Gỡ khó cùng giáo viên dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Nhiều trường học trên địa bàn Lào Cai, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn khi dạy học các môn tích hợp Chương trình mới.

Cô trò Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai. Ảnh: TG
Cô trò Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai. Ảnh: TG

Còn nhiều khó khăn

Trong Chương trình GDPT 2018, các môn tích hợp gồm: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Sau hơn 2 năm triển khai dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN), nhiều trường vùng cao vẫn gặp khó khăn nhất định.

Thầy Bùi Hồng Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Khi mới triển khai, việc dạy các môn tích hợp KHTN còn bất cập bởi không có giáo viên được đào tạo 3 môn tích hợp. Do đó, nhà trường phải phân công mỗi người đảm nhiệm một phần kiến thức trong môn tích hợp để đảm bảo truyền tải đến học sinh”.

Năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT mới nhưng giáo viên Trường THCS xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) vẫn gặp khó trong triển khai dạy môn KHTN. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Nam, đối với môn KHTN, trường tổ chức giảng dạy theo tuyến tính. Tuy nhiên, do phân phối chương trình môn không đều nên giáo viên từng môn có tuần dạy quá nhiều, tuần lại ít tiết.

Bên cạnh bất cập trong bố trí nhân lực giảng dạy, một số giáo viên còn khó khăn trong quá trình truyền tải kiến thức đến học sinh. Cô Điêu Thị Hoành - giáo viên Trường THCS Chăn Nưa được đào tạo 2 phân môn Toán - Lý. Năm nay là năm đầu giảng dạy phân môn Vật lý trong môn KHTN lớp 6. Cô Hoành chia sẻ: “Kiến thức phân môn Vật lý trong môn KHTN lớp 6 được trình bày rõ ràng, cốt lõi. Tuy nhiên, có một số nội dung sắp xếp trong chương trình chưa cô đọng, súc tích theo yêu cầu cần đạt”.

Tương tự, cô Lò Thị Chiêu - giáo viên môn Hóa - Sinh, Trường THCS Chăn Nưa cho biết: “Đối với môn Hóa học, các nhân tố được gọi theo tên quốc tế. Trong khi đó, trình độ ngoại ngữ của học sinh vùng cao hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình tiếp cận kiến thức. Không những thế, việc ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh cần có từ 2 - 3 thầy cô đảm nhiệm”.

Tình trạng thiếu giáo viên cũng khiến nhiều trường lúng túng trong phân công giảng dạy nói chung và môn KHTN nói riêng cũng là một thực tế. “Trường THCS Chăn Nưa hiện thiếu 2 giáo viên. Điều đó dẫn đến một số giáo viên như cô Chiêu phải dạy quá số tiết quy định”, thầy Hoàng Văn Nam cho biết.

Cô trò Trường THCS Chăn Nưa (Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: TG

Cô trò Trường THCS Chăn Nưa (Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh: TG

Tập trung gỡ khó

Do chưa có nhân sự đảm nhiệm môn KHTN nên giải pháp của ngành Giáo dục thành phố Lào Cai là bồi dưỡng nghiệp vụ và dạy học tuyến tính.

Thầy Bùi Hồng Sinh chia sẻ: “Để gỡ khó dạy môn KHTN, trường tạo điều kiện cho 4 giáo viên có chuyên môn Hóa - Sinh được bồi dưỡng chuyên môn Vật lý. Ngay trong hè, giáo viên đã hoàn thiện bồi dưỡng. Thời gian tới, việc sắp xếp giáo viên giảng dạy môn KHTN sẽ phù hợp hơn”.

Là 1 trong 4 thầy cô vừa tham gia lớp bồi dưỡng môn KHTN, cô Trần Thị Thu Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho hay: “Chúng tôi được đào tạo thêm môn Vật lý tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên. Với thời gian đào tạo 3 tháng, giáo viên cơ bản nắm bắt được nội dung, kiến thức, cách thức tổ chức dạy học môn KHTN”.

Dù vậy, cô Nhàn vẫn cho rằng, thời gian đào tạo ngắn, việc tìm hiểu sâu kiến thức về phân môn là không thể. “Kiến thức chúng tôi học được có thể đảm nhiệm giảng dạy phân môn Vật lý lớp 6 hoặc cùng lắm lớp 7. Với kiến thức lớp 8, nhà trường bố trí giáo viên có chuyên môn Vật lý để giảng dạy”, cô Nhàn cho biết.

Cô Lò Thị Chiêu cũng được bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn KHTN. Tuy nhiên, theo cô Chiêu, để gỡ khó khi dạy học môn tích hợp, giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của Chương trình GDPT mới tới học sinh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động của thầy cô trong việc thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy và bồi dưỡng năng lực.

Tại Lào Cai, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều địa phương, trong đó có các môn học tích hợp. Để giải quyết khó khăn, một số nơi phân công tối đa số giáo viên đào tạo liên môn trước đây để giảng dạy.

“Năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học theo logic chương trình đối với lớp 6, lớp 7. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch dạy học lớp 8 và 9. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đã điều chỉnh số tiết/tuần, không điều chỉnh nội dung nên về cơ bản các trường giải quyết được khó khăn khi phân công giáo viên”, ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin.

Năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học. Theo đó, sở GD&ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung từng học kỳ phù hợp với phân công giáo viên. Cùng đó, các trường tiếp tục điều chỉnh kế hoạch dạy học đối với lớp 9.

“Triển khai dạy học các môn tích hợp cấp THCS ở Lào Cai đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Về cơ bản, đa số trường không gặp khó khăn, thách thức, trừ một số ít đơn vị thiếu giáo viên có chuyên môn Hóa học. Việc thực hiện đảo thứ tự một số nội dung không làm thay đổi, ảnh hưởng tiến trình nhận thức của học sinh, logic của chương trình…”, ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.

“Ngành GD-ĐT Lào Cai đã biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác để thỉnh giảng. Thực hiện “trường giúp trường” và phân bố thời khóa biểu hợp lý từng tuần, tháng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm học. Về lâu dài, những khó khăn khi tổ chức dạy môn tích hợp, ngành Giáo dục xác định chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên có thể đảm nhiệm dạy 3 phân môn đạt chất lượng, hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ