Dạy, học trong bối cảnh đổi mới công nghệ: Trường sư phạm phải đi trước một bước

GD&TĐ - Công nghệ đã và đang tác động sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc hoạt động dạy - học, cũng như vai trò của giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: NTCC.

Trong bối cảnh này, trường sư phạm không những phải nhanh chóng thay đổi, thích ứng, đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo trong việc ứng dụng AI một cách khoa học, đạo đức, có trách nhiệm.

Yêu cầu mới với chương trình đào tạo

Nói về yêu cầu thay đổi với trường sư phạm, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh đầu tiên đến yêu cầu về chương trình đào tạo. Theo đó, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay có thể phải thêm mô hình năng lực TPACK (Technological, Pedagogical, and Content Knowledge) để tích hợp AI vào giảng dạy.

TPACK là mô hình được sử dụng rộng rãi, giúp giáo viên hiểu cách kết hợp công nghệ vào phương pháp giảng dạy và kiến thức nội dung. Nó bao gồm ba thành phần chính: Kiến thức công nghệ (sử dụng các công cụ liên quan đến AI), kiến thức sư phạm (phương pháp giảng dạy hiệu quả về AI) và kiến thức nội dung (kiến thức về chủ đề AI). Mô hình TPACK cung cấp một lộ trình tích hợp AI vào giáo dục, giúp giáo viên phát triển năng lực và kiến thức cần thiết để dạy AI một cách hiệu quả.

Cùng đó, yêu cầu sinh viên ngành Sư phạm tốt nghiệp ra trường hiện nay phải có hiểu biết cơ bản về công nghệ AI; sử dụng các công cụ AI trong dạy học; phân tích và sử dụng dữ liệu phản hồi từ học sinh; thiết kế bài giảng hiệu quả với công cụ AI; thiết kế tư duy với các công cụ AI; sử dụng AI theo các nguyên tắc đạo đức.

“Trường sư phạm phải là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các ứng dụng công nghệ và AI trong giảng dạy. Triển khai những nghiên cứu để đánh giá tác động và tính hiệu quả của chiến lược giảng dạy tích hợp AI với sự phát triển của người học”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm.

Cùng quan điểm, theo PGS.TS Trần Kiêm Minh - Trưởng khoa Toán học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), các trường sư phạm có trách nhiệm chuẩn bị cho sinh viên và giáo viên phổ thông kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng những tác động mạnh mẽ của AI đến nghề dạy học.

Chẳng hạn, các trường sư phạm có thể hướng đến những vấn đề như bổ sung các mô-đun học tập cho sinh viên và giáo viên về ứng dụng AI vào dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh. Các trường sư phạm phải đảm bảo sinh viên sắp ra trường có khả năng sử dụng các công nghệ và nền tảng AI vào đổi mới nội dung và phương pháp dạy học như hệ thống quản lý học tập (LMS) hỗ trợ AI và các công cụ sáng tạo nội dung.

Tiếp đó, đào tạo về việc sử dụng AI có đạo đức. Sinh viên sư phạm và giáo viên phổ thông phải được tập huấn về việc sử dụng các công cụ AI đúng mực, trách nhiệm, có đạo đức; bao gồm các vấn đề về quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu cá nhân học sinh, tính liêm chính trong quá trình giáo dục học sinh. Ngoài ra, giáo viên nên biết cách sử dụng các công cụ AI theo cách thúc đẩy công bằng trong lớp học.

Đào tạo chuyên môn cho sinh viên và giáo viên hướng đến thúc đẩy tư duy bậc cao, khả năng phản biện và sáng tạo trong dạy học cần được chú trọng. Các công cụ AI có thể tự động hóa một số nhiệm vụ, nhưng giáo viên cần có những kỹ năng mà AI không thể sao chép. Đó là khả năng tư duy bậc cao, phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và tương tác hiệu quả với học sinh trong lớp học.

Các trường sư phạm có thể xây dựng mạng lưới, cộng đồng thực hành nơi giáo viên được hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến AI và thảo luận về phương pháp dạy học tận dụng hỗ trợ của AI. Các diễn đàn này có thể giúp giáo viên học hỏi lẫn nhau, liên tục thích ứng với bối cảnh AI đang thay đổi.

Tư duy lại về vai trò của người giáo viên, bởi, AI có thể cung cấp những hỗ trợ học tập cho học sinh, nhưng giáo viên vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển cảm xúc, giao tiếp xã hội và đạo đức của học sinh. Bên cạnh dạy học trực tiếp nội dung môn học, giáo viên cần có thêm vai trò mới như người cố vấn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh.

Cuối cùng, phát triển chương trình giảng dạy tích hợp AI. Các trường sư phạm có thể đóng góp vào việc thiết kế và thử nghiệm chương trình giảng dạy tích hợp AI với các phương pháp sư phạm truyền thống. Những thử nghiệm như vậy sẽ cấp bằng chứng thực nghiệm cho việc tích hợp AI vào quá trình dạy, học, đánh giá học sinh.

truong-su-pham-phai-di-truoc-mot-buoc-1-8148.jpg
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Ảnh: NTCC.

Cần hệ thống chính trị cùng đồng hành

Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã tích cực đổi mới, không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; trực tiếp tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng… cùng nhau tham gia rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo; tự đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo.

Đến nay, cơ bản từ triết lý đến tổ chức thực hiện được giảng viên thông thuộc. Công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo được phần lớn giảng viên tiếp cận vận dụng để đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá…

Mặc dù phần lớn các trường sư phạm cùng tham gia vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tích cực thay đổi để đổi mới đào tạo giáo viên và bồi dưỡng giáo viên, nhưng PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, chỉ một vài bên tích cực tham gia vẫn chưa đủ cho sự thay đổi lớn giáo dục và đào tạo trong bối cảnh AI bùng nổ.

“Chúng ta cần cả hệ thống chính trị cùng đồng hành quyết liệt, nhất là cần những chính sách căn cơ thúc đẩy đội ngũ giáo viên trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Chỉ khi phần lớn lực lượng giáo viên trong cả nước tích cực đồng hành, cùng nhau gắn kết thì đổi mới giáo dục mới thành công.

Xét cho cùng, công nghệ, trí tuệ nhân tạo dù có phát triển đến đâu cũng là sản phẩm sáng tạo của con người, nhằm phục vụ con người. Trừ khi con người không được giáo dục căn bản, AI sẽ là thảm họa cho sự tồn vong của xã hội tương lai. Do đó, để ứng phó với những thách thức tiềm ẩn, khoa học giáo dục cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu để khai thác, vận dụng hiệu quả công nghệ nhằm góp phần đổi mới giáo dục, phát triển xã hội theo chiều hướng tích cực”, PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ.

TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Giai đoạn tới, các cơ sở đào tạo giáo viên phải đi trước một bước trong việc phân tích xu hướng và định hình lại chiến lược đào tạo. Thay vì tư duy “cung cấp” sẽ phải “đồng hành” cùng đội ngũ giáo viên trong việc ứng dụng AI một cách khoa học, đạo đức và có trách nhiệm. Trong đó, các ưu tiên hàng đầu là tạo môi trường ứng dụng, khuyến khích sáng tạo và đổi mới giáo dục trong sự hợp tác với các chuyên gia công nghệ AI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.