Để khắc phục tình trạng này, ngoài đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cần cải tiến phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm tăng tính hứng thú và hiệu quả học tập.
Môn học không còn “khó nhằn”
Vũ Thị Hà Anh - học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TPHCM, cảm thấy nhẹ nhõm khi đạt 7 điểm giữa kỳ II môn Lịch sử - môn học em từng cho là “khó nhằn” nhất. Để đạt điểm số này, Hà Anh phải thức đến 23 giờ suốt ba ngày liền học thuộc bài. “Trước đây, em không hứng thú môn Lịch sử vì thấy khô khan, khó nhớ. Nhưng gần đây, thầy cô đổi mới phương pháp dạy, giúp em tiếp thu dễ dàng và đạt điểm cao hơn,” Hà Anh chia sẻ.
Cô Đoàn Thị Ngọc Tuyền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Tân (Bình Tân, TPHCM), nhận định, Lịch sử là môn học quan trọng, giúp giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Để học sinh hứng thú, giáo viên cần truyền cảm hứng, tạo môi trường trải nghiệm như các cuộc thi “Nhạc - Kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam”.
“Những năm gần đây, đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, việc ứng dụng phương tiện dạy học hiện đại cũng giúp học sinh tiếp cận môn học sinh động hơn” cô Tuyền cho biết.
Có cùng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Tuấn - Tổ Lịch sử, Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh, TPHCM), nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử. Nhà trường đã áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược”.
Theo đó, học sinh xem trước bài giảng qua video, nghiên cứu tài liệu, khi lên lớp thảo luận và tranh luận các vấn đề giáo viên đặt ra. Chẳng hạn, khi học bài Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (Lịch sử lớp 11 - Bộ sách Chân trời sáng tạo), học sinh chia thành hai nhóm để tranh luận về quan điểm: “Cải cách của Hồ Quý Ly mang tính táo bạo, đi trước thời đại” hay “Cải cách này chỉ phục vụ lợi ích triều Hồ”. Qua đó, các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện tư duy phản biện và nhận thức lịch sử riêng.
Bên cạnh phương pháp giảng dạy, Trường THPT Gia Định đã đổi mới hình thức kiểm tra, thay thế kiểm tra viết và vấn đáp theo kiểu truyền thống bằng bài tập sáng tạo như: Thiết kế “CV profile” cho nhân vật lịch sử, lập tour du lịch đến các nền văn minh cổ đại, tạo bộ lịch Đại Việt kỳ nhân, sân khấu hóa sự kiện lịch sử, xây dựng kênh TikTok giới thiệu về các tổ chức quốc tế.
“Để hoàn thành các bài tập như vậy, bên cạnh tìm hiểu tài liệu, sách vở, các em còn rèn luyện những kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý công việc, thuyết trình trước đám đông, sử dụng công nghệ thông tin”, thầy Tuấn thông tin.
![Học sinh Trường THPT Gia Định, TPHCM thiết kế tour du lịch đến những quốc gia có nền văn minh rực rỡ thời cổ - trung đại. Ảnh: Lâm Ngọc day-hoc-lich-su-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb364539745927065defad10f3e9c28dda0575558b0d9228e75cc7b7969211232c9973c3f4/day-hoc-lich-su-2.jpg)
Giáo dục lòng yêu nước
ThS Cao Thị Huế - đồng tác giả cuốn Nam Bộ với toàn quốc kháng chiến (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) khẳng định môn Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. ThS Huế nhấn mạnh, dân tộc ta luôn mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, môn Lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu, thấm nhuần truyền thống đó. Môn học không chỉ bồi dưỡng tình yêu Tổ quốc, tinh thần đoàn kết dân tộc mà còn giúp học sinh hiểu rõ nguồn cội, gốc tích và những trang sử hào hùng của cha ông.
“Quan trọng nhất vẫn phải giúp học sinh yêu môn Lịch sử, không có cảm giác sợ học. Ngoài ra, các thầy cô nên thay đổi cách dạy, hướng tiếp cận lịch sử, tự rèn luyện kỹ năng, phương pháp đứng lớp cho phù hợp, tránh để tình trạng giáo viên là lý do khiến các em chán học môn Lịch sử”, ThS Huế chia sẻ.
Thời gian gần đây, nhằm khơi dậy niềm đam mê học lịch sử và truyền thụ lòng yêu nước cho học sinh, nhiều giáo viên đã áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, thoát khỏi lối học thuộc lòng khô khan. Thay vì chỉ dựa vào sách giáo khoa, thầy cô sử dụng công nghệ thực tế ảo, phim tài liệu, mô hình chiến trận để tái hiện sinh động các sự kiện lịch sử.
Một số trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa như tham quan di tích, đóng vai nhân vật lịch sử, giúp học sinh có trải nghiệm trực quan và cảm xúc sâu sắc. Cùng đó, thầy cô đã lồng ghép các câu chuyện về tinh thần yêu nước, sự anh dũng hy sinh của cha ông vào bài giảng giúp học sinh hiểu lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn gắn bó mật thiết với hiện tại. Những đổi mới này không chỉ giúp môn Lịch sử hấp dẫn hơn mà còn nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ tình yêu, trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy và yêu cầu phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, cô Nguyễn Thị Bối Bối - giáo viên Trường THPT Marie Curie (Quận 3, TPHCM) đã nghiên cứu và áp dụng đề tài Thiết kế và sử dụng Infographic Animation trong dạy học Lịch sử ở trường THPT - áp dụng cho học sinh khối 10 theo Chương trình GDPT 2018. Theo cô Bối, phương pháp này giúp bài học sinh động hơn, không còn khô khan, nhàm chán. Học sinh dễ dàng ghi nhớ kiến thức, cập nhật các sự kiện lịch sử mới trên thế giới.
“Đa dạng phương tiện dạy học, ứng dụng Infographic Animation giúp học sinh học nhanh, nhớ lâu, tổng hợp tốt kiến thức và phát huy tư duy sáng tạo. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhằm hiện đại hóa việc dạy và học lịch sử, khơi dậy hứng thú cho học sinh,” cô nhấn Bối mạnh.
TS Huỳnh Bá Lộc - giảng viên Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) nhắn nhủ: “Tôi thấy, cần cho phép những câu chuyện cụ thể, có thật xuất hiện trong sách giáo khoa môn Lịch sử. Đồng thời, trong giờ học, nên tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian kể cho học sinh nghe những câu chuyện lịch sử, chứ không phải chỉ ở giờ ngoại khóa”.