Sống chung với thói gia trưởng

GD&TĐ - Chồng gia trưởng luôn là nỗi ám ảnh của các bà vợ. Đó là một phần tính cách khó lòng thay đổi được. Vì con cái, gia đình và nhiều thứ ràng buộc, phần lớn các bà vợ vẫn phải sống chung với thói gia trưởng của chồng. Tuy nhiên cũng có những phụ nữ “cao tay” tìm được phương thuốc hữu hiệu để điều trị thói gia trưởng khó ưa.

Sống chung với thói gia trưởng

“Khi yêu quả ấu cũng tròn”

Ngày xưa khi lần đầu ra mắt nhà người yêu, cư xử của Tuấn (chồng Phương bây giờ) khiến ai cũng xuýt xoa khen sự khéo léo chu toàn với nhà vợ tương lai. Nhưng chỉ riêng mẹ Phương là thì thầm với con gái: “Con xem xem chứ mẹ thấy Tuấn là có vẻ gia trưởng lắm”. Bởi tất cả mọi thứ quà cáp Tuấn chuẩn bị đều chu đáo lịch sự không để ai chê, song cái cách nói chuyện của anh chàng đều toát lên một điều tự Tuấn lo lắng hết, còn Phương chỉ thực hiện theo lời của người yêu. Ngẫm nghĩ lại Phương cũng thấy mẹ cũng có lý.

Từ lúc Phương gật đầu làm người yêu, Tuấn dường như muốn quản lý người yêu mọi lúc mọi nơi. Mỗi khi gọi điện thoại mà Phương đang bận họp không nghe máy được là y như rằng lúc gặp nhau, anh ấy liền gắt gỏng, trách móc: “Em đi đâu, làm gì mà sao không nghe máy, anh gọi muốn cháy máy mà không một lời hồi đáp”. Hay những lúc đi chơi cùng anh, Phương ăn mặc gợi cảm một tí là anh không hài lòng, cho rằng người yêu khoe da thịt để người khác dòm ngó…

Đổi lại Phương luôn được người yêu chiều chuộng chăm sóc đưa đón. Tuy nhiên lúc đó cô không hề nghĩ đấy cũng là cách Tuấn muốn quản lý người yêu. Lấy nhau rồi tính cách gia trưởng của Tuấn lại bộc lộ rõ: Ở nhà kinh tế Tuấn quản lý hết từ việc chi tiêu trong gia đình thế nào, cho tới biếu nội ngoại hai bên ra sao Tuấn đều lên kế hoạch. Mỗi khi Phương muốn góp ý Tuấn đều không hài lòng và luôn cho rằng mọi việc mình quyết mới là đúng. Thậm chí tới lương của vợ Tuấn cũng muốn biết hết thảy và “tư vấn” cả cho vợ cách phải tiêu pha thế nào…

Hầu hết phụ nữ có chồng gia trưởng thừa nhận: Trước khi cưới họ thường bỏ qua mọi lời nhận xét, can ngăn của người thân, bạn bè và tự nhủ rằng “đàn ông có gia trưởng thì mới quyết đoán, mới làm trụ cột và bảo vệ được gia đình”. Tuy nhiên khi bước vào cuộc sống chung họ mới thấy: Thói gia trưởng đã ngấm vào máu của chồng, không mong gì thay đổi được nên phải chọn cách đối phó mềm mỏng. Nhiều người áp dụng nguyên tắc “3 không”: Không nghe, không thấy, không biết. Tuy nhiên mỗi cách xử trí đều cần phải khéo léo để chồng thay đổi phần nào tính gia trưởng khó ưa.

“Phương thuốc” trị thói gia trưởng

Đàn ông gia trưởng thường thích chỉ đạo, thích thể hiện quyền lực, thích người khác phục tùng, ghét tranh cãi, nên khi vợ gân cổ lên cãi thì chỉ như lửa đổ thêm dầu. Tốt nhất khi họ “lên mặt dạy vợ” thì mình cứ lờ đi, sau đó lựa lúc vui vẻ mà nhẹ nhàng trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc về những suy nghĩ trong lòng mình, đừng càu nhàu, cãi vã một cách vô ích - Đó là chia sẻ của Ngọc Linh trên diễn đàn Làm Vợ. “Mình mềm mỏng nhưng cương quyết thì chồng cũng phải nhún nhường chút ít. Mỗi khi chồng có ý định sai vặt một cách phi lý thì cứ nói đang bận việc này việc nọ để chồng phải tự làm. Còn nếu các lão không chịu thì cứ bảo đợi… nhưng các mẹ đừng dại gì mà làm ngay. Lâu dần các lão sẽ bớt đòi hỏi, sai vặt nữa. Bên cạnh đó thì mình cứ nhẹ nhàng nhờ vả, tạo cho chồng cơ hội làm việc nhà. Trước đây ông xã nhà mình chưa bao giờ động tay động chân vào việc nhà. Giờ thì cũng biết thay mình tắm cho con, cất quần áo vào tủ, đổ rác khi có kẻng. Nhất là bỏ được cái tật hất hàm khi nói chuyện với vợ như trước kia. Cũng chỉ mong lão thay đổi được thế này thôi là hạnh phúc lắm rồi”.

Chia sẻ của chuyên gia tư vấn của chuyên mục Cửa sổ tình yêu của Đoàn TNCS HCM qua số điện thoại 1900.6802 cũng đưa ra lời khuyên: Người có tính gia trưởng thường luôn độc đoán theo ý mình, không bao giờ lắng nghe người khác nói. Vì thế để đối phó với ông chồng gia trưởng bạn cần phải vừa kiên nhẫn, vừa mềm mỏng và không được nóng vội.

Bạn hãy xem xét với tính cách của chồng thì việc tranh cãi, phân bua đúng sai đôi khi sẽ không thể đem lại kết quả mà càng khiến mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm. Bạn nghĩ sao với việc học cách bình tĩnh. Chồng bạn sẽ luôn muốn người khác phục tùng vô điều kiện những đòi hỏi, mong muốn của mình vì thế bạn hãy cố gắng học cách “bớt lửa” trong những cuộc tranh luận. Đôi khi nhẫn nhịn, bỏ ngoài tai có thể giúp bạn bớt căng thẳng. Sau khi anh ấy bình tĩnh lại bạn hãy nhẹ nhàng trao đổi, phân tích cùng chồng về vấn đề xảy ra.

Các chuyên gia tư vấn cũng cho rằng, đừng nghĩ mọi việc trong gia đình chỉ nên đóng cửa bảo nhau, bởi tính gia trưởng có thể gây nên bạo lực nếu bạn cứ tiếp tục giấu giếm. Ở trường hợp này bạn nên chia sẻ với người thân hay đồng nghiệp để họ biết tính cách của anh ấy và có thêm tác động tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.