Dạy con bằng danh sách “quy tắc vàng” trong gia đình

GD&TĐ - Phần lớn cha mẹ biết rằng, hành vi nào của con là có thể chấp nhận được và ngược lại. Tuy nhiên, việc đưa ra quy tắc và bày tỏ kỳ vọng có thể trở nên phức tạp với họ.

Cha mẹ cũng cần thực hiện quy tắc gia đình.
Cha mẹ cũng cần thực hiện quy tắc gia đình.

Đó là lý do tại sao phụ huynh cần tạo ra một danh sách bằng văn bản những quy tắc trong gia đình.

Mọi thành viên cần tuân thủ

Với một danh sách quy tắc, các thành viên trong gia đình sẽ hiểu rõ về những mong đợi của nhau. Bên cạnh đó, những quy tắc này cũng sẽ giúp trẻ em cảm thấy an toàn và an tâm hơn. Khi những quy tắc được nêu rõ ràng, các thành viên trong gia đình sẽ ít có khả năng rơi vào cãi vã.

Đặc biệt, trong trường hợp các quy tắc được đưa ra, trẻ sẽ biết rằng, việc nói: “Mẹ ơi, nhưng con không biết!” là không hiệu quả.

Ann-Louise T. Lockhart - nhà tâm lý học nhi khoa tại Mỹ gợi ý, cha mẹ có thể dựa vào một số “mẹo” để tạo ra danh sách quy tắc trong gia đình. Chuyên gia này chia sẻ, các quy tắc gia đình nên bao gồm những điều mà mọi thành viên trong nhà phải tuân theo, bao gồm cha mẹ.

“Vì vậy, đừng đưa vào danh sách nội quy “Đi ngủ lúc 7 giờ tối”, trừ khi cha mẹ cũng dự định đi ngủ vào lúc đó. Các quy tắc gia đình cũng phải cụ thể cho nhu cầu và giá trị của gia đình”, bà Lockhart nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến khích sửa lại danh sách theo thời gian. Đồng thời, các thành viên cần làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Ví dụ, nếu nhận thấy một số thành viên trong gia đình không có ý thức thu dọn đồ dùng cá nhân, phụ huynh có thể thẳng thắn nói về điều đó. Sau đó, các thành viên trong gia đình có thể thảo luận để đưa ra phương án tốt hơn.

Cha mẹ cũng nên tìm ra biện pháp giúp mọi người tuân thủ quy tắc hơn. Khi lớn hơn và dần trưởng thành, hành vi của trẻ cũng sẽ thay đổi. Do đó, cha mẹ được khuyến khích hãy thêm quy tắc mới khi cảm thấy cần thiết.

Danh sách quy tắc trong gia đình

Một danh sách dài các quy tắc có thể trở nên quá phức tạp và khó hiểu với trẻ. Vì vậy, bà Lockhart khuyến cáo, phụ huynh hãy đưa ra bản danh sách ngắn và đơn giản.

Cụ thể, danh sách quy tắc trong gia đình có thể bao gồm một số yêu cầu như: Đối xử với mọi người và tài sản bằng sự tôn trọng; Xin phép khi muốn mượn đồ của người khác; Không làm tổn thương cơ thể của bất kỳ ai (không đánh, đẩy hoặc đá); Không làm tổn thương cảm xúc của bất kỳ ai (không la hét, hạ thấp danh dự hoặc gọi trống không tên).

Bên cạnh đó, cha mẹ đừng quên nhấn mạnh trong danh sách rằng, bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng sẽ phải chịu hậu quả ngay lập tức, nếu quy tắc này bị phá vỡ. Việc yêu cầu con dành thời gian một mình để suy nghĩ hoặc tạm tước đi đặc quyền nào đó có thể giúp trẻ học cách đưa ra lựa chọn tốt hơn.

“Đây là một quy tắc tốt cho các cha mẹ cũng như trẻ em. Bởi, phụ huynh cần phải làm gương để kiểm soát hành vi và sự tức giận một cách phù hợp”, chuyên gia Lockhart chia sẻ.

Thành viên nào cũng sẽ phải nhận hậu quả nếu vi phạm quy tắc.

Thành viên nào cũng sẽ phải nhận hậu quả nếu vi phạm quy tắc.

Nữ chuyên gia này đã gợi ý một số quy tắc cha mẹ có thể áp dụng trong gia đình:

Gõ cửa trước khi vào phòng người khác

Dạy trẻ về quyền riêng tư bằng cách đặt ra quy tắc gõ cửa trước khi bước vào phòng của các thành viên khác trong gia đình. Quy tắc này có thể giúp củng cố ý tưởng rằng, chúng ta nên tôn trọng không gian của người khác.

Tự dọn dẹp

Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc tự dọn dẹp. Phụ huynh hãy đặt ra quy tắc yêu cầu con bỏ chén vào máy hoặc chậu rửa khi ăn xong. Hoặc, cha mẹ có thể yêu cầu con tự thu dọn đồ chơi trước khi làm việc khác.

Quy tắc này sẽ mang lại sự gọn gàng, sạch sẽ cũng như an toàn trong gia đình. Đồng thời, phát triển các thói quen tốt cho trẻ. Từ đó, giúp trẻ có khả năng tự lập.

Giới nghiêm thời gian dùng thiết bị điện tử

Nhiều gia đình thiết lập các quy tắc về việc sử dụng thiết bị điện tử. Một số gia đình giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở mức vài giờ mỗi ngày. Trong khi đó, những gia đình khác có thể đặt ra các quy tắc về thời gian thiết bị điện tử cần được tắt.

Đặt giờ giới nghiêm cho thiết bị điện tử trước khi vào giường có thể giúp phát triển giấc ngủ tốt cho cả cha mẹ và trẻ. Nhờ đó, giúp các thành viên trong gia đình ngủ ngon hơn và có nhiều lợi ích về sức khỏe.

Chịu trách nhiệm khi làm tổn thương ai đó

Phụ huynh hãy dạy trẻ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Để làm được điều này, cha mẹ có thể tạo ra quy tắc về cách phản ứng sau khi trẻ làm tổn thương ai đó. Đôi khi, một lời xin lỗi có thể là đủ. Song, trong một số trường hợp, người gây tổn thương có thể cần bồi thường.

Thành thật

Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực sẽ chỉ có hiệu quả nếu cha mẹ làm gương. Nếu yêu cầu con luôn nói thật, nhưng cha mẹ hành động ngược lại, lời nói của phụ huynh sẽ không hiệu quả.

Trẻ em không thể phân biệt được sự khác biệt giữa “lời nói dối vô hại” và những lời nói dối khác. Vì vậy, nếu muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực, cha mẹ hãy chứng tỏ rằng, mình là người như vậy.

Thực hành tốt vệ sinh cá nhân

Trẻ cần hiểu rằng, phải rửa tay, đánh răng, tắm để có sức khỏe tốt. Phụ huynh hãy thiết lập những quy tắc này để trẻ phát triển những thói quen tốt và không trốn tránh việc vệ sinh cá nhân.

Tham dự các cuộc họp gia đình

Tổ chức cuộc họp gia đình định kỳ có thể giúp phụ huynh xem xét lại các quy tắc, nói về lịch trình sắp diễn ra và thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong gia đình nếu cần.

Một số gia đình có thể muốn lên lịch họp mỗi tuần một lần. Trong khi đó, các gia đình khác có thể cho rằng, cuộc họp mỗi tháng một lần là đủ.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ