Quy định này không chỉ nâng cao chất lượng cho đội ngũ GV phổ thông, mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Giải pháp nằm ở cơ chế
Dự kiến tuyển sinh 2018 sẽ có một số điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế hơn. Cụ thể, đối với trình độ ĐH, ngành đào tạo sử dụng 3 môn văn hóa để xét tuyển, học sinh tốt nghiệp THPT phải có xếp loại học lực năm lớp 12 từ loại giỏi trở lên. Ngành đào tạo sử dụng một hoặc hai môn văn hóa kết hợp thi năng khiếu thì điểm trung bình chung các môn văn hóa phải từ 8 trở lên, điểm môn năng khiếu do trường quy định.
Với trình độ CĐ, TC, ngành đào tạo sử dụng 3 môn văn hóa để xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực từ khá trở lên. Ngành đào tạo sử dụng một hoặc hai môn văn hóa kết hợp thi năng khiếu điểm trung bình chung các môn văn hóa từ 6,5 điểm trở lên, điểm môn năng khiếu do trường quy định.
Trước quy định này, ThS Nguyễn Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường ĐH Thủ đô cho rằng, hiện nay điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm đã tụt dốc, nhiều ngành đã thấp bằng điểm sàn mà vẫn không tuyển được GV. Ngành sư phạm là ngành có đặc thù riêng về năng lực chuyên môn và đạo đức, vì vậy cần phải sàng lọc để tuyển chọn được sinh viên có khả năng dạy học và yêu nghề. Nếu khâu tuyển chọn đầu vào chỉ lấy được những thí sinh có học lực kém và trung bình vào nghề với sự bất đắc dĩ thì không thể đào tạo thành những GV giỏi đáp ứng được cuộc cải cách GD hiện nay.
Theo ThS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế, chính sách sắp xếp lại lại các trường sư phạm trong cả nước, không để tình trạng không có học sinh nên phải cố tuyển cho đủ chỉ tiêu rồi cho ra những sản phẩm kém. Hoàn thiện cơ chế quản lý chế độ làm việc và chính sách đãi ngộ GV để thu hút người giỏi vào ngành GD.
Bài toán quy hoạch mạng lưới
Trước thực trạng hệ thống các trường đào tạo GV hiện nay, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện phải được xác định là vấn đề cấp bách, cần làm ngay. Theo PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: “Cần xem các trường sư phạm là trường đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước là đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng năng lực, phẩm chất để giảng dạy ở các bậc học phổ thông.
GV là nghề đặc biệt, xứng danh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Ngoài việc được tôn trọng, GV phải được đảm bảo việc làm, có đời sống vật chất ổn định, đủ sống. Việc tổ chức đào tạo GV cần quy hoạch, sắp xếp lại một cách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị năng lực cho thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”.
Trường SP thường được xem là máy cái đào tạo GV. Lâu nay các trường SP đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ nhà giáo giảng dạy các bậc học phổ thông trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống các trường sư phạm và các trường có đào tạo GV gặp phải những khó khăn, cần phải được quy hoạch lại một cách hệ thống.
Theo PGS.TS Lưu Trang, giai đoạn 1 (trong vòng 5 - 10 năm tới) với các trường ĐHSP trọng điểm sẽ trở thành trường ĐHSP khu vực, chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng GV ở khu vực được phân công. Các trường ĐH địa phương có đào tạo GV, trường CĐSP và TCSP là vệ tinh (hay trực thuộc) trường ĐHSP trọng điểm. Ở giai đoạn đầu có thể duy trì những khoa, ngành đào tạo GV ở các trường vệ tinh, dần dần sáp nhập hoặc đóng cửa đào tạo GV ở các trường đó.
Lấy các trường ĐHSP trọng điểm làm nòng cốt, các trường ĐH địa phương có khoa đào tạo GV và các trường CĐSP, TCSP làm vệ tinh. Trường ĐHSP nòng cốt được phân khu vực, chịu trách nhiệm điều hành và phối hợp với các trường địa phương trên địa bàn thống nhất về quy trình, kế hoạch chương trình, đội ngũ, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng GV cho khu vực được phân công. Việc đào tạo GV phải trên nền tảng của các điều tra một cách khoa học về nhu cầu GV của địa phương trên khu vực.
Giai đoạn 2, dừng hẳn việc tham gia đào tạo GV của các trường ĐH địa phương và các trường CĐSP, TCSP. Theo sự phân công của các trường ĐHSP trọng điểm, các trường này có thể tham gia bồi dưỡng, đào tạo GV. Việc đào tạo bồi dưỡng GV chỉ tập trung vào các trường SP trọng điểm.