịu tìm hiểu và dường như không chịu tham gia khóa học về phòng cháy, chữa cháy!
Như vậy, rõ ràng cần phải nhắc lại công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả hay không, trước hết phải xuất phát từ ý thức của mỗi công dân.
Vì thế để công tác phòng cháy chữa cháy thực sự có hiệu quả, rõ ràng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, làm cho nhân dân thấy được nguy cơ, nguyên nhân gây cháy và tác hại do cháy gây ra, để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa và thấy được lợi ích của việc đầu tư cho các hoạt động phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền về trách nhiệm phòng cháy chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân tiến tới hình thành tinh thần hoàn toàn tự giác trong việc phòng cháy chữa cháy của từng cơ sở, từng gia đình theo nguyên tắc mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy phải thực hiện và giải quyết tại chỗ; biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt, việc tốt trong phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy; phê phán và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy.
Cha ông ta cũng đã nói “Phòng hỏa hơn cứu hỏa” hay “Nước xa không cứu được lửa gần”. Thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra.