Chúng ta sẽ làm thế nào để có một giờ học hiệu quả với những bài lịch sử địa phương. Làm thế nào để đem đến cho học sinh những giờ học lôi cuốn và hấp dẫn? Xin được đưa ra một vài biện pháp đã áp dụng hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giờ lịch sử địa phương tại lớp học của tôi với các đồng nghiệp.
1. Tìm hiểu và bồi dưỡng vốn kiến thức của giáo viên trước khi dạy học sinh
Môn Lịch sử không phải là môn Văn nhưng dạy lịch sử cần “độ ngấm” giống như dạy văn. Giọng nói lôi cuốn và sự hiểu biết của người giáo viên khi truyền đạt kiến thức cho học sinh là điều không thể thiếu với bất kỳ tiết sử nào. Chính sự say sưa lôi cuốn của giáo viên sẽ truyền cho học sinh cảm hứng để tiếp thu bài học. Giáo viên muốn làm được điều đó cần hiểu lịch sử thật kỹ, thật chính xác. Ngay đến cả cảm xúc cũng phải xuất phát từ nội tâm người dạy.
Không hiểu rõ sự kiện hay đối tượng lịch sử mình đang dạy sẽ khiến cho giáo viên bị hạn chế khi truyền cảm hứng cho các em. Muốn như thế, giáo viên cần phải đọc, cần phải xem, cần phải tìm tòi về thứ mình muốn dạy học sinh. Học mười dạy một chính là như thế. Muốn dạy về truyền thống cách mạng của một địa phương, người dạy cần hiểu lịch sử đấu tranh của cả dân tộc, đặt địa phương vào phạm vi dân tộc để hiểu cái chung.
Giáo viên cần tìm hiểu quá trình hình thành địa phương để thấy được bản sắc văn hóa và những giá trị của địa phương mình dạy để đánh giá những sự kiện sẽ dạy cho học sinh dưới góc độ người nghiên cứu. Có ngấm, có hiểu sâu, giáo viên mới có thể truyền cho học sinh cảm hứng và sự yêu thích với môn học, mới có thể đưa đến cho các em những kiến thức chính xác và đúng mực khách quan.
2. Tìm hiểu lịch sử qua những hiện vật và những con người có thật tại địa phương
Lịch sử địa phương có phạm vi hẹp hơn so với lịch sử chung của đất nước, vì thế lượng thông tin các em có thể tìm được hạn chế hơn nhiều, khá khó khăn với việc tự tìm tòi. Giáo viên khi dạy lịch sử địa phương cần phải biết sử dụng những hiện vật trực quan và những nhân chứng có thực của địa phương. Ngôi đình làng là nơi gắn với những hoạt động có tính lịch sử. Di tích còn lại ở làng xóm hay địa phương sẽ gắn với những câu chuyện hay sự kiện lịch sử. Những bác thương binh hay những cụ già trong làng là người trực tiếp chứng kiến sự kiện lịch sử.
Hãy đưa học sinh đến nơi đã từng diễn ra sự kiện lịch sử ấy, hãy giúp các em gặp lại những nhân chứng sống ấy, chính cảm xúc khi chứng kiến hoặc lắng nghe những sự vật có thật, những con người có thật sẽ giúp học sinh có thêm những cảm xúc đặc biệt và cảm nhận sâu sắc hơn về những gì đã diễn ra.
3. Trò chơi “Ai biết nhiều nhất”
Để dạy được những bài lịch sử địa phương hào hứng giáo viên nên biết cách tạo ra cuộc thi nhỏ. Trước khi tiến hành bài dạy của mình hãy đưa ra tập hợp các câu hỏi và có thể yêu cầu học sinh tự tìm hiểu. Những câu hỏi đó sẽ định hướng việc tìm tòi của học sinh.Hãy gợi mở cho học sinh cách tiếp cận thông tin. Một hệ thống câu hỏi giáo viên thiết kế để học sinh bốc thăm trả lời tại di tích lịch sử hoặc trên trò chơi “chọn hộp quà” hay trò chơi “vượt chướng ngại vật” trên lớp học giờ sử là một cách tạo hứng thú và kích thích học trò tìm tòi. Đừng ngần ngại trao những món quà nho nhỏ để xác lập thành tích của các em. Nó sẽ khiến những em còn lại có động lực tìm hiểu.
4. Gắn giờ dạy lịch sử với hoạt động chăm sóc bảo vệ di tích lịch sử của địa phương
Một tiết học ngoài trời với những hoạt động chăm sóc hay bảo vệ, dọn dẹp hay quét dọn xung quanh di tích cùng cô giáo là hoạt động ý nghĩa, hữu ích. Giá trị mang lại chính là sự gắn kết chung tay giữa trò với trò, giữa cô với trò để cùng làm đẹp quê hương. Thành quả các em nhìn thấy cùng với bài giảng của giáo viên sẽ ngấm sâu trong tâm trí các em. Nó chính là động lực giúp các em vun đắp tình yêu quê hương. Củng cố kiến thức trong những bài sử khô khan vào trong tâm khảm của các em một cách tự nhiên và sâu sắc.
Lịch sử mãi mãi là môn học khiến bạn phải chật vật và xoay xở để nạp mớ kiến thức của nó vào đầu bạn. Chỉ đến khi nào bạn hiểu rằng, học lịch sử không phải học những con số, không phải là học những chiến dịch hay thắng lợi, học lịch sử là học cách yêu quê hương đất nước, yêu thế giới xung quanh chúng ta. Biết về quá khứ là để làm đẹp thêm hiện tại và hiểu về lịch sử là để biết cách sống sao cho xứng đáng với những gì mà những người trong quá khứ đã hi sinh. Chỉ khi đó, bạn mới học nó một cách tự nhiên giống như việc bạn học yêu thương cuộc sống.
Hãy dạy học sinh của bạn lịch sử địa phương bằng chính tình yêu quê hương đất nước của mình.