Hai điều quan trọng khi dạy con tinh thần trách nhiệm

GD&TĐ - Trách nhiệm là một trong những giá trị mà chúng ta mong muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ. Tính trách nhiệm sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Cha mẹ cần dạy con hiểu rằng, tất cả đều có trách nhiệm với gia đình của mình. Ảnh minh họa: INT.
Cha mẹ cần dạy con hiểu rằng, tất cả đều có trách nhiệm với gia đình của mình. Ảnh minh họa: INT.

Để bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ, cha mẹ nên lắng nghe ý kiến và áp dụng điều có giá trị của con về cuộc sống gia đình. Điều đó giúp con thấy trách nhiệm của mình với người thân xung quanh.

Thấu hiểu tâm lý con

Sống có trách nhiệm đồng nghĩa với việc chấp nhận và thực hiện các nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Người có ý thức sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm khi phạm lỗi, tỏ ra thành thật và sẵn lòng sửa đổi. Ngược lại, những người thiếu trách nhiệm thì thường lảng tránh trách nhiệm, thậm chí tìm cách đổ lỗi cho người khác.

Để dạy trẻ có trách nhiệm, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên khuyến khích con nhận lỗi, xin lỗi khi cần, giúp con hiểu rõ về hậu quả của hành động cá nhân.

Trẻ nhỏ thường cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi người phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho chúng. Nếu những suy nghĩ này được nuôi dưỡng, khi lớn lên, trẻ sẽ trở thành người vô trách nhiệm. Do đó, phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm với hành động của mình thông qua những biện pháp giáo dục tích cực.

Chị Trần Nguyệt Quế (Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh của hai con chia sẻ: “Tôi từng đến thăm nhà 2 người bạn vào giờ cơm tối. Khi chuẩn bị đến giờ cơm, con của người bạn A. thì nhanh nhảu chạy vào bếp phụ mẹ lấy bát đũa. Dù đôi tay nhỏ xíu nhưng rất cẩn thận bưng đĩa rau. Sau đó, cháu vui vẻ chạy ra mời tôi vào ăn. Ngược lại, con của người bạn B. cũng chạc tuổi cô bé kia, nhưng đến giờ ăn thì người mẹ hì hục làm mọi thứ và trẻ cứ ngồi học”.

Chị Quế cho biết thêm, người bạn B. nói: “Nó chưa biết làm gì đâu, cứ học hành là được em ạ, chị làm được hết!”. Đến khi mọi người vào bàn ăn, cô bé vẫn chưa chịu ra dù được gọi nhiều lần và phải đích thân mẹ vào đưa ra ăn cơm. “Đây là một câu chuyện về gia đình 2 người bạn của tôi, nhưng rất đáng ngẫm! Không phải cách dạy con, nuông chiều con, mà là cách chúng ta đặt sai trẻ vào trung tâm tình yêu và nghĩ rằng đó là tốt, đang yêu thương trẻ”, nữ phụ huynh cho biết.

Chị Nguyệt Quế nhận định, nhiều trẻ ngày nay rất dễ như con của người bạn B. Thực ra, trẻ không hề lười nhác hay làm sai, mà là cách cha mẹ cô bé đặt sự yêu thương và chăm sóc chưa đúng.

“Cha mẹ của gia đình B. có yêu thương bé không? Có, họ rất yêu thương bé. Tuy nhiên, nếu họ nghĩ đã đặt bé vào trung tâm của tình yêu đó thì đã sai. Thực ra họ đang tước đoạt những cơ hội để trẻ được học các kỹ năng sống xã hội - nơi mà trẻ sẽ phải sống cùng mọi người, phải biết các kỹ năng và giao tiếp để tồn tại. Hơn nữa, việc bao bọc có thể làm trẻ trở nên ích kỷ và dễ dàng ‘lạc hậu’ với thế giới và không thể hòa nhập”, chị Quế nhận định.

day-con-tinh-than-trach-nhiem2.jpg
Phụ huynh cần dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác. Ảnh minh họa: INT.

Theo chị Quế, cha mẹ cần dạy con có trách nhiệm như gia đình người bạn A. Bên cạnh việc học, trẻ phải được tham gia vào các hoạt động của gia đình như dọn dẹp, trò truyện, vui chơi cùng các thành viên, trồng cây với cha mẹ, ông bà, dọn cơm, đón khách... Không chỉ vậy, ở lớp, con cũng nên tham gia hoạt động tập thể. Khi trưởng thành, cần tham gia vào các hoạt động cùng đồng nghiệp. Qua các hoạt động này, trẻ học được những kỹ năng quan trọng mà sách vở không dạy, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp và khả năng thích ứng.

Chuyên gia tâm lý người Nhật - Shizuko Kato, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Không có trẻ hư” đã chia sẻ bí quyết trong việc nuôi dạy trẻ trở thành người sống có trách nhiệm. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là thấu hiểu tâm lý của con.

Theo nữ chuyên gia Shizuko Kato, phụ huynh cần nắm rõ những giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ để có thể áp dụng, tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp. Mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc điểm và nhu cầu riêng. Trong đó, việc lắng nghe trẻ sẽ giúp cha mẹ nhận biết những sở thích, năng khiếu cũng như những điểm mạnh – yếu của con mình. Cha mẹ cũng nên tạo cơ hội khuyến khích trẻ thể hiện khả năng. Đồng thời, đưa ra lời góp ý và khen ngợi đúng lúc để trẻ cảm thấy tự tin hơn trong việc phát triển, khẳng định bản thân.

day-con-tinh-than-trach-nhiem1.jpg
Cha mẹ nên lắng nghe ý kiến của con về cuộc sống gia đình. Ảnh minh họa: INT.

Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành đã chia sẻ một câu chuyện về sống có trách nhiệm: Một cậu bé vui vẻ chạy vào bếp khoe với cha: “Ba ơi, con vừa giúp mẹ lau xong nhà rồi nè!”. Người cha đang rửa bát bỗng dừng lại, nghiêm túc nhìn con và nói: “Con à, từ nay đừng bao giờ nói là giúp mẹ làm việc nhà nữa nhé”. Cậu bé ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao vậy ạ?”. Người cha mỉm cười, nhẹ nhàng giải thích: “Con thấy ba rửa bát có nói là giúp mẹ không? Ba dọn nhà có nói là giúp mẹ không?”. Cậu bé suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu.

Người cha tiếp tục: “Vì chúng ta đều sống trong ngôi nhà này, cùng ăn những bữa cơm, sử dụng bát đũa và tận hưởng không gian sạch sẽ. Vậy nên những việc dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa không phải là giúp mẹ mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong gia đình. Ai cũng cần làm phần việc của mình, bởi vì đây không chỉ là ngôi nhà của mẹ, mà là của chúng ta”.

Những lời dạy của người cha có thể thay đổi cách nghĩ của cậu bé suốt cả cuộc đời. Từ đó, đứa trẻ hiểu rằng, trách nhiệm không phải là thứ cần “giúp đỡ”, mà là điều tất yếu mà mỗi thành viên trong gia đình phải cùng nhau gánh vác. Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, nhiều đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng, việc nhà là của mẹ, còn mình chỉ “giúp đỡ” khi rảnh rỗi hoặc được yêu cầu. Tuy nhiên, nếu cha mẹ dạy con hiểu rằng, không ai “giúp” ai trong chính ngôi nhà của mình, mà tất cả đều có trách nhiệm chung, thì trẻ sẽ học được đức tính tự lập, biết sẻ chia. Sau này, trẻ sẽ biết trân trọng những người phụ nữ trong cuộc đời mình.

Thực tế, gia đình là nơi mỗi người đều có trách nhiệm, không chỉ là sự giúp đỡ nhất thời. Trong hành trình trẻ lớn lên, không ít phụ huynh thường “mắc kẹt” trong những tình huống như: Khi con làm vỡ bát, con nói rằng, nguyên nhân là do bát trơn. Hoặc, khi ăn không hết, trẻ đổ tại do mẹ đơm bát đầy…

Để bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, cha mẹ nên lắng nghe ý kiến của con về cuộc sống gia đình, có thể nói chuyện với con về một vài chuyện vặt trong nhà. Đồng thời, hỏi xem trẻ có suy nghĩ hay ý kiến gì, hoặc đề nghị con đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Khi cha mẹ thường xuyên lắng nghe ý kiến của trẻ, áp dụng những ý kiến có giá trị, thì con sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với gia đình.

Yếu tố quan trọng khác là phụ huynh không nên ủng hộ trẻ mách lẻo. Nếu trẻ thường xuyên nói người khác như thế này, thế kia trước mặt mình mà cha mẹ lại nghe lời của con, thì điều đó không khác gì phụ huynh đang nói rằng: “Mẹ sẽ giúp con xử lý chuyện này. Mẹ biết con còn quá nhỏ, không thể giải quyết được! Vì vậy chỉ cần có chuyện gì, cứ để mẹ biết là được rồi!”. Thái độ này không hề có lợi cho sự trưởng thành của trẻ. Thông thường, khi trẻ mách lẻo, cha mẹ nên thể hiện thái độ của mình như: “Mẹ không thích con mách lẻo tội của người khác!”. Đương nhiên cha mẹ cũng cần phải cân nhắc đến vấn đề an toàn. Nếu trẻ nhìn thấy ai đó có hành vi nguy hiểm, chạy về nói với mình, thì phụ huynh cần chú ý.

Ngoài ra, phụ huynh cần dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác. Cụ thể, cần bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của trẻ với xã hội, phải yêu cầu trẻ chủ động quan tâm người già, người bệnh và những bạn nhỏ hơn mình. Lúc cha mẹ bị ốm, dạy trẻ học cách chăm sóc cha mẹ.

Trong một sự kiện từ thiện, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ những lời khuyên của mình về cách dạy hai cô con gái trở thành người lãnh đạo tốt. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc sống có trách nhiệm.

“Những gì chúng tôi muốn truyền lại cho cuộc đời bọn trẻ là mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm. Khi bọn trẻ còn nhỏ, trách nhiệm của chúng rất nhỏ. Nhưng khi lớn lên, trách nhiệm ấy cũng lớn dần theo”, ông Obama nói và cho rằng, trách nhiệm đánh dấu sự trưởng thành. Khi chúng ta trưởng thành, những người khác sẽ dựa vào chúng ta, rằng chúng ta là người có ảnh hưởng và những nỗ lực sẽ giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người. Ông Obama cũng cố gắng giúp hai cô con gái thấm nhuần các giá trị cơ bản của lòng tốt, biết đồng cảm và làm việc chăm chỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Công tư, tư công

GD&TĐ - Chuyến đi Ấn Độ 4 ngày của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance pha trộn giữa chuyện tư và việc công. Vợ ông Vance là người Mỹ gốc Ấn.