Đổi mới phương pháp dạy học từ hướng dẫn học sinh NCKH kỹ thuật

Đổi mới phương pháp dạy học từ hướng dẫn học sinh NCKH kỹ thuật

(GD&TĐ) - Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học là một trong những giải pháp của đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục lối tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu kỹ năng thực hành ứng dụng vào cuộc sống. Cùng với sự chuyển biến về nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng những năm qua, việc hướng dẫn học sinh NCKH kỹ thuật cũng đã được CBQL và GV các trường trung học quan tâm.

Một cơ hội tốt cho cả người dạy và người học

Tháng 3/2012, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học toàn quốc tại 2 khu vực: Thừa Thiên Huế và Hà Nội. Tại cuộc thi này, đề tài: “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” thuộc lĩnh vực Điện và Cơ khí của nhóm tác giả Trần Bách Trung, Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang, Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam thực hiện đã đạt giải Nhất và đã được Bộ GD&ĐT cử tham dự Hội thi quốc tế Intel ISEF tổ chức tại Pittsburgh, Hoa Kỳ từ ngày 12 - 18/5/2012 với 1549 thí sinh đến từ 68 quốc gia trên thế giới tham dự kỳ thi ở 17 lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Tại Lễ trao giải chính thức của Intel ISEF, đoàn Việt Nam đã được trao giải Nhất trong lĩnh vực Điện và cơ khí. Đây là những HS Việt Nam đầu tiên bước lên bục vinh quang của Intel ISEF, mang niềm tự hào về cho đất nước về NCKH của HS phổ thông trên đấu trường quốc tế.  

Trong buổi tiếp đón Đoàn HS Việt Nam từ Intel ISEF trở về tại sân bay Nội Bài, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu: “Kết quả ở kỳ thi Intel ISEF năm nay là một tin rất vui, thành tích này không chỉ dành riêng cho các em mà còn mở ra một hướng mới về hình thức, phương thức dạy học phối hợp giữa các trường phổ thông với các trường ĐH, CĐ và các viện nghiên cứu; giữa các thầy cô giáo phổ thông với các nhà khoa học. Chúng ta biết rằng, kỳ thi này rất coi trọng đến ý tưởng mới, tính sáng tạo và cách thức làm việc khoa học của các em HS”. 

Từ kết quả đạt được, năm 2013, cuộc thi KHKT học sinh trung học trở thành cuộc thi quốc gia dành cho HS trung học bên cạnh kỳ thi HS giỏi quốc gia các môn văn hóa. Cuộc thi năm 2013 được tổ chức thành công và đã chọn 5 dự án tham dự Intel ISEF 2013 tại Mỹ, được toàn xã hội đánh giá cao, thể hiện rõ khả năng sáng tạo và vận dụng kiến thức về KHKT của HS trung học vào thực tiễn cuộc sống. Hoạt động này đã góp phần thay đổi cách dạy học đơn điệu, nặng về lý thuyết trong các trường trung học. 

Học sinh Việt Nam (bên phải) bước lên bục vinh quang của Intel ISEF
Học sinh Việt Nam (bên phải) bước lên bục vinh quang của Intel ISEF

Vì mới nên khó

Cái mới luôn đi kèm với cái khó. NCKH là một hoạt động mới mẻ đối với HS các trường phổ thông, vì vậy còn nhiều lúng túng trong khâu tổ chức và triển khai thực hiện.

Theo TS Bùi Đức Thọ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ NCKH là khá cao ở các em HS trung học. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện các hoạt động nghiên cứu là chưa tốt, thậm chí là gần như không có ở các trường THPT.

Vì vậy, cơ hội để các em HS được tham gia thực hiện các hoạt động NCKH là không nhiều. Kết quả khảo sát HS trung học cho thấy các em chưa được trang bị về PP nghiên cứu, chưa được học và thực hành về NCKH. Cùng với những khó khăn về vật chất, các em mới chỉ dừng lại ở ý thích NCKH mà chưa thể vươn xa hơn được.

Xung quanh đánh giá của Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường về việc hoạt động NCKH của HS tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, đa số CBQL, GV cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với công tác hướng dẫn HS NCKH là thiếu kinh phí hoạt động.  PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nêu lên một thực tế phổ biến: “Các trường trung học hiện nay đã được trang bị một số thiết bị, dụng cụ thí nghiệm nhưng chủ yếu phục vụ cho các thí nghiệm chứng minh của từng môn học cụ thể.

Trong khi đó, triển khai một ý tưởng khoa học đòi hỏi tính chất liên môn, trang thiết bị cho khảo sát, nghiên cứu cũng phức tạp hơn nhiều, mặc dù thực hiện cuối cùng có thể rất đơn giản. Việc này ở trường trung học còn khó khăn”. 

Một trong những nguyên nhân khác của hạn chế về lượng và chất trong sản phẩm NCKH của SV là còn thiếu đội ngũ GV có kinh nghiệm, thiếu phương pháp hướng dẫn HS. Một số bộ phận GV vẫn còn ngại khó và sợ thêm việc vì vậy thiếu sự nhiệt tình.

Tại địa phương không có trường đại học nên thiếu đội ngũ các nhà khoa học, điều kiện để HS tìm tòi nghiên cứu như phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu… nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và chất lượng các đề tài.

Sự gắn kết giữa các trường trung học với các trường ĐH, CĐ nhìn chung còn rất lỏng lẻo nếu không nói là các trường ĐH không mấy “mặn mà” trong tạo điều kiện cho HS trung học tới các phòng thực hành, thí nghiệm NCKH. Khả năng trình bày bằng Tiếng Anh của HS còn quá hạn chế vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tại Hội thi cấp Quốc gia.

Thổi bùng lên ngọn lửa đam mê

Có thể coi NCKH của HS là một loại hình lao động đặc biệt, là một sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, là cơ hội để HS thực hành NCKH trong độ tuổi và cấp học phổ thông, đồng thời thúc đẩy việc đổi mới PP dạy học trong trường phổ thông, đào tạo những HS có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Qua nắm bắt ý kiến từ cơ sở thì sự say mê, sáng tạo, nhiệt tình, hứng thú của thầy và trò có ý nghĩa quyết định. Học sinh phải có khát khao hiểu biết, thầy giáo phải là người biết truyền lửa đam mê tìm tòi và nghiên cứu cho các em; đồng thời cũng giúp các em duy trì được niềm đam mê đó ngay cả khi gặp khó khăn, trở ngại. Khi nói về bí quyết thành công của mình với đề tài “Hệ thống trồng rau, nuôi cá tự động tại gia đình”, đề tài đạt giải tư vòng chung kết Intel ISEF 2013, em Nguyễn Phương Duy, HS Trường THPT  chuyên TP Hồ Chí Minh đã sôi nổi bộc lộ: “Theo đuổi tới cùng công việc mà mình yêu thích. Hãy luôn tự tạo khó khăn cho bản thân và tự vượt qua nó”.

Ở cương vị trực tiếp triển khai hoạt động NCKH trong HS, cô Lê Kim Oanh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cần phải thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu, hội thảo có sự tham gia của học sinh với các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới nhằm khơi nguồn ngọn lửa đam mê khoa học – kĩ thuật, giúp HS sống có khát vọng vươn tới những giá trị đích thực trong cuộc sống.

Qua kết quả hướng dẫn HS NCKH của các trường như THPT chuyên TP Hồ Chí Minh,  THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho thấy các GV hướng dẫn đều đi từ những vấn đề rất gần gũi với các em, diễn ra trong đời sống hàng ngày, có kinh nghiệm, phương pháp chuyển tải có tính định hướng.

Việc phát huy vai trò của các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu trong công tác bồi dưỡng năng lực NCKH, quản lý NCKH cho GV, CBQL ở các trường phổ thông, đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về CSVC phục vụ NCKH, chia sẻ, bảo trợ cho các đề tài nghiên cứu của HS…là rất quan trọng.

Theo PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thì hiện Bộ đang có xu hướng huy động giảng viên, nhà nghiên cứu từ ĐH, Viện nghiên cứu giúp đỡ các em. Bộ cũng sẽ nghiên cứu một số cơ chế, chính sách phù hợp, như HS đạt giải sẽ được cộng điểm thi ĐH, được tham gia đề án đào tạo nhân tài ở nước ngoài.

Giảng viên hướng dẫn HS sẽ được khen thưởng, ưu tiên về đề tài khoa học. Trường có HS đoạt giải sẽ được thưởng xứng đáng. Đồng thời, Bộ cũng sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ, giúp đỡ thêm về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở HS, nhằm bồi dưỡng một thế hệ nhân tài mới cho đất nước. 

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.