Dạy chính khóa cấp tiểu học tại Cần Thơ: Chậm nhưng chắc

GD&TĐ - Thời gian bắt đầu học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với cấp tiểu học ở Cần Thơ chậm so với cấp học khác. Nhờ sự chủ động, ngành Giáo dục địa phương đã thực hiện chương trình chính khóa một cách ổn định, nền nếp.

Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tự làm video hướng dẫn kỹ năng học tập cho học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tự làm video hướng dẫn kỹ năng học tập cho học sinh.

Tập trung vào nội dung cốt lõi

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã điều chỉnh khung kế hoạch chương trình năm học 2021 - 2022. Theo đó, chương trình giáo dục tiểu học bắt đầu học kỳ I từ đầu tháng 11/2021 và dự kiến kết thúc năm học trong tháng 6/2022.

Mặc dù tiến độ triển khai chậm hơn so với các cấp học khác nhưng ngành Giáo dục đã chuẩn bị các phương án, nội dung nên bước đầu thực hiện ổn định. Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Bộ GD&ĐT đã thống nhất khung thời gian năm học mới của Cần Thơ. Về nội dung chương trình, ngành Giáo dục đã chỉ đạo nhà trường, giáo viên thực hiện tinh giản nội dung dạy học, tập trung các kiến thức trọng tâm, cốt lõi và căn bản nhất.

Trong thời gian nghỉ học phòng dịch vừa qua, ngành Giáo dục yêu cầu phòng GD&ĐT các quận/huyện chỉ đạo nhà trường, giáo viên liên hệ, kết nối phụ huynh hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà; chủ động xây dựng phương án học tập nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. Sở đã tổ chức xây dựng và hoàn thành 97 tiết dạy qua truyền hình trong học kỳ I; Xây dựng kho dữ liệu bài giảng với hơn 320 video các tiết dạy học cho học sinh khối lớp 1 - 5. Trong đó có 36 tiết Tiếng Việt, 47 tiết Toán và 18 tiết Tiếng Anh cho học sinh khối lớp 3, 4 và 5.

Sở cũng khuyến khích giáo viên xây dựng thêm những bài giảng khác bổ sung phù hợp thực tế học sinh tại địa phương dưới dạng file Word, file ảnh hoặc video clip...  Bài giảng được chuyển đến học sinh thông qua các phương tiện, ứng dụng phổ biến như Facebook, Messenger, Zalo, email... hoặc có thể in bài chuyển đến tận tay các em. Sau đó giáo viên thu hồi, đánh giá kết quả, đặc biệt ưu tiên những trường hợp gia đình không đủ điều kiện, khả năng sử dụng phương tiện công nghệ thông tin.

Quận Ô Môn có 19 trường tiểu học với hơn 10 nghìn học sinh. Theo ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận, qua rà soát ghi nhận hơn 10% trong số học sinh thiếu thiết bị. Có học sinh có thiết bị nhưng không có phụ huynh hỗ trợ. Có gia đình chỉ có 1 thiết bị nhưng 2, 3 học sinh tham gia các khối lớp thì chủ động, linh hoạt thay đổi các khung giờ giúp các em tiếp cận được bài học. Ngoài ra, phòng yêu cầu nhà trường chỉ đạo giáo viên soạn in bài học và gửi trực tiếp đến những học sinh khó khăn, không có thiết bị. Đồng thời quan tâm hỗ trợ kịp thời cho giáo viên; thầy cô cũng tự học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đối với học sinh quên kiến thức do nghỉ học trong thời gian dài hoặc chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng mà không có điều kiện để tự học ở nhà, cho phép những em này vào trường để giáo viên hướng dẫn trực tiếp nhằm đảm bảo chất lượng. 

Học sinh tiểu học ở TP Cần Thơ trong giờ học online.
Học sinh tiểu học ở TP Cần Thơ trong giờ học online.

Quan tâm đến học sinh yếu thế

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có hơn 2.000 học sinh. Bên cạnh công tác thông tin đến phụ huynh về lịch học, giờ học trên kênh truyền hình và gửi video các bài giảng chung của ngành, nhà trường cũng linh hoạt nhiều hình thức học tập để hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: Dạy học qua truyền hình, giáo viên phối hợp với phụ huynh và học sinh cùng học tập. Sau mỗi tiết học, giáo viên trao đổi với học sinh để củng cố lại kiến thức cho các em, đánh giá khả năng tiếp thu cũng như kiến thức được truyền tải. Ngoài ra, sau mỗi tuần học tập, nhà trường yêu cầu các tổ, khối lớp sẽ họp và chia sẻ kinh nghiệm cũng như đánh giá lại công tác học tập; đưa các giải pháp điều chỉnh giúp học sinh học tốt hơn.

“Khó khăn lớn nhất với nhà trường là nhóm học sinh yếu thế, ngoài việc thiếu thiết bị học tập, một số học sinh cơ nhỡ phải theo cha mẹ đi làm không thể tham gia học tập. Do đó nhà trường lên phương án tổ chức các nhóm nhỏ, dưới 5 học sinh, ít nhất mỗi tuần 1 buổi học trực tiếp để củng cố kiến thức với sự đồng thuận từ phụ huynh và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định”, cô Xuân thông tin thêm.

Tại Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1 (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nhà trường yêu cầu các giáo viên dành ít nhất 1 - 2 tiết học để hỗ trợ, củng cố kiến thức và hướng dẫn những phần nào các em chưa rõ sau mỗi bài học qua truyền hình hay video bài giảng.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học 2021 - 2022, trường có 798 học sinh. Thống kê sau ngày đầu thực hiện học tập tại nhà có gần 5% học sinh không đủ điều kiện học tập qua truyền hình, thiếu thiết bị thông minh học tập. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức soạn, in bài và gửi trực tiếp từng nhà cho học sinh. Đồng thời tổ chức kiểm tra, nhận lại bài học và ghi nhận phản hồi đánh giá học sinh, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ.

Theo ông Lê Thanh Long, ngành Giáo dục khuyến khích nhà trường, giáo viên bố trí thời gian trực tiếp đến gia đình để động viên, thăm hỏi thêm về tình hình học tập, đặc biệt là những trường hợp học sinh khó khăn nhiều trong học tập. Qua đó giáo viên sẽ nắm bắt tình hình thực tế của học sinh, đồng thời hỗ trợ và điều chỉnh việc học tập các em nếu chưa đảm bảo các yêu cầu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.