Bước chuẩn bị cho giáo viên trước yêu cầu đổi mới chương trình, SGK

GD&TĐ - Hiện Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang khuyến khích giáo viên môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên áp dụng phương pháp dạy học tích hợp nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh.

Bước chuẩn bị cho giáo viên trước yêu cầu đổi mới chương trình, SGK

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn ông Mai Công Mãn – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa).

* Dạy học tích hợp môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên vẫn còn là phương pháp mới đối với đại đa số các giáo viên phổ thông hiện nay. Vậy Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có những giải pháp gì để hỗ trợ giáo viên áp dụng phương pháp này vào công tác giảng dạy?

- Giống như các môn học khác, hiện nay chúng tôi đã và đang phát động tới các trường phổ thông trên địa bàn khuyến khích giáo viên dạy Toán và các môn Khoa học Tự nhiên áp dụng phương pháp dạy học tích hợp, liên môn theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh.

Theo đó, việc tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn được chúng tôi triển khai thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn ở cấp tổ/nhóm của các nhà trường.

Chúng tôi cũng yêu cầu các trường xây dựng chuyên đề dạy học tích hợp, liên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua hệ thống mạng thông tin “Trường học kết nối” và tham gia cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” và Cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn” do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đây là một sân chơi trí tuệ nên giáo viên có thể học được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy từ các đồng nghiệp. Kết quả, trong số hơn 1.000 bài dự thi, có rất nhiều bài là của giáo viên dạy Toán và các môn Khoa học Tự nhiên tham dự.

Song song với giải pháp trên, Sở GD&ĐT cũng chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán về xây dựng chuyên đề dạy học.

Theo đó, đã có 3.536 giáo viên cốt cán thuộc 13 môn, trong đó có môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên được tham dự các khóa tập huấn. Đồng thời, chúng tôi cũng đã cấp tài khoản tham gia “Trường học kết nối” cho 107 trường THPT, 27 Phòng GD&ĐT, 27 trung tâm GDTX và 450 trường THCS.

Kết quả, các tổ nhóm chuyên môn của 100% các đơn vị đã xây dựng chuyên đề dạy học để tham gia “Trường học kết nối”, trong đó có nhiều sản phẩm là môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên.

Có thể nói, mặc dù việc triển khai dạy học theo chủ đề tích hợp chưa bắt buộc giáo viên phải thực hiện trong chương trình dạy học chính khóa, song đây cũng là cách để chúng tôi chuẩn bị và tập dượt cho đội ngũ giáo viên, nhằm sẵn sàng thích ứng với những đổi mới chương trình, sách giáo phổ thông sắp tới.

* Vậy trên thực tế, dạy tích hợp đối với môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên có khó hơn việc dạy tích hợp đối với các môn Khoa học Xã hội hay không – thưa ông?

- Các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội đều có có hội và điều kiện thuận lợi để tổ chức dạy học tích hợp. Riêng đối với các môn khoa học thực nghiệm như: Vật lí, Hóa học, Sinh học có nhiều điều kiện để tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, trong đó kiến thức môn Toán sẽ là công cụ để giải quyết nội dung các môn học này, nhất là đối với các phần học thực nghiệm.

Tôi cho rằng, việc khó hay dễ khi dạy tích hợp đối với các môn học này còn tùy thuộc vào năng lực, trình độ của mỗi giáo viên. Do đó, khi xây dựng chuyên đề dạy học liên môn đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi giáo viên phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phát hiện tính chất logic, mối quan hệ biện chứng giữa các môn khoa học tự nhiên để xác định rõ trọng tâm bài học.

Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tích hợp nhuần nhuyễn kiến thức với các môn học khác, nhất là đối với các môn Toán và các môn khoa học tự nhiên nhằm đạt hiệu quả cao nhất với mỗi bài học.

* Vậy ông có nhận xét gì về những chuyển biến trong việc thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên ở Thanh Hóa?

- Theo thống kê, tổng hợp sản phẩm các đơn vị, trường học trên mạng thông tin “Trường học kết nối” và sản phẩm tham gia Cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” cho thấy: Hầu hết các đơn vị, trường học trong tỉnh tích cực tổ chức, quản lý hoạt động xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp liên môn theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và của Bộ GD&ĐT.

Nhiều chuyên đề dạy học tích hợp liên môn xây dựng khá công phu, mục tiêu bài học được xác định rõ ràng, gắn liền với chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; thể hiện rõ tính liên môn thông qua mục tiêu và nội dung dạy học.

Đồng thời đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi; Các hoạt động dạy học được thiết kế đã hướng tới người học; vận dụng được phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm hướng tới hình thành và phát triển năng lực người học.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không ít chuyên đề xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung chưa thể hiện được tính tích hợp, liên môn, cách thức tổ chức dạy học còn gò bó trong không gian lớp học và bó hẹp ở tiết dạy trên lớp. Ngoài ra, một số chuyên đề chưa có nội dung để học sinh tự học; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa thực sự hướng tới hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, tạo điều kiện để giáo viên các nhà trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và chọn được nhiều chủ đề tích hợp giữa các môn học.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hướng dẫn giáo viên tích cực tham gia các diễn đàn trực tuyến của ngành; tổ chức các cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” đối với giáo viên và Cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn” đối với học sinh trên phạm vi từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

“Tùy từng bài, tùy từng phần học mà tính chất tích hợp của môn Toán và các môn khoa học tự nhiên cũng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn phụ thuộc nhiều vào năng lực tích hợp của giáo viên. Vì vậy, thầy cô phải tìm tòi, chịu khó học hỏi, vận dụng sáng tạo mà không cần chờ sự chỉ đạo hay đổi mới chương trình, SGK rồi mới triển khai”.

Ông Mai Công Mãn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.