Dạy con bảo vệ môi trường - Ý thức từ những hành động nhỏ

GD&TĐ - Dạy con trẻ nhận thức về môi trường ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường của mình hiện tại và tương lai.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ảnh minh họa: ITN.
Dạy trẻ bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ảnh minh họa: ITN.

Theo chuyên gia, giáo dục bảo vệ môi trường cần được quan tâm đúng mức ngay từ lứa tuổi mầm non. Bởi, ở lứa tuổi này, trẻ em dễ xây dựng thói quen, mang lại hiệu quả cao, tạo cơ sở cho việc hình thành nhân cách con người.

Hình thành thói quen tốt

Giáo dục môi trường cho trẻ mầm non ngày càng phổ biến, không chỉ trong các lớp học mà còn trong đời sống hằng ngày. Bởi ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, trẻ em không phải là những người nằm ngoài sự ảnh hưởng của các vấn đề này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng hơn chính là do con người thiếu ý thức và hiểu biết. Nếu trẻ em sớm được hình thành nhận thức về bảo vệ môi trường, chắc chắn tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện.

Ngay từ bé, nếu trẻ được dạy cách sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hình thành nếp sống có ý thức tốt đối với môi trường và được tiếp xúc với môi trường sống thực tiễn, thì khi lớn lên, tư duy về sự phát triển bền vững sẽ giúp ích trong công cuộc giảm thiểu biến đổi khí hậu trên thế giới.

Với lứa tuổi mầm non, dựa vào khả năng nhận thức của bé, giáo dục bảo vệ môi trường sẽ bao gồm những kiến thức cơ bản nhất, nhằm giúp trẻ hình thành lối sống lành mạnh, có ý thức với môi trường. Các chuyên gia cho rằng, điều đó sẽ giúp bé trở thành người sống có trách nhiệm với tương lai, thúc đẩy sự sáng tạo và đóng góp tích cực vào sự thay đổi vận mệnh của Trái đất.

Dạy con biết cách bảo vệ môi trường sống không phải là điều cao xa, mà bắt đầu từ những hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống hằng ngày. Phụ huynh có thể dạy trẻ các thói quen như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, không lãng phí nước, sử dụng giấy đúng mục đích và tiết kiệm. Hoặc, dạy trẻ cách phân loại và để rác đúng nơi quy định dù ở nhà, trường hay nơi công cộng.

Cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất như trồng cây xanh, vệ sinh lớp học, nhà cửa, lau chùi đồ chơi và các vật dụng khác. Nhằm hình thành ý thức, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen dọn dẹp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, không phá hoại cây xanh, không hái hoa…

Thực tế, trẻ nhỏ chính là nhóm dễ phải chịu tác động xấu từ môi trường biến đổi khí hậu với những bệnh dịch điển hình như sốt rét, sốt xuất huyết, nhiệt độ toàn cầu tăng cao, Trái đất nóng dần lên... Bởi, trẻ có ít khả năng điều chỉnh cơ thể để đối phó với sự thay đổi của ngoại cảnh. Vậy nên, dạy trẻ bảo vệ môi trường chính là cách trao cho con “trách nhiệm” để tự quyết định chất lượng cuộc sống trong tương lai của mình.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng chú trọng tới việc này. Một số phụ huynh lại không biết nên bắt đầu dạy con từ khi nào, hướng dẫn con ra sao…

Các chuyên gia nêu quan điểm, sẽ chẳng bao giờ là quá sớm để cha mẹ bắt đầu những bài học giúp con hình thành nhận thức về vấn đề môi trường. Bởi, ngay từ khi con còn nhỏ, chúng có thể bắt chước, hiểu những hành động của người khác.

Cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Vấn đề ở chỗ, tùy vào từng lứa tuổi và nhận thức của con mà phụ huynh có thể bắt đầu những bài học về môi trường phù hợp.

day-con-bao-ve-moi-truong-1-3279.jpg
Cha mẹ cần giúp trẻ hình thành các thói quen bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: ITN.

Giúp trẻ biết ơn cuộc sống

Tại Tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách “Giải cứu Trái đất trong 365 ngày”, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường là một công việc cần được sự ủng hộ từ các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Khi trẻ được dạy dỗ, hướng dẫn, tạo thành thói quen, nền nếp tốt trong sinh hoạt, chúng sẽ hiểu được tác hại của các hành vi gây nguy hại đến môi trường. Việc bảo vệ môi trường vì thế sẽ đạt hiệu quả rất cao.

Theo nhà văn này, bảo vệ môi trường không phải là những công việc lớn lao như chữa cháy ở Australia, ngăn chặn băng tan tại Bắc cực, mà chúng ta có thể làm nhiều điều nhỏ cho chính cộng đồng mình, khu vực mình đang sống, trong lớp học hay ngôi nhà mình.

“Tại khu chung cư tôi đang ở, cứ mỗi cuối tuần, tất cả trẻ em, người già, mọi lứa tuổi cùng xuống khuôn viên nhặt rác. Nếu công việc này được duy trì thường xuyên, tôi nghĩ đây sẽ là bài học bổ ích cho con chúng ta”, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Cũng theo anh, khi chúng ta dạy con em mình lòng hiếu nghĩa, sự biết ơn, trẻ sẽ hiếu thuận với cha mẹ. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy trẻ biết ơn đấng sinh thành thì lòng biết ơn ấy vô nghĩa, bởi nó quá ích kỷ. Thay vào đó, nếu dạy trẻ quan tâm đến mọi người và môi trường xung quanh, cách chăm sóc môi trường, bảo vệ môi trường, trẻ sẽ biết ơn cuộc sống nhiều hơn. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể tham gia bảo vệ môi trường, thêm yêu động vật, yêu cây cối.

“Không muốn làm sẽ thấy lý do, muốn làm sẽ thấy giải pháp. Nếu chúng ta muốn làm, hãy tự tạo dựng cho mình những thói quen. Có thể làm liên tục một công việc trong vòng 21 ngày, để biến nó thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên. Như những câu thơ trong cuốn sách ‘Giải cứu Trái đất trong 365 ngày’: Tắt điện khi không xem/ Rút điện khi không dùng… Thay đổi chính mình và những người xung quanh mình. Những điều tưởng như rất nhỏ này sẽ dần tạo thành thói quen, không chỉ cho việc bảo vệ môi trường mà hình thành tính cách đẹp trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ, đem đến nhiều điều bổ ích và có ý nghĩa”, nam nhà văn cho biết.

day-con-bao-ve-moi-truong3-4955.jpg
Bảo vệ môi trường giúp khuyến khích sự sáng tạo của trẻ. Ảnh minh họa: ITN.

Hành động nhỏ - ảnh hưởng lớn

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hương Đỗ (mẹ Ong Bông) - tác giả, dịch giả, giảng viên về nuôi dạy con cho biết, trong thời đại ngày nay, khi thách thức của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nguy cấp, việc dạy trẻ bảo vệ môi trường không chỉ là một trách nhiệm. Đó còn là một nhiệm vụ thiêng liêng để chúng ta chuyển giao giá trị và nhận thức về sự quan trọng của việc duy trì hành tinh xanh sạch.

Qua những hành động nhỏ, chúng ta có thể hướng dẫn những nhân tài nhỏ bé, nhưng có sức ảnh hưởng lớn, về tình yêu và trách nhiệm đối với môi trường.

“Bảo vệ môi trường là đảm bảo sự sống còn và phát triển của các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên tự nhiên trên Trái đất. Điều này liên quan đến việc thực hiện một loạt hành động nhằm duy trì, bảo vệ, khôi phục và nâng cao chất lượng của môi trường. Đồng thời, giảm thiểu ảnh hưởng và hành vi tiêu cực của con người đối với môi trường”, chị Hương Đỗ chia sẻ.

Theo chuyên gia này, bắt đầu dạy trẻ về bảo vệ môi trường là một hành trình quan trọng từ khi con còn nhỏ. Với thế giới ngày càng ô nhiễm, việc giáo dục trẻ về trách nhiệm bảo vệ môi trường cần được chú trọng. Ngay từ những năm đầu đời, khi con có khả năng bắt chước và hiểu những hành động xung quanh, cha mẹ có thể bắt đầu chia sẻ về việc giữ gìn và tôn trọng môi trường. Dạy trẻ từ nhỏ không chỉ giúp con hiểu về trách nhiệm cá nhân, mà còn đặt nền móng cho một thế hệ tương lai chủ động và nhạy bén với vấn đề quan trọng này.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường không chỉ mang lại lợi ích cho con, mà còn tạo nên những trải nghiệm quý báu và gắn kết tình cảm gia đình đặc biệt. Đối với cha mẹ, thời gian chia sẻ với con về môi trường là cơ hội để truyền đạt kiến thức. Đồng thời, là khoảnh khắc quý giá, khiến tình cảm gia đình trở nên sâu sắc hơn.

Chị Hương Đỗ cho biết, với trẻ nhỏ, những bài học này giúp con trở thành người sống văn minh, có trách nhiệm với tương lai. Trẻ sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm cá nhân và ý thức bảo vệ môi trường xung quanh. Điều này không chỉ tạo ra những công dân có ích cho xã hội, mà còn giúp trẻ phát triển thành người có ảnh hưởng và thành công trong cuộc sống.

“Bảo vệ môi trường còn khuyến khích sự sáng tạo của trẻ. Những bài học này giúp con hình thành tư duy hợp tác và khám phá, rèn luyện tính sáng tạo ngay từ nhỏ. Qua việc chung tay giải quyết vấn đề môi trường, con có cơ hội thể hiện ý tưởng và đóng góp tích cực vào sự thay đổi tích cực cho cả cộng đồng”, chuyên gia Hương Đỗ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tháp Bút được xây trên núi Ngọc Bội. Ảnh: INT.

Người xây Tháp Bút

GD&TĐ - Nguyễn Văn Siêu là nhà văn hóa lớn, người có công xây dựng, tôn tạo nhiều công trình văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày nay.