Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng

Chia sẻ của một số giáo viên ở các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý về việc tổ chức dạy học trực tuyến và tâm trạng của họ.

Chúng tôi không gặp khó khăn gì (Anna Belyakina, giáo viên Toán tại Graf-Stauffenberg- Gymnasium Flörsheim am Main, Đức)

Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng ảnh 1

Tôi đối phó rất tốt với việc chuyển sang học trực tuyến, cả học sinh đều không gặp khó khăn gì. Vấn đề ở chỗ, tôi đã làm việc này khá lâu rồi. Tôi sử dụng cả hộp thư điện tử, WhatsApp và các phương tiện liên lạc đơn giản nhất để kết nối với học sinh. Tôi quay rất nhiều video trên YouTube để học sinh có thể học bất cứ lúc nào. 

Ngoài ra, tôi có hai chương trình trợ giúp. Thứ nhất là ứng dụng Anton. Tại đây tôi có thể giao bài tập cho học sinh, xem các em dành bao nhiêu giờ làm bài tập, bài nào làm được, bài nào không, có chăm học không.  Mọi việc rất thuận tiện. Chương trình thứ hai là GeoGebra giúp học môn Toán trực quan rõ ràng, đầy màu sắc và đẹp. Ở đây có bộ công cụ để bạn có thể tìm hiểu các định luật toán học. Với sự trợ giúp của nó, học sinh vẽ minh họa các định luật này. Điều này rất hữu ích cho bất cứ ai gặp khó khăn về môn Toán.

Trong trường hợp một số học sinh chưa hoàn toàn nắm vững một số chủ đề, tôi đã quay video tiết học và gửi cho các em để giảng thêm một lần nữa. Thậm chí nếu chỉ một học sinh không hiểu, tôi vẫn làm một video như vậy cho riêng học sinh ấy.

Cuộc đấu tranh thực sự giữa giáo viên tiến bộ và lạc hậu (Pierpaolo Bettoni, Chuyên viên về phương pháp và điều phối viên của Hiệp hội Giáo viên Ý)

Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng ảnh 2

Hiện nay, tất cả các trường phổ thông ở Ý đã chuyển sang học từ xa và chúng tôi cố gắng để quá trình chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ nhất. Thực ra, hệ thống trường phổ thông từ lâu đã yêu cầu tất cả các tài liệu dạy học phải ở cả dạng giấy và số. Do đó, vấn đề chính nằm ở khâu tổ chức dạy học.

Khó khăn nảy sinh, trước tiên, ở trường tiểu học, nơi học sinh còn nhỏ: Chương trình dạy học không hoàn toàn giống như sách giáo khoa. Ở đây, không thể tổ chức các tiết học theo hình thức trực tuyến, vì các em đã quen học trong các nhóm nhỏ. Hơn nữa, đối với học sinh tiểu học, việc nhìn thấy giáo viên, trò chuyện trực tiếp rất quan trọng. Trong một số trường hợp, phải kết hợp với bố mẹ học sinh, nhưng họ không phải lúc nào cũng có thời gian.

Tuy nhiên, với học sinh lớn tuổi hơn và thanh thiếu niên thì học trực tuyến rất thú vị, bởi vì nhiều em còn thành thạo kỹ thuật số hơn cả giáo viên.

Một số người lớn vẫn có thái độ kỳ quặc với công nghệ, mặc dù tôi không gắn điều này với tuổi tác. Ngoài ra, có những giáo viên đơn giản là không có wifi ở nhà. Giữa các giáo viên tiến bộ và lạc hậu có một cuộc đấu tranh thực sự.

Khó khăn nhất là học sinh trung học phổ thông và tiểu học (giáo viên tiếng Pháp và Văn học, Pháp)

Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng ảnh 3

Ở Pháp, hiện có 12,5 triệu học sinh sống cách ly. Đối với nước Pháp đây là điều hết sức bất thường: Các trường phổ thông của chúng tôi chưa bao giờ bị đóng cửa, ngay cả trong chiến tranh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp tuyên bố rằng, từ ngày 16/3, tất cả học sinh chuyển sang học trực tuyến. Việc chuyển sang học trực tuyến đối với chúng tôi không có gì xa lạ. Chúng tôi đã có các hệ thống dạy học kỹ thuật số OpenDigitalEducation và EcoleDirecte, ngoài ra, còn có nền tảng học trực tuyến của Trung tâm Giáo dục từ xa quốc gia (CNED), trong đó chúng tôi có thể giao bài tập, kiểm tra bài tập về nhà và liên lạc với học sinh. Chương trình này đã hoạt động trong trường của chúng tôi khoảng ba năm nay.

Hiện nay, chúng tôi thực sự học từ xa: Tôi giao bài tập, yêu cầu các em đọc nhiều hơn (đối với môn Văn điều này rất quan trọng) và xem xét lại kế hoạch dạy học, sửa chữa các bài học. Tôi kiểm tra bài tập về nhà và ra các bài tập tương tác. Công việc ngày càng nhiều.

Khó khăn nhất là học sinh trung học phổ thông (các em có kỳ thi vào tháng 6) và học sinh tiểu học phải học cùng bố mẹ. Tôi không nghĩ tất cả các học sinh tiểu học có thể ngồi trước máy tính và nghe giảng bài.

“Chúng tôi rất lo lắng” (Anna Krasnnikova, giáo viên dạy tiếng Nga tại Đại học Công giáo Milan, Ý)

Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng ảnh 4

Tại các trường đại học ở Ý, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, có lẽ vì đây là những cơ sở giáo dục đầu tiên bị cách ly. Hơn nữa, các nền tảng trực tuyến với tất cả hoặc gần như tất cả các công cụ cần thiết đã có sẵn. Các trường đại học ở Lombardia tuyên bố đóng cửa vào ngày 22 - 23/2. Tất cả các môn học nhanh chóng được chuyển sang học trực tuyến, chúng tôi được hướng dẫn phải làm như thế nào. Nhà trường đã gửi tới các mẫu báo cáo. Chúng tôi phải trả lời đã quay bao nhiêu bài giảng video, đã cung cấp cho sinh viên bao nhiêu tài liệu, giao tiếp với các em như thế nào.

Thời khóa biểu vẫn như cũ, bởi vì nó đã được lập trước. Nhưng tôi biết rằng trong một số trường hợp, nó phải thay đổi, bởi vì hoàn cảnh của các sinh viên khác nhau, không phải ở đâu Internet cũng tốt.

Gần hai tuần nay, ở khắp nước Ý, không ai dám ra đường, ngoại trừ đến cửa hàng và hiệu thuốc. Tất cả chúng tôi đều có bạn bè và người quen đang nằm viện khiến chúng tôi rất lo lắng. Nhiều người có người thân cao tuổi đã chết. Và không ai ở Ý nghĩ rằng, đại dịch sẽ nhanh chóng kết thúc.

Nhưng đồng thời, theo quan sát của tôi, hầu hết mọi người đều cố gắng giữ bình tĩnh, không phàn nàn và đặc biệt không nói gì về cảm xúc của mình.

Bạn luôn có đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ (Rachel Evans, Hiệu trưởng Trường Novaschool, Tây Ban Nha)

Dạy học trực tuyến trong đại dịch: Những điều giáo viên lo lắng ảnh 5

May mắn thay, Trường Novaschool chúng tôi có một nền tảng dạy học kỹ thuật số được gọi là myAgora +, do nhà trường thiết kế. Giáo viên sử dụng nó hàng ngày trong lớp học để điều hành hoạt động của lớp, giao bài tập về nhà. Chúng tôi cũng có một thư viện đa phương tiện, nơi giáo viên quay video các tiết giảng của mình để học sinh có thể xem ở nhà và củng cố kiến thức đã học. Ngoài ra, trường chúng tôi được Microsoft cấp phép, vì vậy tất cả học sinh và phụ huynh của chúng tôi đều có quyền truy cập vào các ứng dụng của hãng.

Sau ngày học trực tuyến đầu tiên, tôi nhận được rất nhiều thư của phụ huynh cảm ơn giáo viên. Chúng tôi thành lập các nhóm hỗ trợ trên WhatsApp để giáo viên có thể trao đổi kinh nghiệm của mình. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy nản lòng, vì vậy điều quan trọng là luôn có một đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ.

Về phía học sinh, các em cũng có nhiều cố gắng, mặc dù đây là giai đoạn khó khăn, nhưng các em đã tỏ ra kiên nhẫn và có thái độ đặc biệt đối với sự thay đổi.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ