Tập trung bồi dưỡng
Nhận thức tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng giáo viên dịp hè, nhiều địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả. Việc lựa chọn nội dung, chuyên đề bồi dưỡng gắn với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phù hợp với đặc thù của từng môn học, cấp học, theo tinh thần triển khai nội dung của các chương trình, dự án với mong muốn các lớp bồi dưỡng này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực khi giáo viên trở lại thực hiện nhiệm vụ dạy học cho năm học mới.
Theo bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: “Một trong những yêu cầu quan trọng của kế hoạch công tác hè năm 2017 của thành phố là tổ chức, tạo điều kiện cho công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ… Chúng tôi ưu tiên đầu tư nguồn lực về con người.
Các cơ sở phối hợp với các Viện, Trường có uy tín tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong năm học 2016 - 2017, thành phố đã tổ chức 37 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với hơn 4.300 giáo viên và cán bộ quản lý tham gia học tập”.
TS Lương Thanh Tân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết: Trong thời gian qua, nhà trường đã được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ triển khai công tác bồi dưỡng góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng một số tỉnh của vùng Đông Nam bộ.
Công tác bồi dưỡng với các nội dung như: Bồi dưỡng nâng cao trình độ theo hướng chuẩn hóa; Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đang giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ; Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ Quản lý giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục; Bồi dưỡng các chuyên đề nâng cao năng lực cho giáo viên các bậc học... mà nhà trường sẽ thực hiện, phát huy hiệu quả tối đa trong dịp hè 2017 và thời gian tiếp theo.
Thiết thực, hiệu quả
Hằng năm, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn hè cho giáo viên được các Sở GD&ĐT quan tâm đặc biệt, có sự chuẩn bị chu đáo từ năm học cũ. Các chủ đề, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cũng rất thiết thực, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu người học, người dạy trong bối cảnh hiện tại với lộ trình giám sát chặt chẽ về: Kế hoạch, nội dung và đối tượng được bồi dưỡng; Kiểm tra, đánh giá trong và sau bồi dưỡng;
Chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tham gia công tác bồi dưỡng; Việc lồng ghép, cập nhật kiến thức mới vào nội dung bồi dưỡng và việc ứng dụng vào công việc thực tế sau khi bồi dưỡng; Vai trò của các trường ĐH, CĐ trong việc tham gia bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên… Cách thức tập huấn, bồi dưỡng luôn có sự đổi mới, cải tiến và dành thời gian rộng rãi để thầy cô giáo trao đổi, thảo luận, phát biểu những vấn đề có liên quan đến nội dung được học.
Bà Trần Hồng Thắm cho biết thêm về công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở TP Cần Thơ trong dịp hè năm 2017 như sau: Các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc phối hợp Ban Tuyên giáo, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện tổ chức triển khai học tập, bồi dưỡng chính trị hè cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy; có kế hoạch nắm bắt tình hình tư tưởng về chính trị của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phản ánh kịp thời cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền những diễn biến phức tạp về an ninh, tư tưởng chính trị trong đội ngũ. Ngoài các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT triệu tập, các phòng chức năng của Sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tập trung trong các tháng 6, 7, 8 năm 2017...
Nhiều Sở GD&ĐT đưa ra một số hình thức bồi dưỡng như: Giáo viên tự bồi dưỡng bằng việc tự học kết hợp với sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ chuyên môn của trường hoặc liên trường, cụm trường. Đối với hình thức bồi dưỡng thường xuyên tập trung, giáo viên được hướng dẫn, thảo luận, trao đổi, giải đáp thắc mắc, có làm bài kiểm tra. Ngoài ra, giáo viên còn được bồi dưỡng thường xuyên theo hình thức website, diễn dàn.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, không phải bất kỳ giáo viên nào cũng có điều kiện tiếp cận dễ dàng các phương tiện dạy học hiện đại, hoặc tham gia các lớp học nâng cao trình độ trong thời gian đi dạy. Vì vậy, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn trong dịp hè là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên, qua đó giúp cho thầy, cô giáo kịp thời tiếp cận, làm quen cái mới, cái sắp thay đổi, cải tiến, đồng thời củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết về những phần kiến thức, kỹ năng sư phạm còn thiếu, còn hạn chế.
Giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng nội dung, vấn đề gì hữu ích, cần thiết nhất đối với giáo dục hiện nay, tránh tổ chức dàn trải với quá nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng gây mỏi mệt, thiếu tập trung, ít hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ bồi dưỡng giáo viên theo kiểu truyền thống nghe - nhìn thì chưa đủ mà phải bồi dưỡng, giúp giáo viên làm chủ công nghệ thông tin, biết ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi tiết dạy của mình.
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ thầy cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa vì hoàn cảnh đi lại khó khăn, chỉ có dịp nghỉ hè mới có điều kiện được học tập, giao lưu, bồi dưỡng kiến thức... Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng là dịp để cán bộ, giáo viên được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy hiệu quả. Từ đó, áp dụng vào thực tiễn ở đơn vị, nâng cao chất lượng dạy và học.
Để công tác tập huấn triển khai hiệu quả, các Sở GD&ĐT đã chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán ở các bậc học, cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức để tiếp thu, cập nhật kiến thức mới. Trên cơ sở đó, về lại địa phương, các cán bộ quản lý, giáo viên này trở thành lực lượng nòng cốt, là báo cáo viên tại các lớp tập huấn của Sở triển khai đến cán bộ quản lý, giáo viên các huyện, thành phố…