Dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới: Chênh lệch vùng miền

GD&TĐ - Còn nhiều rào cản trong dạy – học ngoại ngữ cần sự chủ động gỡ khó từ đội ngũ giáo viên và các cấp quản lý.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc

Theo báo cáo thường niên về dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia công bố mới đây, năm học 2022 - 2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu năng lực ngoại ngữ triển khai chương trình ngoại ngữ mới là 84%.

Nhận diện thách thức

Với gần 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Nguyễn Khánh Linh - giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, so với nhiều năm trước, dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông ở thành phố hiện có nhiều thuận lợi. Lớp học được trang bị loa, máy chiếu hỗ trợ giảng dạy kỹ năng nghe – nói. Học sinh tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm nên nắm bắt kiến thức nhanh hơn.

Tuy nhiên, cô Linh cũng cho rằng, việc giảng dạy tiếng Anh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Do sĩ số lớp học đông, có khi lên tới 50 em/lớp, trình độ học sinh không đồng đều. Có em học nhanh nên kiến thức trên lớp chưa đủ với nhu cầu tiếp nhận nhưng nhiều trò học chậm, cần giáo viên giảng đi giảng lại.

Bên cạnh đó, tiết học 45 phút, nghe - nói chỉ là một phần nội dung kiến thức cần đạt. Kết hợp với sĩ số lớp quá đông nên một tiết, giáo viên chỉ có thể sửa phát âm cho vài học sinh. Các em còn lại, cô Linh nhắc nhở về nhà tự luyện nói, mở tài liệu học ra nghe.

“Do thời gian hạn chế, tôi chủ yếu hướng dẫn học sinh cách tự học nghe – nói tại nhà, động viên các em xem phim, nghe nhạc hoặc đọc truyện bằng tiếng Anh vào thời gian rảnh. Thực tế, học ngoại ngữ cần sự kiên trì, rèn luyện bền bỉ nên học sinh phải có ý thức tự giác, tự học để nâng cao trình độ”, cô Linh cho hay.

Chia sẻ về khó khăn giảng dạy ngoại ngữ, cô Phạm Thu Hường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban (Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết, nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. Năm học 2022 - 2023, tỉnh Hà Giang khắc phục bằng cách cử giáo viên THCS xuống giảng dạy.

Nhưng cách làm này khó duy trì lâu dài vì việc dạy liên trường, tăng tiết gây khó khăn, áp lực cho giáo viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Hiện, giáo viên tiếng Anh tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ dạy trực tuyến cho học sinh lớp 3 của trường đến hết năm học.

Với giáo dục vùng khó, bên cạnh thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu cũng khiến chất lượng giảng dạy tiếng Anh hạn chế. Từng có thời gian biệt phái tại Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh (Mù Cang Chải, Yên Bái), cô Phan Thị Lệ Hường - Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng khó.

Cô Hường kể, học sinh huyện Mù Cang Chải đa số thuộc gia đình khó khăn nên còn thiếu sách giáo khoa, vở học. Cả trường chỉ có 2 máy chiếu khiến việc dạy học tiếng Anh gần như khuyết thiết bị. Cô Hường phải chủ động nghĩ ra phương án thay thế để học sinh vẫn có thể tiếp xúc tiếng Anh. Cô vận động các nhà hảo tâm quyên góp sách, in tranh ảnh trước khi vào tiết học. Đôi khi chuông báo hết tiết vang lên nhưng giáo viên vẫn nán lại hướng dẫn trò phát âm.

Theo cô Hường, đối với học sinh vùng cao, khả năng tiếp nhận tiếng Anh yếu hơn so với học sinh thành thị, do đó giáo viên phải kiên nhẫn, sáng tạo các phương pháp giảng dạy gần gũi. Giáo viên có thể học thêm tiếng dân tộc để khi giải nghĩa từ tiếng Anh phiên sang giúp các em dễ hiểu và nhớ.

Với cô Linh hay cô Hường, khó khăn khi giảng dạy tiếng Anh khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện, vị trí địa lý. Dù vậy, họ vẫn nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khó khăn bởi mục tiêu chung là giúp học sinh tiếp cận và nâng cao năng lực.

Học sinh lớp 11 Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) thuyết trình trong giờ học tiếng Anh sau khi thảo luận nhóm. Ảnh: NVCC

Học sinh lớp 11 Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) thuyết trình trong giờ học tiếng Anh sau khi thảo luận nhóm. Ảnh: NVCC

Chủ động bắt nhịp đổi mới

Cô Tu Rê Diệu Thu - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) chia sẻ: “Ngoài lớp bồi dưỡng thường xuyên do Sở GD&ĐT Quảng Trị phối hợp với trường đại học tổ chức theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, chúng tôi còn tham gia nhiều lớp học về phương pháp dạy học, hội thảo cập nhật kiến thức mới về ngôn ngữ, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra – đánh giá...”.

Nhiều khóa học trong số này, theo cô Diệu Thu, do sở GD&ĐT giới thiệu cho cộng đồng giáo viên dạy tiếng Anh tại địa phương và thầy cô tự đăng ký học theo tinh thần tự nguyện. Hình thức có thể là tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến và người học được miễn phí. Cô Thu nhận xét, trong Chương trình GDPT 2018, môn Tiếng Anh có sự điều chỉnh về phương pháp dạy học.

Mọi hoạt động dạy học hướng tới phát triển kỹ năng giao tiếp và ứng dụng ngoại ngữ trong đời sống hằng ngày nhiều hơn. Trong khi đó, đầu vào của học sinh Trường THPT Hướng Phùng, đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nên phương pháp dạy học phải có sự điều chỉnh.

“Dạy - học bám sát năng lực học sinh, buộc giáo viên phải lựa chọn nội dung kiến thức phù hợp, có khả năng vận dụng trong thực tế. Các hoạt động tổ chức dạy học trên lớp hướng tới mục tiêu rèn kỹ năng nghe – nói nhiều nhất. Kiểm tra vở, lỗi chính tả sau mỗi tiết dạy để có sự ghi chú, rèn kỹ năng viết, ngữ pháp cho học sinh”, cô Tu Rê Diệu Thu cho hay.

Tập huấn nhiều phương pháp dạy học hiện đại để vận dụng vào thực tế dạy – học, giờ học của cô Thu vì vậy bớt đi sự đơn điệu, tăng tương tác giữa học sinh – giáo viên, học sinh – học sinh nên việc tiếp nhận kiến thức của các em không còn bị động. “Trước đây, tôi chủ yếu cho học sinh làm bài tập bằng hình thức viết. Giờ cũng là bài tập, nhưng sẽ tổ chức theo các tình huống, thảo luận nhóm... buộc học sinh phải rèn thêm kỹ năng nói kết hợp viết”, cô Thu ví dụ.

Cô Lâm Hương Giang - Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) là một trong số những học viên tham gia khóa tập huấn dạy học theo dự án cho giáo viên tiếng Anh cấp THCS, do Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức. Đây là khóa tập huấn mở vào mùa Hè năm 2018 sau khi khảo sát nhu cầu thực tế của giáo viên dạy Anh văn cấp THCS.

“Thời điểm đó, dạy - học theo dự án là vấn đề mới, nếu không tổ chức bồi dưỡng giáo viên sẽ lúng túng khi dạy học chương trình tiếng Anh mới, thậm chí bỏ luôn nội dung quan trọng trong sách giáo khoa”, cô Giang nhớ lại. Các trường học có giáo viên tham gia lớp tập huấn hỗ trợ 50% học phí, số còn lại, giáo viên chi trả.

Những gì thu nhận được từ khóa tập huấn phương pháp dạy - học theo dự án, với cô Giang, vẫn còn hữu ích khi thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa. Trong Chương trình GDPT 2018, chương trình tiếng Anh lớp 6, cô Giang yêu cầu học sinh làm một số sản phẩm học tập như bộ thẻ nhớ flashcard, phim đơn giản… Những dự án học tập này giúp các em tổng hợp, vận dụng kiến thức đã học, phát huy tối đa năng lực.

Cũng từ lớp tập huấn, nhiều giáo viên chủ động tìm đến khóa học trao đổi về phương pháp dạy học tích cực, theo hướng phát triển năng lực học sinh… để trau dồi thêm chuyên môn. “Năm học nào, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn về phương pháp dạy học, các hội thảo khoa học về dạy giảng dạy ngoại ngữ.

Có những dự án dài hơi như sau khóa tập huấn, giáo viên phải có những tiết dạy báo cáo bằng video để thấy được mức độ ứng dụng vào thực tiễn. Chúng tôi đã hình thành được cộng đồng giáo viên tiếng Anh để cùng trao đổi, cập nhật chuyên môn, phương pháp dạy học...”, cô Lâm Hương Giang thông tin.

Một tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, Hà Giang. Ảnh: NVCC

Một tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, Hà Giang. Ảnh: NVCC

Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chuyên môn

Thời gian qua, việc triển khai dạy và học ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn TPHCM luôn đảm bảo yêu cầu về lượng và chất. Để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành Giáo dục thành phố cũng như các quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên tổ chức cho giáo viên tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ, tham gia bồi dưỡng phương pháp giảng dạy để tất cả được tiếp cận phương pháp dạy học tích cực.

Đặc biệt, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trong những năm qua, cơ sở vật chất của các trường luôn được đầu tư khang trang. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ ngày càng đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học môn ngoại ngữ như: Lắp đặt tivi, kết nối Internet, trang bị hệ thống âm thanh di động (loa), phòng học thông minh nhằm giúp giáo viên tìm kiếm thông tin, nghiên cứu bài học, soạn giáo án, truy cập nguồn tài nguyên của tổ ngay tại lớp học dễ dàng hơn.

Qua đó hạn chế việc mang tài liệu giấy như đề cương, giáo án... Đồng thời giúp giáo viên sáng tạo, linh hoạt trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, giờ học trở nên sinh động hơn, học sinh hứng thú, tích cực tham gia bài học.

“Nhà trường thường xuyên đồng hành với giáo viên trong bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như sử dụng phần mềm Ispring để biên soạn bài giảng điện tử E-learning; hướng dẫn sử dụng phần mềm K12 online nhằm giúp thầy cô biên soạn học liệu số, giảng dạy online; tập huấn phần mềm Mozabook để giáo viên sử dụng kênh phim ảnh, hình ảnh 3D, kho tài liệu để soạn, giao bài online cho học sinh”, cô Đức cho hay.

Ngoài tập huấn chuyên đề do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, Phòng GD&ĐT Quận 4 cũng như các trường còn tổ chức các chuyên đề, bồi dưỡng giáo viên tùy theo tình hình thực tế. Phối hợp các công ty, trung tâm cung cấp chương trình bổ trợ, chương trình toàn khóa, giáo viên ngoại ngữ để tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy cho giáo viên.

Cùng đó tổ chức các tiết học có sự tham gia của phụ huynh (Open House) để tăng cường phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh trong giảng dạy và giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao năng lực nghiệp vụ. Tổ chức các sân chơi tiếng Anh nhằm mở rộng giao lưu, học hỏi cho học sinh và bồi dưỡng năng lực tổ chức quản lý của giáo viên.

Cô Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 (TPHCM) cho biết, thời gian qua, các trường học trên địa bàn đã xây dựng phòng học ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị như: Bảng tương tác, máy chiếu, tivi thông minh; bàn ghế đặc trưng để học tập theo nhóm. Một số trường trang bị máy tính xách tay hoặc máy tính bảng tạo điều kiện cho học sinh làm việc nhóm. Đối với trường không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị thì hợp tác với trung tâm, công ty cung cấp phần mềm dạy Toán - Khoa học hoặc giáo viên nước ngoài hỗ trợ trang thiết bị cho trường. Nhiều trường trang trí phòng học đẹp mắt, hấp dẫn, mỗi lớp có bảng sản phẩm học tập và bảng chủ đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.