Đồng hành giúp con trưởng thành

GD&TĐ - Không hẳn thuộc về thể loại sách văn học nhưng những cuốn sách được viết bởi những người làm cha, làm mẹ đã được nhiều bạn đọc quan tâm. Bên cạnh việc gửi gắm tình yêu con, những cuốn sách còn mang đến những trải nghiệm thú vị về những đứa trẻ, về cách mà những người lớn đến gần hơn để hiểu chúng.

Cha mẹ hãy làm bạn cùng con
Cha mẹ hãy làm bạn cùng con

Trò chuyện để hiểu con hơn

Xã hội hiện đại khiến không ít bố mẹ bận rộn công việc từ sáng tới tối. Con cái thường xuyên phó mặc cho ông bà, người giúp việc chăm nom. Trên diễn đàn xã hội nhiều đứa trẻ đã bày tỏ những niềm cô đơn bởi thiếu vắng hơi ấm của cha mẹ.

“Bố mẹ thường hay nói rằng họ yêu quý và lo lắng cho tôi. Nhưng thậm chí một bữa ăn có đầy đủ các thành viên cũng là sự hiếm hoi trong gia đình. Bố thì liên miên với lịch công tác, còn mẹ thì thường xuyên trở về nhà lúc trời đã quá khuya. Họ không bao giờ để tôi thiếu thốn về tiền bạc. Nhưng điều tôi mong mỏi không phải là ở trong một ngôi nhà quá ư rộng rãi với đầy đủ tiện nghi mà sự quan tâm và thấu hiểu. Tôi chưa hư nhưng có cảm giác chán ghét cuộc sống thực tại…” - Đó là lời chia sẻ của nick name Gấu Bông trên Facebook trong vô vàn tâm sự của những đứa trẻ bước vào tuổi teen khi viết về gia đình mình.

Một thực tại nữa cũng đang diễn ra trong xã hội khi sự gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo bởi tình trạng ly hôn gia tăng. Những đứa trẻ thường mất cân bằng khi thiếu vắng cha hoặc mẹ. Hoặc chăng đơn giản hơn là vì những người lớn quen để con chơi với Ipad, Iphone hơn là việc học cách chơi hay trò chuyện cùng con... Những điều này vô hình trung sẽ dần đẩy con cái mình ra xa.

Học cách chơi cùng con

Việc hiểu con để chia sẻ cách dạy dỗ, cùng con trưởng thành là điều mà các bậc phụ huynh cũng luôn trăn trở. Một trong những cuốn sách nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc là của tác giả Hồ Thị Hải Âu mang tên “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”. Không chỉ là những lời tâm sự đầy yêu thương mang hơi hướng nhật ký viết dành cho con gái Lã Hồ Minh Khuê, mà ở đó còn là những trải lòng trong quá trình cùng tìm tòi thử nghiệm cách giáo dục con gái. Trên chặng đường dài từ những buổi đầu con tiếp xúc với thế giới xung quanh cho tới khi con đủ trưởng thành tự mình lựa chọn con đường riêng, cả hai mẹ con đều có những khó khăn. Tuy nhiên theo chị Hồ Thị Hải Âu thì điều cốt lõi mà chị đã áp dụng trong cả quá trình nuôi dạy con đó là tình yêu vô bờ bến mà chị dành tặng cho con.

Quan điểm mà người mẹ đó đã bày tỏ đó là: “Trước hết là đảm bảo đứa trẻ đó được hạnh phúc từng ngày, được dạy dỗ tăng tiến từng ngày, được tập dượt từng ngày, trong từng tình huống sống để đáp ứng với lộ trình gia nhập vào đời sống xã hội tốt nhất. Vì triết lý nuôi dạy con của tôi là trao tặng cho con một tình yêu vô điều kiện, ân cần dẫn dắt con đi trong suốt 18 năm đầu đời, rồi sẽ thả cho con bay vào bầu trời của nó - nơi mà nó chung sống với người dưng, chứ không phải là tổ ấm của riêng chúng tôi nữa”.

Cùng đồng quan điểm này với tác giả là chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của Đỗ Nhật Nam. Trong rất nhiều lần tâm sự hay trải lòng về cách dạy con, người mẹ này đều cho rằng, để thấu hiểu và khích lệ con thì việc học cách chơi cùng con và khơi gợi sự sáng tạo trong con cái mình sẽ giúp chúng tự tin trong cuộc sống. Nguyên tắc mà chị từng chia sẻ đó là: Không nên so sánh với con của người khác mà chỉ so sánh với chính đứa trẻ ở khía cạnh tích cực. Ví dụ, hôm qua con chưa làm được cái này, hôm nay con làm được là điều rất tuyệt vời. Trẻ con có một kẻ thù vô hình nhưng đáng sợ là “con nhà người ta”. Cuốn “Dưới sao mẹ kể con nghe” chính là sự đúc rút của quá trình mà chị nuôi dạy con trưởng thành. Với chị, yêu thương không nhất thiết phải cho roi cho vọt mà là dạy con biết yêu thương, khơi gợi cho con tính sáng tạo, truyền cho con sức mạnh, niềm tin, hi vọng trong cuộc sống.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình, chuyên gia tâm lý Trung tâm Clever Land (Hà Nội) cho biết: Để những đứa trẻ phát triển toàn diện bên cạnh việc chăm sóc nuôi dưỡng về thể chất, người lớn rất cần quan tâm tới suy nghĩ và tình cảm của trẻ. Những cây non cần dưỡng chất và ánh sáng để vươn cao tỏa bóng mát cũng như những đứa trẻ không thể thiếu tình yêu thương đong đầy của cha mẹ. Tuy nhiên tình thương ấy có nhiều cách biểu hiện ra bên ngoài, có những lúc ấm áp gần gũi có những khi cứng rắn để con biết tập đối diện với khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ