Cần được thừa nhận chính thống
- Dạy học trực tuyến là xu thế không thể đảo ngược hay từ chối tham gia trong tiến trình phát triển xã hội hiện nay. Theo ông, chúng ta còn thiếu gì để hình thức dạy học này có chỗ đứng thực sự trong các nhà trường?
- Dạy học trực tuyến có nguyên tắc sư phạm, yêu cầu chuyển đổi số cho các hoạt động và thành tố của quá trình dạy học, cùng nhiều yêu cầu mang tính công nghệ, hạ tầng khác. Tuy nhiên, tôi muốn nói đến điều kiện “cần” đầu tiên chính là văn bản pháp lý thừa nhận chính thống hình thức dạy học này.
Văn bản pháp quy quy định về dạy học trực tuyến có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số nói chung và yêu cầu của giáo dục nói riêng hiện nay. Cụ thể, sẽ giúp thống nhất cách hiểu, tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến, quản lý quá trình dạy học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục phổ thông và điều kiện hỗ trợ để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông. Tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tham gia có định hướng thực hiện hiệu quả dạy học trực tuyến tích hợp trong nhà trường. Tạo tiền đề pháp lý để thu hút, kết nối với các lực lượng xã hội khác cùng tham gia đóng góp, phát triển dạy học trực tuyến.
Bởi vậy, trong bối cảnh này, việc Bộ GD&ĐT xây dựng quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tế. Tôi đánh giá đây là phản ứng chủ động, nhanh và khoa học của Bộ GD&ĐT.
- Lần đầu tiên chúng ta triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước để dù tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Phải chăng đây là khởi đầu tốt để hình thức dạy học mới này được chính thức công nhận?
- Đúng vậy, giờ dạy trực tuyến đã góp công lớn giúp chúng ta bảo đảm được chất lượng giáo dục, hoàn thành chương trình dù phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng cũng phải nói rằng, hiện vẫn có nhầm lẫn và đánh đồng đáng tiếc, cho rằng các giờ dạy trực tuyến đang triển khai chính là dạy học trực tuyến. Do đó, rất cần đưa ra một hệ thống các khái niệm cơ bản để hỗ trợ quá trình thực hiện đúng, hiệu quả cho cơ sở giáo dục.
Một trong những tiêu chí khu biệt cơ bản của dạy học trực tuyến là dạy học không có sự tiếp xúc, giao tiếp vật lý trực tiếp giữa các chủ thể tham gia. Mô hình dạy học trực tuyến cho dù được vận hành theo nguyên tắc nào (khóa học chính thức, bổ trợ, đại trà trực tuyến…) vẫn phải bảo đảm yếu tố cấu trúc bao gồm: Hệ thống quản lý và phân phối (nền tảng quản lý học tập, phân phối nội dung…), hệ thống kết nối vật lý (kết nối
Internet, lưu trữ đám mây, kết nối thiết bị...) và hệ thống thiết bị hỗ trợ (các thiết bị kết nối ngoại vi, cầm tay di động…). Toàn bộ hệ thống cấu trúc phải được vận hành theo những nguyên tắc sư phạm trong quá trình dạy học (đối tượng, mục tiêu, phương pháp…).
- Như vậy có thể hiểu chúng ta chưa thực sự triển khai dạy học trực tuyến?
- Trước hết phải nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, dạy học nhận được sự hưởng ứng rất cao của giáo viên, học sinh, phụ huynh và các chủ thể khác trong xã hội, tạo sự kết nối mạnh mẽ chưa từng thấy trong giáo dục, dạy học. Cùng với đó là sự chia sẻ xã hội, tài nguyên học tập; cởi bỏ sự đóng khung khép kín trong lĩnh vực giáo dục, dạy học giữa các đơn vị, cấp, công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục… Từ đó, tạo nền móng khi chuyển đổi số mạnh trong giáo dục.
Tuy nhiên, chúng ta chưa chuyển đổi kịp sang những nguyên tắc dạy học số, chuyển đổi số mà mới chỉ dừng ở cấp độ áp dụng công nghệ trong một số công đoạn của dạy học (chưa đồng bộ, hệ thống theo nguyên tắc sư phạm số). Đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn kĩ năng sử dụng công nghệ bài bản; còn về phía học sinh thì mặc định các em đã có các kĩ năng của “người học số”. Chưa xây dựng được những mô hình chuyển đổi số phù hợp, kịch bản sư phạm số, xây dựng các học liệu số.
Một số biểu hiện cụ thể của việc này là: Thời khóa biểu/lịch học của trường được chuyển đổi cơ học cho “lịch các bài giảng học qua video trực tuyến”. Việc lựa chọn và ứng dụng các giải pháp công nghệ mang tính “tự phát” cảm tính, chưa được thực hiện bài bản, chưa tạo được chuỗi gắn kết trong dạy học. Chưa có hệ thống học liệu số; bài giảng số chưa phù hợp. Chưa xây dựng được mô hình quản lý bảo đảm chất lượng và các công cụ thực thi. Một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận, lo lắng; học sinh học liên tục trên màn hình, mệt mỏi, nguy cơ vi phạm an toàn và các bệnh học đường…
Triển khai đồng bộ các giải pháp từ vi mô đến vĩ mô
- Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Ông có góp ý gì để hoàn thiện dự
thảo này?
- Về cơ bản dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT đã đặt ra được những vấn đề mang tính định hướng, điều chỉnh mang tính nguyên tắc khi chuyển đổi sang mô hình dạy học trực tuyến. Theo tôi, Thông tư cần lưu ý những điểm sau:
Bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông và trong thiết chế nhà trường của các cơ sở giáo dục khi đề xuất dạy học trực tuyến sẽ là những yếu tố, điều kiện khá đặc thù. Điều này rất quan trọng, bởi nếu triển khai dạy học trực tuyến ngoài bối cảnh trên thì cách tiếp cận, yêu cầu và nguyên tắc sẽ khác rất nhiều. Mặt khác, nếu đặt trong bối cảnh như vậy, dạy học trực tuyến sẽ luôn được hiểu như là một phương án bổ trợ, kèm theo, hay dự phòng cho mô hình dạy học trực tiếp hiện nay trong nhà trường. Do vậy, điều này cũng chi phối, ảnh hưởng đến cách tiếp cận khi xây dựng Thông tư.
Tiếp đó, cần đặt ra hệ thống các khái niệm nền tảng, làm rõ nội hàm khái niệm liên quan đến thành tố trong dạy học trực tuyến.
Cũng cần làm rõ các nguyên tắc thực hiện (tổ chức triển khai và quản lý) dạy học trực tuyến trong nhà trường (nguyên tắc thiết kế, tái cấu trúc nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức nội dung, phương pháp dạy học, tương tác… theo logic nhận thức người học trong môi trường trực tuyến; kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả học tập trực tuyến…). Các nguyên tắc thực hiện này cần gắn với chủ thể hành động (giáo viên, nhà quản lý, học sinh, cha mẹ học sinh…);
Thông tư cần mô tả rõ hơn về các yêu cầu công nghệ, giải pháp kĩ thuật tối thiểu để vận hành dạy học trực tuyến trong nhà trường theo giai đoạn (tối thiểu đến năm 2025).
- Xin cảm ơn ông!