Rèn luyện cách ứng xử
Từ điển định nghĩa: “Tài năng khéo léo”. Ta hiểu theo nghĩa bình thường: Đó là khả năng ứng xử của con người trước cuộc sống luôn thay đổi. Có người còn gọi là “Kỹ năng mềm”. Dĩ nhiên là đối lập với bản lĩnh cực đoan, bảo thủ, khó thay đổi. Điều này mang tính phổ quát. Bởi lẽ, hiện thực không ngừng biến đổi. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Từ xa xưa, tiền nhân đã nói thế.
Khá lâu rồi, giáo dục chúng ta hơi nặng về dạy chữ, mà chưa chú trọng đúng mức dạy đạo đức, dạy “Kỹ năng sống” cho học sinh, mặc dù trường nào cũng trương khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cải cách giáo dục “Toàn diện và triệt để” lần này, Bộ GD&ĐT chủ trương: Đổi mới cách dạy từ “Truyền thụ kiến thức” sang “Phát huy năng lực của người học”. Về bản chất là rèn luyện cho học sinh nhiều cách ứng xử khác nhau, trước một vấn đề mà sách vở đặt ra, để khi vào đời, các em chủ động giải những bài toán khác nhau của cuộc sống. Kiến thức nào học sinh tự tìm được, thầy không làm thay. Cái gì trò nói được, viết được, thầy không làm hộ. Nói vậy không có nghĩa là giáo dục ta từ trước đây không có thành tựu. Các vị giáo sư đầu ngành hiện nay, đều được đào tạo theo phương pháp cũ, giáo trình cũ…sao họ giỏi thế. Vấn đề là không có phương pháp nào độc tôn. Phải biết kết hợp hài hòa các phương pháp, trên cở sở một đối tượng cụ thể.
Để học sinh phát huy năng lực
Một vấn đề được nhiều người quan tâm: Vì sao học sinh ta khi học, thi, không kém bạn bầu quốc tế, mà ra công tác, lại kém họ, nhất là khả năng làm việc theo nhóm. Người Nhật nói: Bình thường Nhật/Việt như nhau. Nhưng làm việc theo nhóm thì một Nhật/ ba Việt. Thậm chí nhiều hơn. Một số doanh nghiệp tuyển nhân viên xong, phải đưa đi đào tạo lại. Vì ta “học” chưa gắn với “hành”, nhà trường xa rời cuộc sống. Tiêu điểm của đổi mới giáo dục lần này là phải dạy cho học sinh biết phát huy tối đa năng lực cá nhân, có khả năng thích ứng với những biến đổi của cuộc sống. Cao hơn là khả năng làm chủ công nghệ của thời đại 4.0.
“Kỹ năng sống” là phải dạy cho học sinh biết tư duy độc lập, sáng tạo, đặc biệt là tư duy phản biện. Trong những hoàn cảnh cụ thể, người học còn biết “Nghi ngờ” điều này, điều nọ, trong sách vở và cả trong cuộc sống. Có lần khi được con gái hỏi: Trong tư duy, ba thích nhất điều gì? Mác trả lời: Nghi ngờ tất cả!
Tôn trọng suy nghĩ riêng
Cần tôn trọng những học sinh có suy nghĩ riêng, dám “cãi” thầy, “cãi” sách, ở một số vấn đề mà họ thấy đúng, có lý, qua trực quan sinh động và tư duy trừu tượng, nhất là trong lĩnh vực văn chương. Nhân vật Tấm (Tấm Cám) bao đời nay ta vẫn dạy cho học trò “Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền”. Tấm là “nhân vật chức năng” hiền. Nghĩa là Tấm làm phận sự “hiền” từ đầu đến cuối truyện. Lí thuyết về “nhân vật chức năng” trong truyện cổ tích, có từ thời Liên Xô (cũ), ảnh hưởng sâu sắc đến ta, là bảo bối của các giáo trình, các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ, khi nghiên cứu về truyện cổ tích.
Giờ ta mới ngộ ra rằng: Dân gian sáng tạo một truyện cổ tích thường gửi gắm ít nhất một, vài triết lý. Tấm Cám ít nhất có 2 triết lý: “Tích thiện phùng thiện” & “Ác giả ác báo”. Trong khi ta chỉ dạy cho học trò triết lý “Tích thiện phùng thiện” qua nhân vật chính. Đến lúc Tấm phản kháng thì phải nói đến “Ác giả, ác báo”. Bí rồi đây! Sách giáo khoa bèn cắt đoạn sau. Nhưng học sinh vẫn biết rõ cả truyện, qua lời kể của ông bà. Bằng chứng là khi dạy bài này, giáo viên hỏi: “Tấm Cám” có mấy cách kết thúc? Các em nói ngay cách như người lớn đã kể.
Xuất phát từ thực tế, một học sinh viết: Không phải! Tấm có hiền, có ác, thậm chí, lúc cần còn ác hơn Cám, (qua hành động dội nước sôi cho Cám chết, rồi làm mắm gửi cho mẹ kế ăn). Nếu như Tấm không phản kháng để tự cứu mình, thì cô còn bị truy sát đến bao giờ. Suy nghĩ này chắc chắn có ảnh hưởng của không khí thời đại, mà dân tộc ta đã đi qua các cuộc chiến tranh vệ quốc. Có được học sinh nêu ý kiến khác thầy, khác sách như thế là quý lắm. Tiếc rằng cô giáo lại phê: Em hiểu sai vấn đề và cho điểm thấp (lý do là cô dạy Tấm hiền. Học sinh lại nói Tấm ác).
Dạy cách tư duy sáng tạo, phát huy nội lực của học trò, rèn luyện “Kỹ năng sống”, “Kỹ năng mềm” để thích ứng với mọi hoàn cảnh…là tiêu điểm của cải cách giáo dục hiện đại. Một số sinh viên, chưa tìm được việc làm, vì họ đang thiếu những điều cần thiết nêu trên. Cần nhận thức rằng: Tốt nghiệp đại học là bước vào lớp một của trường đời.