Chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 13 và 14/10 tại TPHCM với sự tham dự của gần 400 đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học tại các tỉnh, thành phía Nam.
Tại đây các đại biểu được nghe những báo cáo chuyên đề liên quan đến công tác hướng dẫn học sinh NCKH, đánh giá dự án KH, thảo luận chung đồng thời chia theo các nhóm lĩnh vực để lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về các đề tài liên quan.
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh NCKH cho học sinh và Cuộc thi KHKT góp phần tích cực trong việc đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc chương trình tập huấn |
Mỗi thầy cô giáo với vai trò là người định hướng, truyền lửa để lan tỏa niềm đam mê NCKH cho học sinh, để NCKH trong mỗi nhà trường được đẩy mạnh, hiệu quả với những sản phẩm thiết thực. Và đỉnh cao của việc các em học sinh tham gia NCKH chính là cuộc thi KHKT nhằm chọn ra những dự án xuất sắc, những học sinh có khả năng để tham dự Hội thi KHKT quốc tế-Intel ISEF.
Việc tham gia NCKH chính là khuyến khích các em nghiên cứu, sáng tạo, tự học, biết cách vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Điều này góp phần thúc đẩy đổi mới nội dung, chương trình, đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học... Đây cũng chính là những điểm cốt lõi của công văn 4612 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
Các đại biểu đến từ ngành GD&ĐT của các tình, thành phía Nam tham dự tập huấn |
Thứ trưởng hi vọng, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh của mình hiểu được mục đích, ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc NCKH của học sinh.
Coi đây là một giải pháp quan trọng trong thời gian trước mắt góp phần đổi mới chất lượng GD phổ thông, góp phần thực hiện hiệu quả của dạy học liên môn, giáo dục theo phương pháp STEM, tăng cường rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát huy sự sáng tạo của học sinh...
Ngoài ra, các nhà trường cần tiến hành đánh giá kết quả NCKH trong năm học vừa qua để kịp thời biểu dương, khen thưởng học sinh và cán bộ hướng dẫn có những đóng góp tích cực vào hoạt động NCKH. Qua đó cũng rút ra những bài học, kinh nghiệm nhằm đưa ra những kế hoạch cho công tác NCKH của học sinh trong năm học này đạt hiệu quả cao hơn.
Buổi tập huấn diễn ra trong hai ngày 13 và 14/10 |
Các cơ sở GD cũng cần quan tâm đặc biệt đến công tác bồi dưỡng giáo viên, nhất là các giáo viên giỏi để giúp học sinh trong công tác NCKH. Bởi muốn có những học sinh có tư duy khoa học, tham gia NCKH thì các thầy cô giáo phải là những người có khả năng làm KH.
Các trường phải có kế hoạch phân công giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH, vận dụng linh hoạt chế độ làm việc, khuyến khích hỗ trợ về mặt thời gian, có chế độ bồi dưỡng cho các giáo viên tham gia công tác này.
Đồng thời liên kết, liên hệ với các nhà khoa học, các trường ĐH trên địa bàn để có những hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn nhằm giúp cho việc NCKH của học sinh đạt kết quả tốt nhất.