Giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm

GD&TĐ - Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, hiệu trưởng các trường sư phạm, các trường có đào tạo ngành sư phạm cho biết: Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, thay đổi phương thức và chính sách đầu tư nguồn lực cho sinh viên sư phạm, là hai trong số các giải pháp phải làm ngay.

Sinh viên trong một ngày hội việc làm do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh minh họa/ Internet
Sinh viên trong một ngày hội việc làm do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh minh họa/ Internet

Thay đổi chính sách cho sinh viên sư phạm

Trước khi Bộ GD&ĐT thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước thì thực trạng các trường đào tạo vượt xa chỉ tiêu nhu cầu giáo viên đã nhiều lần được cảnh báo.

Hiện tượng thừa giáo viên cục bộ, một phần, theo nhiều hiệu trưởng là do công tác đào tạo chưa gắn chặt với nhu cầu của từng địa phương; một phần do chính sách bao cấp, cào bằng cho sinh viên các trường sư phạm mà ra.

Để giải quyết bài toán chất lượng và giảm tỉ lệ giáo viên dôi dư sau đào tạo, theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, Nhà nước cần phải nhanh chóng thay đổi chính sách với sinh viên ngành sư phạm. Đầu tiên là không bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo sư phạm nữa, vì theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân làm như vậy mất hẳn tính cạnh tranh, động lực học tập của sinh viên. Thứ hai là đào tạo theo địa chỉ, đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Tuy nhiên, ông không đồng tình với chính sách “Kế hoạch hóa” chỉ tiêu sư phạm mà nhiều người đặt ra.

“Thực tế, chi phí đào tạo sinh viên Sư phạm kỹ thuật do ngân sách Nhà nước cấp chỉ bằng 1/3 so với thực tế. Với chi phí như vậy thì rất khó để đòi hỏi chất lượng sau đào tạo. Vì vậy, để thay đổi chất lượng, ngoài việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu chính sách học bổng sư phạm thật lớn cho một lượng sinh viên nhất định, thay vì dàn trải cho toàn bộ số sinh viên sư phạm như hiện nay” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì cho rằng phải nâng cao ngân sách đào tạo cấp cho sinh viên ngành sư phạm nếu Nhà nước tiếp tục bao cấp. Còn không thì “thả nổi” chi phí đào tạo theo thị trường hoặc Nhà nước “lo” một nửa, sinh viên đóng một nửa.

Nhìn nhận việc gia tăng chi phí đào tạo cho sinh viên ngành sư phạm, cũng như đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng là “chìa khóa” giải quyết những bất cập lớn nhất hiện nay của việc dôi dư giáo viên cục bộ, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Phải căn cứ nhu cầu sử dụng để “đặt hàng” đào tạo sư phạm, song song đó là chính sách học bổng với sinh viên các ngành ít được xã hội quan tâm như: Mỹ thuật, kỹ thuật, KHXH, GDCD, lịch sử...

Các trường sư phạm cũng phải thay đổi

Ngoài việc thay đổi chính sách, gia tăng đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng từ các địa phương, thu gọn lại quy mô và hình thức bao cấp cho sinh viên sư phạm, nhiều hiệu trưởng cho rằng bản thân các trường sư phạm cũng phải nhanh chóng thay đổi.

TS Nguyễn Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể, với số đối tượng cụ thể để tập trung đào tạo theo “đặt hàng” phù hợp với nhu cầu của các địa phương tại các trường sư phạm có điều kiện tốt nhất.

“Chúng ta cần gia tăng chính sách và chi phí đào tạo cho sinh viên ngành sư phạm tốt hơn. Bởi khi số lượng sinh viên ít hơn, học bổng cao (có tiêu chí chọn, xét) cùng việc bảo đảm điều kiện làm việc khi tốt nghiệp, thì chất lượng đầu vào cũng như chuẩn đầu ra của ngành sư phạm chắc chắn sẽ được nâng lên. Từ đó có thể thu hút cả những sinh viên học sư phạm theo diện tự túc, hoặc những em tốt nghiệp ngành khác (bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm) vẫn có thể làm việc trong môi trường giáo dục”.

Với các trường sư phạm, TS Minh Hồng cho rằng ngoài việc thay đổi về cơ chế quản trị thì công tác bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên là điều phải được làm thường xuyên, nhiều hơn nữa; đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên tại các địa phương, công tác bồi dưỡng cần có sự hướng dẫn, hợp tác của các trường sư phạm trọng điểm.

PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn tin rằng việc các trường sư phạm lớn trên cả nước nếu chấp nhận cùng nhau hòa vào “mạng lưới” chia sẻ công khai tài nguyên giảng dạy, giáo trình và cả các công trình khoa học về phương pháp nghiên cứu giảng dạy cho nhau, chắc chắn việc nâng cao chất lượng cho sinh viên sư phạm sẽ được cải thiện nhiều khi song hành với nó là các chính sách học bổng khủng, ngân sách Nhà nước cấp cho sinh viên sư phạm gia tăng.

Nhìn vào thực trạng hiện có của các trường sư phạm, GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam cũng cho rằng: Việc thay đổi đầu tiên của các trường sư phạm trọng điểm hiện nay là tạo ra được hệ thống chân rết, các trường phổ thông thực hành, trường vệ tinh ở nhiều vùng miền.

“Chúng ta không chỉ cần thay đổi về mô hình đào tạo giáo viên hiện nay (4+0 sang 3+1 hoặc 4+1), mà chúng ta cần phải gấp rút định hình được hệ thống các trường vệ tinh, trường phổ thông thực hành cho sinh viên. Bởi các trường này có vai trò rất quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm” - GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Đánh giá công tác đào tạo giáo viên của các trường sư phạm trong bối cảnh mới, tại buổi làm việc mới đây với các trường sư phạm tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Sắp tới, nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm, cả Trung ương và địa phương sẽ được sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”.

Sự hiệu quả này, theo Phó Thủ tướng, sẽ được kết hợp với các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu về giáo viên của mỗi địa phương. Riêng về ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho công tác bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên qua đó giúp cho giáo viên có thêm kỹ năng, sự sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là gia tăng thêm tình yêu, niềm đam mê với nghề. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.