Dạy con không đổ lỗi

GD&TĐ - Trong hành trình khôn lớn, không đứa trẻ nào tránh được những sai sót, lỗi lầm. Điều cần thiết mà cha mẹ phải làm là dạy cho con nhận ra lỗi sai và sửa chữa, dám chịu trách nhiệm chứ không phải là tìm cách ngụy biện hoặc đổ lỗi sai cho người khác.  

Dạy con không đổ lỗi

Đổ vạ lỗi lầm

Đang làm bếp, chị Mai Hoa (khu tập thể Phòng không không quân - ngõ 208 - Lê Trọng Tấn - Hà Nội) giật mình bởi tiếng choang rất to trong phòng khách. Chị biết ngay một trong hai đứa con lại gây chuyện đổ vỡ rồi. Nhìn những bông hồng tung tóe, cái lọ hoa thủy tinh đã vỡ toang nhiều mảnh, nước trên sàn nhà lênh láng… còn hai đứa con thì đứng dúm lại một chỗ, sợ sệt nhìn mẹ, chị Hoa không nén được cơn giận đang bùng lên.

- Mẹ đã dặn là ngồi chơi yên ổn cơ mà? Đứa nào làm gì mà đẩy lọ hoa đổ rơi vỡ tan tành thế này?

Nhìn ánh mắt giận dữ của mẹ, thằng cu anh 12 tuổi vội vàng giải thích: Con đang với tay lấy cái điều khiển thì cái Thủy nó tự nhiên đứng lên xô vào tay con…

Con bé Thủy 7 tuổi nghe anh “đổ thừa” trách nhiệm cho mình thì gào toáng lên: Không phải như vậy. Anh nói không đúng. Con đang ngồi xem hoạt hình, con chẳng động gì vào người anh cả. Tại anh giật cái gối của con mới vung vào lọ hoa chứ…

Đây không phải là lần đầu tiên thằng Thịnh tìm lý do này nọ hoặc đổ lỗi cho em. Nó đã vài lần có kiểu đổ lỗi cho người khác khi làm điều gì sai trái. Chị Hoa thấy buồn và lo lắng, nếu cứ giữ thói quen xấu như vậy lớn lên con sẽ hình thành tính cách thế nào?

Than thở với chồng, những mong anh để tâm uốn nắn dạy dỗ con thì chị Hoa lại bị chồng chê trách chị là lâu nay quá nuông chiều con. Việc thằng bé hay ngụy biện cho lỗi lầm của mình là tại mẹ không có biện pháp đúng đắn. Câu chuyện dạy con thế nào của hai vợ chồng rút cục lại thành cuộc to tiếng.

Giúp trẻ sống có trách nhiệm

Theo các chuyên gia tâm lý phân tích: Đổ lỗi luôn là phản ứng tự vệ đầu tiên khi có sai sót hậu quả xảy ra. Đổ lỗi khiến người ta an tâm và thanh thản nhanh hơn. Đổ lỗi cho nhau là chuyện chúng ta thường thấy hằng ngày. Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ tránh trừng phạt hoặc giận dữ với con. Sau đó hãy giảng giải phân tích để trẻ nhận ra nguyên nhân và mức độ tác hại của sự việc.

Trong gia đình, nhiều khi vì sự thương yêu mù quáng mà ông bà, cha mẹ thường hay bỏ qua những lỗi sai của con cháu. Có người còn cả cười “khen” cháu lanh lợi láu lỉnh khi biết đánh lạc hướng cơn tức giận của người lớn sang việc khác. Dạy cho trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và không đổ lỗi cho người khác là dạy con dễ hòa nhập với mọi người xung quanh hơn.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Phạm Hiền, việc dạy một đứa trẻ lòng tự trọng phải bắt đầu từ việc dạy con sống có trách nhiệm. Khi trẻ thấm nhuần việc sống có trách nhiệm là trẻ đã biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, biết nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin “có sai biết sửa”; chúng sẽ dễ dàng đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Mỗi người biết chịu trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm với gia đình thì xã hội mới bớt đi những người biện hộ cho những trì trệ, sai lầm và vấp ngã của mình là do người khác và né tránh việc chịu trách nhiệm trước luật pháp và cộng đồng.

Lời khuyên của chuyên gia Phạm Hiền với các bậc phụ huynh là trước khi dạy đứa trẻ, người lớn phải sống có trách nhiệm trước đã. Đừng ra rả dạy con về tinh thần trách nhiệm khi chính bạn chưa làm được điều đó, khi mà bạn chỉ chăm chăm coi trọng lợi ích cá nhân mà vô cảm, bàng quan với mọi việc xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ