Dạy bù cho học sinh ảnh hưởng bão lũ: Không để học sinh và giáo viên quá tải

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của bão, lũ, một số địa phương của Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, HS phải nghỉ học từ 1 - 2 tuần. Các trường học đã linh hoạt trong tổ chức phương án dạy bù với phương châm không để GV và HS quá tải. 

Đại diện UBND huyện Tây Giang trao quà hỗ trợ cho HS Trường THPT Võ Chí Công (huyện Tây Giang) sớm ổn định để học tập ở địa điểm mới.
Đại diện UBND huyện Tây Giang trao quà hỗ trợ cho HS Trường THPT Võ Chí Công (huyện Tây Giang) sớm ổn định để học tập ở địa điểm mới.

Dạy bù theo môn học

Ngày 19/10, thầy và trò Trường THPT Võ Chí Công (xã Axan – huyện Tây Giang, Quảng Nam) bắt đầu ngày học đầu tiên ở địa điểm mới. Do bị ảnh hưởng bởi mưa lũ kéo dài nhiều ngày, đất từ taluy dương sạt lở xuống khu KTX của HS. Sở GD&ĐT Quảng Nam cùng với UBND huyện Tây Giang đã thống nhất chuyển toàn bộ HS về học nhờ tại Trường THPT Tây Giang, cách đó 40 km. Thời gian học nhờ sẽ kéo dài cho đến hết năm học 2020 - 2021. Trường THPT Tây Giang bàn giao 8 phòng, trong đó có 7 phòng học và 1 phòng làm việc để Trường THPT Võ Chí Công tổ chức dạy - học.

Trong 3 ngày 16 - 18/10, huyện Tây Giang tổ chức di chuyển HS của Trường THPT Võ Chí Công xuống Trường THPT Tây Giang để sớm ổn định hoạt động dạy – học. Thầy Nguyễn Công Tươi – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công cho biết: “Tính cả hai đợt bão, thời gian nghỉ của HS là khoảng 2 tuần. Nhà trường sẽ tổ chức dạy bù trong 3 tuần. HS sẽ học cả ngày, ví dụ HS khối 11 - 12 học chính khóa buổi sáng sẽ học bù vào buổi chiều. Phương án tổ chức dạy bù sẽ không tổ chức dạy như thời khóa biểu cũ mà sẽ được tổ chức theo môn học”.

Việc tổ chức dạy bù của Trường THPT Võ Chí Công sẽ được dạy đủ số tiết bị thiếu của từng môn học trong 2 tuần HS phải nghỉ học. Để giảm áp lực và tránh quá tải cho HS và GV, Ban giám hiệu Trường THPT Võ Chí Công chia thời khóa biểu sao cho mỗi ngày không quá 8 tiết cả chính khóa và học bù. Thời khóa biểu sẽ sắp xếp để GV không bị trùng tiết và cả HS và GV phải có thời gian nghỉ ngắn giữa 2 buổi. “Nếu buổi sáng HS học chính khóa 5 tiết, buổi chiều học bù, các em sẽ được bố trí học tiết 3 - 4 - 5 chứ không phải vào học ngay tiết 1” – thầy Tươi nói.

HS một số vùng của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cũng phải nghỉ học khoảng 1 tuần do ảnh hưởng của mưa bão. Ông Lương Đức Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Lộc cho biết: Trong điều kiện thời tiết mưa gió kéo dài như hiện nay, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường chỉ tập trung dạy – học chính khóa, chưa tổ chức dạy bù. Như cuối tuần vừa rồi, HS toàn huyện phải nghỉ học do nước lớn. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực miền Trung chuẩn bị có thêm một cơn bão mạnh nên chúng tôi chưa tính đến việc dạy bù.

HS của huyện Đại Lộc phải nghỉ học 1 tuần do ảnh hưởng của mưa bão. Những trường học của các xã vùng trũng như Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, thời gian nghỉ học của HS ít nhất là 10 ngày. “Để không kéo dài thời gian nghỉ học, một số trường chủ động khắc phục bằng cách hướng dẫn cho HS đi đường vòng để tránh những đường đang bị ngập nước. Nhà trường cập nhật, hướng dẫn phụ huynh, HS lộ trình đi học bảo đảm an toàn. Nguyên tắc là phải thật sự an toàn thì HS mới đến trường học”, ông Lương Đức Hiền thông tin.

Phòng GD&ĐT Đại Lộc đã tham mưu với UBND huyện cấp áo phao cho  GV ở mạn dưới lên dạy ở các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn do phải đi qua 3 khe, mưa lớn nước dâng cao, đường đi rất khó khăn. Dự kiến, UBND huyện sẽ vận động từ các nguồn tài trợ để cấp phát cho HS xã Đại Lãnh và Đại Sơn, mỗi xã khoảng 100 áo phao.

UBND huyện Tây Giang đã hỗ trợ cho mỗi HS nội trú của Trường THPT Võ Chí Công một chăn ấm, thùng mì tôm và 100.000 đồng để các em sớm ổn định sinh hoạt ở nơi ở mới. Ngoài ra, 3 tấn gạo hỗ trợ theo chế độ cũng đã được chuyển về trường để tổ chức bếp ăn cho HS. 

Di chuyển HS Trường THPT Võ Chí Công về khu nội trú mới tại trụ sở cũ của Ban Tuyên giáo huyện Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp
Di chuyển HS Trường THPT Võ Chí Công về khu nội trú mới tại trụ sở cũ của Ban Tuyên giáo huyện Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp

Học sinh bắt đầu đi học trở lại

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn mưa đã giảm, một số trường vùng cao học sinh đi học trở lại nhưng chỉ khoảng 50 - 60%.

Thực hiện phương châm nước rút đến đâu sạch đến đó; vệ sinh phòng các dịch bệnh sau lũ…, nhiều trường thực hiện dọn vệ sinh. Tuy nhiên, không ít trường vẫn ngập sâu nên chưa thể tính ngày đi học trở lại. Các trường thiệt hại nặng nhất thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang và một số vùng thuộc thành phố Huế, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế cho biết: Đến ngày 20/10, mới có 16/61 trường có thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại; trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS.

Mưa, lũ liên tiếp, theo ông Hùng, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai phương án bảo vệ tài sản, trang thiết bị trường học trong trường hợp có lũ, lũ quét, sạt lở đất; phân công cán bộ giáo viên, nhân viên trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa lũ, xử lý các tình huống và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cấp trên.

Với học sinh nhà thuộc vùng lũ, bị chia cắt, các trường thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học và tổ chức học bù vào thời điểm phù hợp ngay sau khi các học sinh này đi học trở lại. Với giáo viên ở vùng lũ không đến được trường, nhà trường phân công dạy thay, bảo đảm không ảnh hưởng việc quản lý học sinh trong nhà trường khi giáo viên vắng. Sau mỗi buổi học, giáo viên dặn dò học sinh  không đến những nơi như sông, suối, ao hồ và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét…

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục về phòng chống thiên tai trong nhà trường, ông Hùng cho biết: Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đưa nội dung “Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai” tích hợp vào dạy học trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ cấp trung học cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho HS và kĩ năng cơ bản về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cũng như định hướng một số hoạt động dạy học cho giáo viên để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tổng thiệt hại của ngành Giáo dục Hướng Hóa (Quảng Trị) sau đợt mưa lũ ước tính trên 5 tỷ đồng. Một số trường thiệt hại nhiều là: Tiểu học số 1 Khe Sanh, Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Húc, Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Hướng Lập, Mầm non Hướng Lập… và một số điểm khác. Mưa lũ đã làm hư hỏng tường rào, thư viện, phòng học và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; tổng thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng. Đau thương nhất là mưa lũ đã cướp đi sinh mạng 4 bốn em học sinh. - Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT  huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.