Để dạy con thành tài, người Do Thái đã lập ra quy tắc trong gia đình như thế nào?

GD&TĐ - Khi sống trong xã hội, con người chắc chắn phải chịu sự ràng buộc của rất nhiều quy tắc khác nhau. Những người vô nguyên tắc chính là những kẻ đáng sợ nhất.

Để dạy con thành tài, người Do Thái đã lập ra quy tắc trong gia đình như thế nào?

Nhiều người tò mò lý do vì sao người Do Thái lại thông minh, giỏi kiếm tiền và đạt được nhiều thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực như vậy. Phần lớn ý kiến đồng ý với quan điểm họ có được những điều đó không phải nhờ vào chỉ số IQ cao, mà vì ngay từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng ý thức về các quy tắc.

Gia đình Do Thái rất chú trọng đến việc thiết lập hệ thống quy phạm, quy tắc trong nhà ngay từ những sự việc nhỏ nhặt nhất, ví dụ như trước khi ra ngoài phải chào người lớn, gặp hàng xóm phải chủ động chào hỏi, phòng của mình phải tự mình dọn dẹp, đồ dùng chung sau khi dùng xong phải đặt về đúng vị trí cũ, ai đó cần giúp đỡ thì phải ra tay giúp đỡ họ…

Khi những hành động nhỏ nhặt đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng sẽ dần tích tụ và biến thành các thói quen tốt của bản thân trẻ. Khi đó, cha mẹ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, còn con cái cũng được hưởng lợi suốt đời. Biết phép tắc là biểu hiện của một người có tố chất tốt, và đó cũng là tố chất căn bản để một người có thể đứng vững được trong xã hội sau này. Đối với con cái, cha mẹ Israel thường lập ra hai giao ước: một là trước khi làm việc phải nói rõ nguyên tắc; hai là sau khi làm việc hoàn toàn không thỏa thuận thêm. 

Mỗi ngày lễ của người Do Thái đều có những quy tắc hết sức nhỏ nhặt mà mọi người bắt buộc phải tuân thủ. Trong môi trường đó, con trẻ được mắt thấy tai nghe nên trong chúng đã dần hình thành nên một khung quy phạm, đó là một dạng kết quả của sự phát triển tự nhiên.

Quy tắc không đồng nghĩa với việc không có chủ kiến, quan trọng là phải nắm bắt được giới hạn. Người Do Thái có một phép ẩn dụ được lưu truyền rộng rãi: Trên đồng cỏ, nếu những con dê chạy nhảy trong phạm vi hàng rào, ăn cỏ, vui đùa thì đó gọi là nhanh nhẹn, người chăn dê không cần can thiệp. Nhưng nếu có con dê nào đó nhảy ra khỏi hàng rào, thì đó gọi là vô lối, người chăn dê nhất định phải thực hiện chức trách của mình để bắt con dê đó quay trở về bên trong hàng rào.

Hàng rào đó chính là nguyên tắc, bạn chỉ có thể tự do hoạt động bên trong. Duy trì các nguyên tắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giáo dục gia đình, nó không chỉ quyết định đến việc hình thành những thói quen tốt của trẻ, mà còn giúp chúng biết kính sợ, chứ không phải lúc nào cũng chỉ biết lấy mình làm trung tâm.

Nếu muốn con tuân thủ nguyên tắc thì trước tiên, cha mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc đó trước. Nếu không, bạn sẽ mất đi uy tín trong mắt con cái và hệ quả là việc dạy bảo chúng sẽ ngày một khó hơn. Làm tròn bổn phận, kiên trì nguyên tắc, đòi hỏi nghiêm khắc, tất cả những điều đó đều xuất phát từ tình yêu thương sâu đậm của cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu đó là vô biên vô hạn, nhưng chỉ có những “tình yêu chất lượng cao” mới giúp ích cho con trên suốt chặng đường đời.

Vậy làm thế nào để lập nên những quy tắc cho con? Những quy tắc thực sự cần được hình thành từ quy phạm. Ví dụ từ mấy giờ đến mấy giờ là thời gian ăn của con. Khi trẻ còn nhỏ, chúng ta có thể cho chúng ăn theo thực đơn của chúng ta, nhưng khi chúng biết nói, chúng sẽ đưa ra những đòi hỏi và chúng ta rất dễ bị cuốn vào những đòi hỏi của chúng, lúc nào cũng chạy theo sau để thỏa mãn, làm chúng vui. Nếu vị trí bị đảo ngược như vậy thì hậu quả là con bạn sẽ trở thành những đứa trẻ vô nguyên tắc, cứng đầu, bướng bỉnh.

Muốn con thực sự hình thành được những thói quen tốt thì trước tiên phải bắt đầu bằng sự tự giác. Và sự tự giác là thứ mà cha mẹ phải truyền lại cho con từng chút từng chút một, để cuối cùng nó trở thành một phần trong con. Nếu như bạn suốt ngày chỉ làm “cần cẩu” cho con thì sự tự giác của chúng sẽ không có không gian để phát triển.

Việc nuôi dưỡng những thói quen tốt cho con phải bắt đầu từ chính những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Những sự việc có vẻ rất bình thường trên thực tế lại là những hành vi quy phạm của trẻ. Ví dụ, buổi sáng khi thức dậy, phải ngắm nhìn những tia nắng đầu tiên và vui vẻ bắt đầu ngày mới; khi mở mắt ra, phải nói lời chào với bố mẹ, với một ngày mới tốt đẹp đang đợi ở phía trước chứ không phải khi cha mẹ gọi trẻ dậy thì chúng khóc lóc và vẫn nằm ỳ trên giường không chịu dậy. Tâm hồn của trẻ rất nhạy cảm với cái đẹp, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi vào phòng, cảm giác đầu tiên của trẻ nên là: Hôm nay thật đẹp, mặt trời thật đẹp, thật hạnh phúc khi có bố mẹ ở bên!

Nhiều bậc phụ huynh nói rằng, buổi sáng gọi con dậy cứ như đánh trận vậy, làm sao có tâm trạng tốt được? Thực ra vấn đề nằm ở chính là do phương pháp của các bạn không đúng. Bạn hãy thử đổi lại bằng cách nhẹ nhàng đến ngồi cạnh giường nó, mở nhạc nhỏ, ví dụ như bài “Dậy đi thôi là dậy bạn ơi…”, sau đó tiếp tục dịu dàng: “Bé con, con xem này, mặt trời chiếu đến mông côn rồi đây này, buổi sáng sớm thật đẹp!”.

Đối với con trẻ, chúng ta cần có những định hướng đúng đắn. Hãy thử dùng những ngôn từ đẹp đẽ để nói chuyện với con, kể cả khi muốn giục chúng dậy, cũng cố gắng biểu đạt bằng những từ ngữ tốt đẹp nhất, để các con có thể cảm nhận được thế giới tốt đẹp này từ những lời nói của bạn.

Theo Trí Thức Trẻ/cafeF

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.