Phương pháp tiên tiến trong quản lý chất lượng đào tạo
Phương pháp tiếp cận “CDIO” (gọi tắt là tiếp cận “CDIO”) là cách thức tiếp cận một mô hình lí thuyết về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học kĩ thuật. Mô hình lí thuyết này cung cấp cơ sở khoa học và một hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đại học kĩ thuật giải quyết được hai vấn đề trọng tâm là: SV kĩ thuật nên đạt được các kiến thức, kĩ năng, thái độ toàn diện nào khi rời khỏi trường đại học, và đạt được ở trình độ năng lực nào? Và làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo SV đạt được những kĩ năng ấy?
Mô hình CDIO dựa trên triết lí phát triển năng lực trụ cột của người kĩ sư đáp ứng được nguyên lí triển khai chu trình vòng đời của sản phẩm, quy trình và hệ thống - Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate) trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển chương trình đào tạo ở Việt Nam và tại đơn vị mình, TS Đỗ Thế Hưng (Ban Đảm bảo chất lượng và Khảo thí - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) đã đề xuất chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO cần được thực hiện theo 5 bước, gồm: Đối sánh chương trình đào tạo hiện tại với chuẩn đầu ra mới; Thiết kế khung chương trình đào tạo; Thiết kế trình tự giảng dạy các chủ đề chuẩn đầu ra về kĩ năng, thái độ; Phân bổ trình tự giảng dạy các chủ đề vào môn học; Thiết kế đề cương các môn học.
Học tập tích hợp và trải nghiệm chủ động
Theo cách tiếp cận CDIO, SV sẽ học các kĩ năng cá nhân, giao tiếp, các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống cùng với kiến thức chuyên ngành trong bối cảnh thực hành kĩ thuật chuyên nghiệp, người ta gọi đó là học tập tích hợp. Học tập tích hợp có ưu điểm là cho phép SV sử dụng kép thời gian để vừa học kiến thức, vừa học kĩ năng.
Nhưng để có thể sử dụng công dụng kép của thời gian học tập, điều quan trọng là phải có được phương pháp giảng dạy và học tập mới, làm sao tận dụng được tối ưu thời gian nhưng không làm nặng thêm về mặt chương trình lí thuyết mới vốn đã dày đặc trong nội dung. Giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học chủ động và trải nghiệm là một giải pháp cho vấn đề trên.
Theo TS Đỗ Thế Hưng, các trải nghiệm học tập tích hợp theo mô hình CDIO đưa đến sự tiếp thu các kiến thức chuyên ngành, cũng như các kĩ năng cá nhân và giao tiếp và các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống. Đây là những phương pháp sư phạm thúc đẩy việc học tập kiến thức chuyên ngành đồng thời với việc học các kĩ năng cá nhân và giao tiếp, và các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống.
Chúng kết hợp các vấn đề kĩ thuật nghề nghiệp thực tế vào trong các bối cảnh mà trong đó chúng tồn tại với các vấn đề chuyên ngành. Ví dụ, các SV có thể xem xét sự phân tích của một sản phẩm, thiết kế của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của người thiết kế ra sản phẩm đó, tất cả trong một bài tập. Các đối tác doanh nghiệp, cựu SV, và các bên liên quan chính yếu khác thường rất hữu ích trong việc đưa ra các ví dụ cho những bài tập này.
Giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học tập trải nghiệm chủ động theo mô hình CDIO gồm các phương pháp thu hút sự tham gia của SV một cách trực tiếp vào các hoạt động tư duy và giải quyết vấn đề.
Có ít sự truyền đạt thông tin một cách thụ động, nhưng lại nhấn mạnh nhiều hơn vào việc thu hút SV sự tham gia vào khám phá, ứng dụng, phân tích, và đánh giá các ý tưởng. Học tập chủ động trong các môn học dựa trên bài giảng có thể bao gồm các phương pháp như những cuộc thảo luận với bạn học hay trong nhóm nhỏ, làm demo, tranh luận, các câu hỏi về khái niệm, và phản hồi của SV về nội dung họ đang học.
Dạy học theo cách tiếp cận CDIO
Triết lý trong đào tạo giáo viên là hướng tới sự hứng khởi và đam mê của sinh viên về những gì mà người giáo viên sẽ làm trong vai trò của người “Kĩ sư tâm hồn” ở nhà trường phổ thông; Triết lý đó trong cách tiếp cận CDIO sẽ theo hướng phát triển những năng lực trụ cột cho người tốt nghiệp: Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Hoàn thiện quá trình dạy học và giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục nhà trường theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Theo TS Đỗ Thế Hưng, nguyên tắc dạy học ở đây là phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên trong quá trình xây dựng kiến thức của mỗi cá nhân; Tính vấn đề của dạy học và các tình huống dạy học và đảm bảo thống nhất giữa chuẩn đầu ra với các hoạt động dạy học và đánh giá. Phương pháp, chiến lược và kĩ thuật dạy học phải đề cao dạy học chủ động và trải nghiệm, đồng thời có những định hướng cụ thể.
Đó là: Dạy học bằng cách tổ chức người học trải nghiệm thực hành các hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn giáo dục. Dạy học tích hợp, hướng vào năng lực nghề nghiệp, phát triển các năng lực cá nhân, xã hội và giao tiếp. Hệ thống các phương pháp, kĩ thuật dạy học trong mô hình này để định hướng vận dụng hiệu quả trong thực tiễn gồm: Học tập trải nghiệm, Học tập dựa vào vấn đề, Học theo dự án, Dạy học tình huống, Thảo luận...