Gia tăng hiện tượng béo phì
Theo con số thống kê gần nhất trong Ngày thế giới chống béo phì (11/10/ 2017), trẻ em và thanh thiếu niên béo phì trên thế giới đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm qua và đang là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên toàn cầu. Cảnh báo này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Hoàng gia London công bố trên tạp chí y khoa The Lancet trong nghiên cứu mới nhất của mình.
Tại Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn tỷ lệ béo phì của trẻ cũng đang ở mức độ báo động. Được biết tại TPHCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi trong hơn 10 năm qua đã tăng gấp khoảng 3 lần từ 3,7% lên 11,5%. Với trẻ trong độ tuổi đến trường cũng tăng gấp đôi, từ 11,6% lên 21,9%.
Trẻ mắc bệnh béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành. Theo tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam thì tại một số thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Rõ ràng tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
Hậu quả của trẻ em thừa cân béo phì không chỉ bị ảnh hưởng về ngoại hình mà còn tiềm ẩn các nguy cơ với những bệnh về hô hấp, tim mạch hay đái tháo đường. Trẻ sẽ nặng nề, không nhanh nhẹn trong các hoạt động vui chơi cũng như học tập. Vì vậy để ngăn chặn sự gia tăng về vấn đề thừa cân ở trẻ, chúng ta cần phải xây dựng thực đơn hợp lý, khoa học cho các em.
Đời sống phát triển, có một thực tế là nhiều ông bà mẹ ở thành phố thường chỉ chăm chăm vào việc bồi bổ cho con cái những thức ăn bổ dưỡng.
Tuy nhiên do thiếu hiểu biết, họ chủ yếu cho trẻ ăn những thức ăn giúp trẻ phát triển về cân nặng mà ít để tâm tới chế độ dinh dưỡng về chiều cao. Ngày nhỏ nhìn những đứa trẻ bụ bẫm hồng hào thường rất đáng yêu, song nếu các bà mẹ không có chế độ ăn uống hàng ngày hợp lý, mà gia tăng quá nhiều chất bột đường và các chất dinh dưỡng khác sẽ khiến trẻ tăng nhanh về cân nặng. Khi không kiểm soát được số cân sẽ dẫn tới hậu quả trẻ mắc bệnh béo phì.
Cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể chất
Nếu như những năm trước đây, số trẻ suy dinh dưỡng là mối lo ngại chung của xã hội, thì gần đây các gia đình có điều kiện tại các tỉnh thành lại quá chú trọng tới khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Khi ăn uống thừa chất cộng thêm việc ít hoạt động khiến cho nguy cơ tăng cân ngoài ý muốn xảy đến với trẻ.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mạnh Hải, công tác tại Công ty Dược phẩm Winpharma (Hà Nội) chỉ ra rằng: Tại Việt Nam những năm gần đây tỷ lệ trẻ mắc bệnh béo phì gia tăng nhanh. Nguyên nhân chính của bệnh này là do tình trạng mất cân bằng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo mà trẻ sử dụng hàng ngày.
Cuộc sống hiện đại với sự góp mặt của các thực phẩm quá giàu năng lượng như các đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, bánh ngọt… mà trẻ yêu thích chính là những tác nhân gây nên chứng bệnh béo phì. Song song với đó, nhiều trẻ ở thành phố lại lười vận động, thường xuyên tiếp xúc với các trò chơi công nghệ điện tử khiến cơ thể ít tiêu hao năng lượng. Lâu ngày sự tích tụ những năng lượng thừa lớn dần sinh ra chứng béo phì.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hải cũng nhấn mạnh: Gia đình và nhà trường phải cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và các vi chất quan trọng như vi tamin A, D, sắt… trong các bữa ăn của trẻ. Và điều quan trọng không kém đó là tăng cường hoạt động thể lực, cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất trong thời gian ở nhà và đến trường. Khi được vui chơi trong những hoạt động của cộng đồng, trẻ sẽ giảm thiểu thời gian tĩnh, lượng ca lo thu nạp được chuyển hóa hợp lý. Nhờ vậy trẻ sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.