Đặc biệt với phương pháp dạy học theo dự án, học sinh được trải nghiệm và phát huy năng lực của bản thân đáp ứng Chương trình GDPT mới.
Tạo động lực cho HS
Cô Nguyễn Thị Ngợi, GV Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (Cần Thơ) chia sẻ: Ở cách dạy truyền thống, GV chủ động trong truyền đạt kiến thức, cũng như hoạt động của lớp học. Tri thức mà GV truyền đạt đối với HS như là chân lý. Bởi tất cả bài tập thực hành đều do GV quyết định, chọn lựa và ra đề, yêu cầu HS làm. Còn trong các hoạt động dạy học theo dự án (DHDA), vai trò của GV có sự thay đổi rõ rệt, không đơn giản truyền đạt kiến thức mà là người tổ chức, hướng dẫn trợ giúp, cố vấn cho HS trong các hoạt động học tập.
Để triển khai DHDA hiệu quả, GV không chỉ làm chủ về kiến thức bộ môn mà còn phải thành thạo các kỹ năng tổ chức, trong việc tư vấn, định hướng cho HS từ cách khai thác đề tài cho tới quá trình thiết kế thực hiện sản phẩm. Tuy nhiên, để HS hào hứng và tích cực đồng hành với phương pháp này, theo cô Dương Thị Thu Hà, GV Sinh học Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông (Hà Nội), thầy cô phải tạo được động lực học tập và làm việc cho các em.
“Với môn Sinh học, tôi không chỉ khích lệ các em học theo cách này mà còn được tìm hiểu về những giá trị hữu ích của việc tham gia dự án. Trong quá trình học tập và trải nghiệm, HS sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức không chỉ ở môn Sinh học mà ở nhiều môn học khác, đồng thời rèn thêm các kỹ năng cần thiết trong đời sống và công việc sau này”, cô Thu Hà cho biết.
Sáng tạo với các sản phẩm
Cô Nguyễn Thị Ngợi thông tin: DHDA mang lại kiến thức thực tế cho HS. Các em được trải nghiệm, vận dụng lý thuyết đã học để thực hiện những điều mà mình muốn làm. Ở phân môn làm văn, tôi luôn tạo cho các em môi trường học tập năng động, hào hứng.
Trong những tiết dạy về cách trình bày một vấn đề, văn chứng minh hay quảng cáo, tôi đã hướng các em học theo dự án. Cụ thể, bên cạnh việc dạy lý thuyết về kiểu bài, HS có cơ hội được lựa chọn dự án mà mình thực hiện với nhiều chủ đề phong phú. Như các dự án: “Học sinh và những vấn đề đời sống xã hội”; “Nghề thủ công truyền thống ở địa phương” hoặc “Thiết kế văn bản quảng cáo về một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó tại địa phương”... Ở dự án 1, các em lựa chọn chủ đề như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, HS với game online, Bạo lực học đường... Qua thâm nhập thực tế cuộc sống, tiến hành khảo sát, tìm hiểu, các em xây dựng thành một sản phẩm của cả nhóm.
Ở từng dự án, HS có thể trình bày sản phẩm của mình qua PowerPoint, đóng tiểu phẩm hoặc quay clip giới thiệu, thuyết trình về nội dung vấn đề mình lựa chọn. Các em rất hào hứng khi được trực tiếp trải nghiệm và chia sẻ điều mình biết.
Trao đổi về vấn đề này, cô Dương Thị Thu Hà cũng cho biết: Với chương trình Sinh học lớp 11, sau khi học nội dung về Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong cơ thể động vật (lớp 11), ở bài ôn tập tôi áp dụng phương pháp DHDA giúp các em ôn luyện, hệ thống hóa các kiến thức và phát huy sáng tạo, rèn các kỹ năng. Trước tiết học đó khoảng 1 - 2 tuần, tôi hướng dẫn HS cách thức triển khai và thực hiện. Về nội dung, các em phải miêu tả rõ cấu trúc, chức năng cũng như liên hệ thực tế về sản phẩm. Về hình thức, sản phẩm sẽ được làm từ nguyên vật liệu sẵn có như giấy, bìa, ống nhựa... để có thể lột tả được cấu trúc hình dáng các bộ phận, chức năng của cơ quan trên cơ thể. Bên cạnh đó là kỹ năng trình bày về sản phẩm của nhóm mình.
Sau khi được hướng dẫn, HS sẽ chọn đề tài của nhóm và thực hiện với nhiều ý tưởng phong phú. Có nhóm khi mô tả về hệ tuần hoàn đã sử dụng đèn led và các chip điện tử để minh họa đường đi của mạch máu. Nhóm dùng túi ni-lông kết hợp với giấy màu khi mô tả về hô hấp ở phổi. Hoặc các em dùng đất nặn, dây len “dựng lên” hệ cơ quan trong cơ thể…, cô Dương Thị Thu Hà bày tỏ.
Trong quá trình tổ chức tiết học, HS trình bày sản phẩm của cả nhóm với cách thuyết trình khá ấn tượng. Các em rất hào hứng khiến GV ngỡ ngàng về sự sáng tạo của học trò. Ứng dụng phương pháp dạy học dự án, tôi nhận thấy nhiều HS thể hiện được năng lực, năng khiếu của riêng mình khi được khích lệ học tập một cách sáng tạo. - Cô Dương Thị Thu Hà