Vai trò của người cha
Tại buổi tọa đàm “Bố Việt dạy con sống tự lập” do Alpha Books tổ chức cuối tuần qua, 2 ông bố Hoàng Long - tác giả cuốn sách “Cùng nắm tay cha nào ta khôn lớn” và Phúc Lai - tác giả cuốn sách “Dạy con dạy cha” đã mang đến những câu chuyện đầy màu sắc về việc dạy con, giúp độc giả tìm được câu trả lời cho những băn khoăn trong quá trình nuôi dạy con trưởng thành.
Quan trọng hơn, hai tác giả đã nhấn mạnh đến vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con tự lập, cách để cha trò chuyện và trở thành người bạn thân thiết của con. Bởi trong tư tưởng cố hữu của người Việt thì nhiều người vẫn còn quan điểm cho rằng người đàn ông trong gia đình chỉ có trách nhiệm đi kiếm tiền, còn người phụ nữ thì có thiên chức trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, điều này vô tình khiến cho vai trò giáo dục của người cha đối với con cái bị giảm sút.
Từ nhỏ đến lớn, con cái chịu ảnh hưởng của mẹ, từ việc chăm chút ăn uống, đến việc đưa con đến trường, chăm lo, học hành cho con đều một tay người mẹ đảm nhận. Chính điều này khiến cho tình cảm cha con, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, điều này là một thiệt thòi rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Theo anh Hoàng Long, nếu sự ảnh hưởng của người mẹ đối với con là dịu dàng, nhẹ nhàng thì ảnh hưởng của người cha với con là sự mạnh mẽ, tự tin. Sự tự tin là nền tảng của hạnh phúc và là chìa khóa để thành công. Người cha sẽ luôn là người ảnh hưởng nhiều nhất đến con gái, do đó, hãy dạy con bạn trở thành một người mạnh mẽ, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mở rộng lòng để lắng nghe những tâm sự của con
Trong cuộc sống hiện nay, có vô số lý do mà các bậc phụ huynh cho rằng: Làm giúp con là thể hiện tình yêu thương với con. Có lẽ, họ muốn con chỉ cần chuyên tâm vào ăn, học và chơi, vì nghĩ rằng con còn non nớt, trong khi nhà đã có người giúp việc và vì ông/bà chiều cháu - không cho cháu làm….
Cũng chính bởi những lý do như thế, nên các bậc phụ huynh đã vô tình cướp đi của con trẻ rất nhiều việc, mà lẽ ra, đó phải thuộc về trách nhiệm của cá nhân con trẻ. Sự dễ dãi đó cũng đã vô tình làm con trẻ thiếu kỹ năng sống, ảnh hưởng đến nhân cách sống, khiến chúng sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. Hơn thế, trong quá trình trưởng thành, việc trẻ vẫn quen với việc được cung phụng đã khiến cha, mẹ lại phải gánh âu lo, rồi ca thán - sao con quen ỷ lại, dựa dẫm như thế?
Anh Phúc Lai cho rằng, trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ sẽ phải đối mặt với giai đoạn mà trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý. Thay vì trò chuyện cùng cha mẹ, con bắt đầu xa cách và có thể chỉ muốn chia sẻ cùng bạn bè. Như vậy, để giữ sợi dây liên kết giữa cha mẹ với con cái ngày càng bền chặt, gần gũi, tốt nhất cha mẹ cần học cách làm bạn cùng con. Bởi khi cha mẹ cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, con cái sẽ có thể thoải mái nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình mà không cảm thấy áp lực sẽ bị la mắng hay những hình phạt đáng sợ từ cha mẹ. Nhưng cởi mở, lắng nghe, làm bạn với con cũng không có nghĩa là dễ dãi, có thể cho con vi phạm nhiều nguyên tắc sống.
“Nói chuyện với các con nhiều, mình cũng cảm được điều quý giá nhất của cuộc sống, chính là giây phút này. Quá khứ không lấy lại được, có quay lại cũng chưa chắc ta đã làm được tốt hơn. Tương lai chưa đến, chúng ta chưa biết nó thế nào và hãy cân nhắc xem điều gì quý giá hơn – những phút giây được sống bên những đứa con của mình, thật không gì bằng” - anh Phúc Lai chia sẻ.