Dạy con nội trợ thời 4.0: “Thiên chức”... thời nào cũng vậy

GD&TĐ - Bếp thường là “vùng cấm địa” đối với không ít trẻ em Việt Nam. Một số phụ huynh lo ngại con gặp nguy hiểm khi vào bếp. Tuy nhiên, thực tế, công việc nội trợ sẽ giúp trẻ tự lập và hoàn thiện nhiều kỹ năng.

Nhiều trường mầm non tổ chức hoạt động gói bánh chưng ngày Tết nhằm tạo không gian bếp cho trẻ. Ảnh minh họa.
Nhiều trường mầm non tổ chức hoạt động gói bánh chưng ngày Tết nhằm tạo không gian bếp cho trẻ. Ảnh minh họa.

Để giúp các bé hứng thú với việc nội trợ, cha mẹ có thể để con “học mà chơi”. Thông qua một số trò chơi, trẻ sẽ được làm quen với việc nhà, việc bếp trong khi vẫn cảm thấy thoải mái.

Lợi ích khi vào bếp

Nhiều phụ huynh quan niệm rằng, trẻ chỉ cần học thật giỏi để sau này có được một công việc ổn định với thu nhập cao, không cần phải biết tới các việc khác như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm...

Vì thế, đã có không ít bà mẹ rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” và thậm chí là đứng ngồi không yên khi con rời khỏi vòng tay phụ huynh. Đơn cử như chị Nguyễn Ánh Hồng (Từ Liêm, Hà Nội). Gia đình chị luôn chiều con hết mực, không “nỡ” để con động tay vào bất cứ việc nhà nào. Tuy nhiên, tới nay con gái chị đã 15 tuổi nhưng không biết làm nội trợ. Hệ quả là, mỗi khi đi công tác xa nhà, lòng chị Hồng thường “nóng như lửa đốt”, không biết con ăn uống thế nào, có giặt quần áo không…

Lý do là bởi, vợ chồng chị Hồng muốn con tập trung vào việc học và “sợ cháu phân tâm” nếu phải làm nội trợ. Cách giáo dục của chị Hồng khiến con gái dần hình thành tính ỷ lại. Sau mỗi bữa cơm, cháu thản nhiên ngồi ăn tráng miệng rồi lên phòng học bài. Mỗi khi đi học về, quần áo bẩn thay ra, cháu cũng để mẹ dọn và bỏ vào máy giặt. Thậm chí, những việc nhỏ như tưới cây, cho mèo ăn… cũng đều do một tay chị Hồng làm.

Không giống với chị Hồng, nhưng gia đình chị Nguyễn Hồng Trang đôi khi “bất lực” trước sự hậu đậu của cậu con trai. Ngày thường, chị Trang để con chuyên tâm vào việc học. Tuy nhiên, cuối tuần, chị thường rủ con cùng đi chợ rồi hỗ trợ mẹ vào bếp. Mỗi lần để con nội trợ, chị Trang đứng ngoài không khỏi “thót tim”.

“Khi thì cháu làm đổ dầu ăn ra bếp, lúc lại làm muối vung vãi khắp sàn nhà. Sau cùng, người mệt nhất vẫn là tôi vì phải đứng ra lau dọn “chiến tích” của con”, chị Trang giãi bày.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Đại học Alberta (Canada) cho thấy, những đứa trẻ được mẹ cho vào bếp cùng chuẩn bị bữa ăn gia đình có xu hướng hào hứng ăn thử những món đó. Đồng thời, những trẻ như vậy còn biết cách lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh cho bản thân sau này. Quan trọng nhất, trẻ còn tỏ ra thích thú khi được ăn hoa quả và rau củ hơn hẳn những bạn đồng lứa không được vào bếp.

Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ, để trẻ tham gia vào công việc bếp núc sẽ tác động đến mối quan tâm về dinh dưỡng của con. Nhờ đó, ngăn chặn khả năng béo phì ở trẻ.

Bà Phan Hồ Điệp – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, ở độ tuổi từ 3 đến 6, trẻ luôn tò mò và hứng thú với mọi việc diễn ra xung quanh mình. Do đó, việc trao cho trẻ cơ hội được tham gia xây dựng môi trường sống, trước hết là trong chính gia đình mình cũng là một cách giúp con tự lập hơn. Đặc biệt, trẻ hoàn toàn có thể hỗ trợ cha mẹ làm việc nhà nếu được khích lệ và chỉ dẫn.

“Một số công việc trẻ nên được tham gia như lau bàn, lau ghế, quét nhà, rửa rau - củ - quả, gấp khăn ăn, dọn bàn ăn… Để con cùng tham gia làm việc nhà là một trong những cách giáo dục trẻ những thói quen tốt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, cũng như hình thành tính cách tự lập cho trẻ ngay trong năm tháng đầu đời”, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam nhận định.

Nữ giảng viên này gợi ý, ngoài hai tuổi, các bé có thể thực hiện việc để bát vào bồn rửa. Tuy nhiên, cha mẹ cần làm mẫu cho trẻ một vài lần. Đồng thời, phụ huynh nên vừa làm vừa chỉ dẫn cho con. Lên 3 tuổi, trẻ thực hiện được việc trải khăn bàn và bày đồ ăn.

“Để tạo hứng thú làm việc cho trẻ, người lớn có thể biến công việc này thành trò chơi. Chúng ta sử dụng bìa các tông đặt trên bàn ăn. Trên mặt bìa, hãy vẽ những hình bát, thìa, dĩa… với những màu sắc sinh động và bắt mắt. Và nhiệm vụ của các bạn nhỏ là xếp các vật dụng trùng khít với hình ảnh giống như chơi trò xếp hình. Cách làm này sẽ khiến bé vui vẻ và hào hứng hơn, giúp các con hiểu được cách xếp đồ ăn ra bàn một cách chỉn chu và khoa học nhất”, bà Phan Hồ Điệp gợi ý.

Có lẽ, sẽ hoàn toàn là điều bình thường khi ở Nhật Bản, những bé gái 4 - 5 tuổi đã thạo việc bếp núc. Thậm chí, cộng đồng mạng từng xôn xao khi chứng kiến câu chuyện về một bé gái 5 tuổi người Nhật có thể tự nấu ăn sau khi cha mẹ qua đời. Hầu hết người xem đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và thán phục.

Tuy nhiên, thực tế, bé gái 5 tuổi này được coi là một biểu tượng chân thực về cách giáo dục và nuôi dạy con của người Nhật Bản. Tại xứ sở hoa anh đào, trẻ con 4 tuổi đã được dạy cách vào bếp nấu ăn.

Trẻ từ 1 - 2 tuổi có thể làm quen với nội trợ nhờ nhận biết thực phẩm. Ảnh minh hoạ
Trẻ từ 1 - 2 tuổi có thể làm quen với nội trợ nhờ nhận biết thực phẩm. Ảnh minh hoạ

Nơi trao yêu thương

Trái lại, tại Việt Nam, bếp thường được biết đến là nơi một đứa trẻ phải... tránh xa. Bếp cũng là “vùng cấm địa” trẻ không được bén mảng tới gần vì những nguy hiểm và rắc rối tiềm tàng. Chắc hẳn, bất kỳ ông bố bà mẹ Việt nào cũng từng nói với con rằng: “Trong bếp nhiều đồ ăn nóng, con đi chỗ khác chơi đi” hoặc “Đừng đứng gần bếp, mỡ bắn vào người rất nguy hiểm”.

Những năm gần đây, không ít trường mầm non tại Việt Nam đã cho trẻ trên 2 tuổi làm quen với căn bếp. Tại trường, các bé được thực hành rửa rau, cắt hoa quả và thậm chí là làm bánh. Đặc biệt, nhiều trường mầm non tổ chức ngày gói bánh chưng để các bé tham gia. Giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ gói bánh, luộc bánh. Sau khi hoàn thành, trẻ sẽ được mang “thành phẩm” về cho gia đình.

Vua đầu bếp Việt Nam 2015 Nguyễn Thanh Cường từng gây “sốt” khi quyết định mở lớp dạy nấu ăn cho trẻ em. Anh Cường từng chia sẻ, do độ tuổi còn nhỏ nên các bé chưa thể làm được những món phức tạp. Tuy nhiên, nam đầu bếp bày tỏ niềm tin rằng, qua lớp nấu ăn, trẻ sẽ học được những kiến thức bổ ích. Trẻ đồng thời sẽ biết giữ mình sự an toàn trong bếp, cũng như giúp đỡ bố mẹ và trưởng thành hơn ngay từ trong căn bếp nhỏ của gia đình.

“Căn bếp luôn là nơi bắt nguồn của mọi yêu thương trong gia đình. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, việc gắn bó với căn bếp không chỉ dành riêng cho người lớn, mà trẻ cũng nên biết nấu ăn. Đối với tôi, việc dạy trẻ biết nấu ăn là giúp các bé học được cách yêu thương gia đình. Có thể các bé không tự nấu ăn hết được, nhưng phụ giúp cho cha mẹ nấu ăn cũng là một điều tốt”, anh Cường cho biết.

Bên cạnh đó, Vua đầu bếp Việt Nam 2015 cũng muốn đặt nền tảng đầu tiên cho những trẻ em có đam mê về ẩm thực, hiện thực hóa giấc mơ của các bé. 

Rèn kỹ năng qua trò chơi

Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, trẻ 1 - 2 tuổi cũng có thể rèn luyện nhiều kỹ năng thông qua những trò chơi liên quan đến nội trợ. Lý do là ở tuổi này, trẻ nhìn mọi thứ đơn giản và thường không cần trò chơi gì đặc biệt.

Đặc điểm của lứa tuổi này là tiếp nhận kiến thức về thế giới xung quanh thông qua những trải nghiệm cảm giác. Chuyên gia này gợi ý, cha mẹ có thể để trẻ nghịch bột và vo viên để tăng sự phát triển của các giác quan.

Bên cạnh đó, trẻ có thể xếp các hạt đậu to vào nắp nhựa hoặc thành một hàng, đổ hạt từ lọ này sang lọ kia… Tất cả nhằm giúp con phát triển kỹ năng vận động tinh.

Bên cạnh đó, chuyên gia Phan Linh cũng gợi ý phương pháp để cha mẹ có thể giúp con cảm thấy thoải mái khi làm việc nhà. Theo đó, phụ huynh cần chuẩn bị một chiếc hộp, 20 tờ giấy gồm 17 nhiệm vụ khác nhau và 3 tờ ghi “Không phải làm gì”.

17 nhiệm vụ được ghi ra sẽ dành cho cả người lớn thay vì chỉ riêng con, bao gồm: Rửa bát, lau sàn, hút bụi, cọ bồn cầu, gấp quần áo, cho quần áo vào máy, lau bàn ăn, dọn đồ chơi, lăn bụi trên thảm... Bởi, cha mẹ sẽ cùng tham gia với con.

Sau đó, phụ huynh hãy đặt đồng hồ 15 phút. Mỗi người bốc một tờ giấy với một nhiệm vụ phải được hoàn thành trong 15 phút. Sau một tuần thử nghiệm, số tờ giấy sẽ tăng lên 30. Trong đó, có 5 tờ ghi “Không cần phải làm gì”, 3 tờ ghi “Được quyền đổi nhiệm vụ với người khác”.

Với phương pháp này, chuyên gia Phan Linh cho biết, trẻ sẽ hợp tác thực hiện nhiệm vụ và học được cách thương lượng. Những người nhận được giấy “Không cần phải làm gì” sẽ giúp người còn lại hoặc chuẩn bị một món ăn hoặc đồ tráng miệng để tất cả cùng thưởng thức sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, chuyên gia Phan Linh lưu ý, cha mẹ, thậm chí là ông bà phải cùng tham gia với con. Bởi, trẻ thường muốn thấy mọi người cùng tham gia vào một hoạt động. Bên cạnh đó, phụ huynh cần hướng dẫn con cách làm trước khi đưa ra các nhiệm vụ và thử thách.

Để khuyến khích khi con hoàn thành các nhiệm vụ khó, cha mẹ có thể tặng phần thưởng. Tuy nhiên, việc lạm dụng là hoàn toàn không nên, vì điều đó có thể tước đi động lực của con. Từ đó, khiến trẻ phụ thuộc vào phần thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.