Dạy học bằng dự án: Đánh thức cảm hứng văn chương

GD&TĐ - Cô giáo Đoàn Thị Hải Lý, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) là một trong số những giáo viên đầu tiên của trường vận dụng dạy học bằng dự án trong các bài giảng môn Văn. 

Cô giáo Đoàn Thị Hải Lý với học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Ảnh: TG
Cô giáo Đoàn Thị Hải Lý với học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Ảnh: TG

Thành công lớn nhất của cô là đem đến cho học sinh niềm vui, niềm khao khát tìm hiểu cái đẹp Chân - Thiện - Mỹ trong văn chương.

Những giờ học thú vị

Ra trường năm 1992, cô Đoàn Thị Hải Lý về dạy học tại Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt – Kiên Giang. Năm học 2000 - 2001, cô về dạy tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa - năm học đầu tiên trường vừa được thành lập.

Trong quá trình dạy học, cô Lý luôn cố gắng tìm ra những phương pháp dạy học sáng tạo, lấy học sinh là đối tượng trung tâm cần hướng tới. Gần 10 năm qua, cô đã vận dụng dạy học theo dự án để hướng dẫn học sinh lớp 12 học các tác phẩm văn chương trong chương trình Ngữ văn 12 như “Tây Tiến” – “Dự án Quang Dũng”; “Sóng” - “Dự án Xuân Quỳnh”; “Chiếc thuyền ngoài xa” - “Dự án Nguyễn Minh Châu”; “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Dự án “Lưu Quang Vũ – Sức sống cùng thời gian”; … Những giờ dạy của cô ở trên lớp luôn nhẹ nhàng, thoải mái và cả thú vị.

Chưa dừng lại ở đó, Tổ Ngữ văn còn bắt tay với các tổ bộ môn khác để thiết kế thêm các dự án dạy mới. Đó là “Dự án biển đảo” giúp các em học sinh vừa được bổ sung kiến thức trong sách vở vừa có thêm kiến thức thực tiễn. Đây cũng là cách phát huy phương pháp dạy học tích hợp của 3 bộ môn Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân.

Theo cô Đoàn Thị Hải Lý, việc vận dụng dạy học dự án trong giảng dạy môn Ngữ văn đem đến nhiều ý nghĩa tích cực cho cả GV và HS. Với HS, các em được tiếp cận bài học gắn với thực tế cuộc sống, có điều kiện để thể hiện tư tưởng, tình cảm, năng lực… trong nhiều hoạt động dự án, người học chuyển từ thụ động ghi nhớ, lặp lại sang chủ động khám phá, tích hợp và trình bày, chuyển từ nghe và đáp ứng sang truyền đạt và dám chịu trách nhiệm, chuyển từ phụ thuộc vào GV sang chủ động tổ chức.

Thông qua dạy học dự án, HS được rèn luyện để trở thành một người làm việc độc lập, có tư duy phản biện, có kĩ năng nghiên cứu khoa học và kĩ năng tự học suốt đời.

Học sinh trong lớp có điều kiện để chia sẻ, trao đổi, tranh luận... gắn kết cùng tập thể và chịu trách nhiệm cùng tập thể. Đồng thời, dạy học theo dự án còn giúp HS phát triển năng lực cộng tác : Làm việc với bạn của mình, xây dựng đội nhóm và kĩ năng làm việc nhóm, biết kết nối để học tập, tìm tòi, khám phá, sáng tạo.

Đem đến khao khát tìm hiểu cái đẹp

Theo cô Đoàn Thị Hải Lý, trong quá trình đổi mới giáo dục, dạy học tích cực hướng đến tổ chức các hoạt động học tập của HS; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác; kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò. Hiện nay có nhiều phương pháp dạy học tích cực. Dạy học dự án là một trong những phương pháp dạy học tích cực ấy.

“Việc dạy học bằng dự án đem đến nhiều hiệu quả và ý nghĩa trong phương pháp dạy học, cũng là hướng dạy học phù hợp với đối tượng học sinh chuyên ở Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa”, cô Lý chia sẻ.

Mỗi dự án lại được chia thành nhiều dự án nhỏ để từng học sinh có thể lựa chọn tham gia theo năng lực và sở thích. Khi thực hiện, giáo viên đều tìm cách cho các em gặp gỡ người thật, việc thật là những người thân của các nhà văn, nhà thơ.

Các dự án hấp dẫn không chỉ thay lời muốn nói cho những tiết học đơn điệu, khô khan mà còn chắp cánh cho những năng lực văn chương chưa có cơ hội tỏa sáng. Không còn những bài học thuộc lòng vô nghĩa theo kiểu từ chương mà thay vào đó là một không gian thực sự văn học để tâm hồn được khơi gợi và đốt cháy.

Dạy học dự án hướng tới các vấn đề của thực tiễn, gắn kết nội dung học với cuộc sống thực tế, do đó vận dụng phương pháp dạy học dự án sẽ góp phần gắn việc học tập trong nhà trường của học sinh với thực tiễn đời sống, xã hội, phát triển năng lực học sinh. Cùng với nhiều phương pháp dạy học tích cực khác, dạy học theo dự án sẽ góp phần đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hóa.

Gần 10 năm hướng dẫn HS thực hiện nhiều dự án văn học, tuy chưa tham gia kì thi nào về dạy học theo dự án nhưng thành công lớn nhất của cô là đem đến cho học sinh niềm vui, niềm khao khát tìm hiểu văn chương mỗi giờ Văn.

Chia sẻ về các bước thực hiện dự án, cô Lý cho biết: Để thực hiện một bài học theo dự án, nhất là những dự án dài (nhiều tuần), GV cần chuẩn bị rất nhiều công việc để giờ dạy hiệu quả nhất có thể. GV phải tìm hiểu về dạy học dự án một cách đầy đủ (khái niệm, mục tiêu, đặc điểm, các dạng dự án); Lựa chọn bài học có thể gắn kết nội dung học với cuộc sống thực tế, chọn được học sinh có năng lực phù hợp với việc thực hiện dự án; Thời gian (dự án trong vòng 2 - 6 giờ, trong 1 ngày, trong 1 tuần, trong vài tuần…); Tư liệu (bài viết, sách báo, link…) về bài dạy vận dụng dạy học dự án; Kinh phí, máy tính… Ngoài ra, GV cần phải chuẩn bị tinh thần thật tốt, đam mê, tâm huyết… để truyền cảm hứng cho HS.

“Khác với phương pháp dạy học truyền thống, nơi giáo viên đóng vai trò chủ động trong mọi hoạt động, còn dạy học theo dự án mang lại sự đổi mới trong vai trò của giáo viên và học sinh. Người giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tư vấn cho các hoạt động của học sinh thay vì “cầm tay chỉ việc” cho học sinh của mình. Giáo viên nhìn ra sự liên quan của bài học tới các vấn đề trong cuộc sống, hình thành ý tưởng về một dự án để học sinh đóng vai trò là người thực hiện. Giáo viên có nhiệm vụ tham vấn nhiều hơn so với cách dạy truyền thống mà họ vẫn thường xuyên sử dụng”, cô Lý chia sẻ.

 Khi được hỏi về bí quyết dạy học Văn để HS hứng thú, cô Đoàn Thị Hải Lý cho rằng không có “bí quyết” nào cả, bởi một giờ Văn tạo hứng thú cho HS, chỉ một phía GV là chưa đủ. Điều quan trọng GV trước hết phải “đầy” kiến thức, “đủ” đam mê, nhiệt huyết, tận tâm dạy dỗ học sinh và đôi khi phải dí dỏm một chút, hài hước một tí để mỗi giờ học không thiếu những tiếng cười.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.